12 /222 thí sinh "gian lận" điểm thi đang theo học tại nhiều trường đại học

Trong danh sách 222 thí sinh có tên trong danh sách “gian lận” điểm thi ở kỳ thi THPT quốc gia 2018 thì nhiều trường đại học đã hủy kết quả và trả về địa phương 210 thí sinh. 12 thí sinh còn lại có điểm chấm thẩm định không thấp hơn điểm trúng tuyển thì trước mắt, trong quá trình điều tra, các trường đang cho tiếp tục theo học.

Được biết, hiện nay, các trường đại học có thí sinh trong danh sách sửa, nâng điểm đang theo học (điểm chấm thẩm định không thấp hơn điểm đỗ vào trường) là trường ĐH Sư phạm Hà Nội, ĐH Kinh tế quốc dân, ĐH Luật Hà Nội, ĐH Y Hà Nội…và một số trường đại học khác.

Trong khi đó, khối các trường công an, quân đội đã trả hết thí sinh có tên trong danh sách sửa, nâng điểm về địa phương, mặc dù có thí sinh điểm thực vẫn đủ điều kiện đỗ vào trường.

Tất cả các trường đại học đã trả thí sinh “gian lận” về địa phương đều thông tin không tuyển bổ sung chỉ tiêu, bởi hiện nay các trường đại học đều sắp kết thúc năm học và đang chuẩn bị cho việc tuyển sinh mới.

Đáng tiếc nhất là khối các trường đại học công an. Năm 2018, chỉ có 5 trường đại học, học viện được tuyển sinh là Học viện ANND, Học viện CSND, Đại học ANND, Đại học CSND và Đại học PCCC.

Tổng chỉ tiêu vào các trường này chỉ có 1.192. Một cuộc cạnh tranh “khốc liệt” giữa các thí sinh giỏi vì điểm chuẩn vào các trường khá cao. Ngành có điểm chuẩn cao nhất là 27,15 là Học viện Cảnh sát nhân dân. Trung bình các ngành khác ở các trường khác là 24 điểm trở lên.

Trong khi đó, các thí sinh “gian lận” ở Hòa Bình, Sơn La đã chiếm 53 chỉ tiêu ở khối trường này.

Nói về xử lý thí sinh có tên trong danh sách “gian lận” điểm thi nhưng vẫn được nhiều trường đại học cho theo học vì đủ điểm trúng tuyển vào trường, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho biết, vừa qua, các trường đại học khối Công an đã chủ động xử lý theo quyền và trách nhiệm của họ. Tôi ủng hộ cách xử lý của các trường này.

“Quy định của Luật Giáo dục Đại học, việc tuyển sinh thuộc quyền tự chủ của các cơ sở giáo dục đại học, nên việc xử lý các trường hợp thí sinh bị hạ điểm thi trước hết thuộc thẩm quyền của các trường. Theo đó, các cơ sở giáo dục đại học có quyền và trách nhiệm xử lý, không thụ động ngồi đợi chỉ đạo của Bộ” – Bộ trưởng Nhạ nói.

Theo Bộ trưởng Nhạ, tất cả các hành vi gian lận trong kỳ thi THPT quốc gia nói riêng và bất cứ kỳ thi nào khác đều sẽ bị xử lý nghiêm theo quy định. Khi có kết luận của cơ quan điều tra, nếu em nào bị kết luận có tham gia vào quá trình gian lận thì sẽ bị xử lý theo qui định của pháp luật.

Quan điểm của Bộ Giáo dục là xử lý nghiêm khắc, xem xét cho thôi học những thí sinh có kết luận liên quan đến gian lận thi cử.

Theo Dân Trí