13 lần tăng, 4 lần giảm giá xăng dầu năm 2022, mức giảm 1.000 đồng/lít thuế bảo vệ môi trường có thỏa mãn lòng dân?

Hôm nay (4/7), thừa ủy quyền Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tài chính đã trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội về Dự án Nghị quyết về mức thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu, mỡ nhờn…

Trong thông cáo gửi báo chí ngày 4/7, Bộ Tài chính cho biết, từ đầu năm 2022 đến nay, xăng dầu đã có 13 lần tăng giá, 4 lần giảm giá. Trong đó, có 2 lần giảm ngay sau khi thực hiện giảm mức thuế bảo vệ môi trường, áp dụng từ 01/4.

Tại kỳ điều chỉnh gần đây nhất (1/7), giá xăng dầu trong nước giảm nhưng chỉ ở mức 110 – 411 đồng/lít xăng; 404 đồng/lít đối với dầu diesel; 432 đồng/lít đối với dầu hỏa và 1.013 đồng/lít đối với dầu mazut.

13-lan-tang-4-lan-giam-gia-xang-dau-nam-2022-muc-giam-1-000-dong-lit-thue-bao-ve-moi-truong-co-thoa-man-long-dan

Bộ Tài chính thừa nhận sau khi thực hiện giảm thuế bảo vệ môi trường, giá xăng dầu vẫn tiếp tục tăng cao.

 

Bộ Tài chính cho biết, trong bối cảnh giá xăng dầu tăng cao, việc tiếp tục giảm thuế bảo vệ môi trường đến hết ngày 31/12 năm nay sẽ tháo gỡ khó khăn hơn nữa cho người dân, doanh nghiệp bị ảnh hưởng do đại dịch, góp phần bình ổn thị trường xăng dầu cũng như kiềm chế lạm phát.

Cụ thể, mức thuế bảo vệ môi trường đối với xăng sẽ giảm từ 2.000 đồng/lít xuống mức sàn 1.000 đồng/lít; nhiên liệu bay giảm từ 1.500 đồng/lít xuống mức sàn 1.000 đồng/lít; dầu diesel giảm từ 1.000 đồng/lít xuống 500.000 đồng/lít; dầu mazut, dầu nhờn, dầu hỏa, mỡ nhờn giảm về mức sàn 300 đồng/lít.

Đến ngày 01/1/2023, mức thuế BVMT đối với xăng dầu, mỡ nhờn… sẽ thực hiện theo Nghị quyết số 579/2018/UBTVQH14 của Ủy ban thường vụ Quốc hội.

Bộ Tài chính thừa nhận sau khi thực hiện giảm thuế bảo vệ môi trường, giá xăng dầu vẫn tiếp tục tăng cao.

Cũng bởi giá xăng dầu tăng cao, mà hầu hết, người dân, doanh nghiệp đều mong muốn được loại bỏ hoặc cắt giảm thuế tiêu thụ đặc biệt đối với xăng, dầu. Bởi lẽ, xăng dầu tăng giá đã tác động lớn đến các doanh nghiệp, nhất là những doanh nghiệp vận tải, logistic, kinh doanh sản xuất… có sử dụng xăng dầu làm nguyên liệu đầu vào.

13-lan-tang-4-lan-giam-gia-xang-dau-nam-2022-muc-giam-1-000-dong-lit-thue-bao-ve-moi-truong-co-thoa-man-long-dan

Do ảnh hưởng của giá xăng dầu, giá các mặt hàng hóa thiết yếu đều bị ảnh hưởng và người dân nhận định rằng, khi giá hàng hóa đã tăng, sẽ khó quay đầu giảm giá.

Từ đó, giá cả hàng hóa bị tác động theo giá xăng dầu, ảnh hưởng trực tiếp đến mức chi tiêu của người dân, tạo áp lực đến mục tiêu kiềm chế lạm phát, kiềm chế chỉ số giá tiêu dùng, tác động xấu đến sự tăng trưởng kinh tế và mục tiêu phục hồi tổng thể nền kinh tế sau đại dịch.

Ông Hoàng Văn Phùng (ở Cầu Giấy, Hà Nội) bày tỏ: "Đến thời điểm này, sau nhiều lần giá xăng dầu điều chỉnh tăng, hầu hết, tất cả các mặt hàng trên thị trường đều đã tăng, thì việc giảm đến 1.000 đồng/lít thuế bảo vệ môi trường đối với xăng hầu như không còn ý nghĩa. Bởi giá cả các mặt hàng sẽ không hoặc rất khó quay đầu giảm giá".

Cùng quan điểm với ông Phùng, nhiều ý kiến bày tỏ việc giảm tối đa hoặc tạm thời dừng thu thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế giá trị gia tăng (GTGT) đối với xăng dầu. Bởi xăng dầu là mặt hàng thiết yếu, là hàng hóa huyết mạch của nền kinh tế mỗi quốc gia.

Trước nhiều ý kiến trái chiều về giảm thuế, phí đối với xăng dầu, Bộ Tài chính cho biết, về thuế nhập khẩu, Bộ Tài chính đã nghiên cứu, xây dựng dự thảo Nghị định về Biểu thuế xuất khẩu, Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi và hiện đang khẩn trương tổng hợp, tiếp thu, giải trình ý kiến tham gia của các Bộ, ngành, địa phương để trình Chính phủ (trong tháng 8/2022).

Trên cơ sở ý kiến tham gia, Bộ Tài chính sẽ nghiên cứu, đề xuất điều chỉnh mức thuế suất MFN (mức thuế tối huệ quốc) đối với xăng từ 20% xuống mức phù hợp.

Đối với mặt hàng dầu hiện đang áp dụng mức thuế suất MFN là 7% đã đảm bảo phù hợp với cam kết quốc tế.

Về giảm thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế GTGT với xăng, dầu, Bộ Tài chính đã có báo cáo Thủ tướng Chính phủ đề xuất phương án giảm thuế TTĐB đối với xăng và giảm thuế GTGT đối với xăng dầu nhằm góp phần giảm giá mặt hàng xăng dầu, hỗ trợ người dân, doanh nghiệp phục hồi và phát triển kinh tế.

Theo Bộ Tài chính, trường hợp Nghị quyết được ban hành trong tháng 7/2022 và có hiệu lực từ ngày 01/8/2022, ước giảm thu NSNN (đã bao gồm cả phần giảm thuế GTGT) là khoảng 7.000 tỷ đồng.

Theo đó, tổng giảm thu NSNN do việc giảm thuế BVMT đối với xăng, dầu, mỡ nhờn… trong năm 2022 (tính cả phần giảm thu NSNN theo Nghị quyết số 18/2022/UBTVQH15 và Nghị quyết số 13/2021/UBTVQH15) là khoảng 32.538 tỷ đồng.

Theo GiaDinh