13 Reasons Why: Bộ phim tâm lý đáng để suy ngẫm

Bộ phim được chuyển thể từ tiểu thuyết cùng tên của nhà văn Jay Asher đã phản ánh hai vấn đề gây nhức nhối nhất của giới trẻ ngày nay: bạo lực học đường và tự tử.

13 Reasons Why: Bộ phim tâm lý đáng để suy ngẫm

13 Reasons Why đã mang lại cho tôi một cái nhìn khác về phim tâm lý học đường (ảnh: Netflix)

Việc tôi biết đến bộ phim này khá là tình cờ, vì tôi rất hiếm khi xem phim và phim tâm lý học đường thì lại càng ít. Chỉ vì cô bạn thân nhất của tôi sau khi xem xong khóc sụt sịt và nằng nặc đòi tôi xem thì tôi mới hứa suông rằng sẽ xem qua.

Ấn tượng đầu tiên của tôi về bộ phim là dàn diễn viên hầu như không có ai nổi trội, vai diễn duy nhất mà tôi biết trước đó là nhân vật Clay Jensen do Dylan Minnette thủ vai, nhưng thật ngạc nhiên khi IMDB chấm điểm bộ phim này lên đến gần 9 điểm, điểm Rotten Tomatoes đạt 86%, một con số có thể nói là rất cao, ít nhất là trong thể loại phim tâm lý học đường.

Lưu ý: bài viết có chứa "spoiler" và là góc nhìn chủ quan của người viết. Bạn đọc nên cân nhắc trước khi tiếp tục đọc bài.

Bộ phim kể về Clay Jensen, một học sinh trung học bình thường, ít nói, sống nội tâm nhưng luôn quyết đoán và tự chủ. Cậu theo học ở trường Liberty High, một ngôi trường danh giá của thành phố và ở đó, cậu đã có cảm tình với cô bạn Hannah Baker, một cô gái mới chuyển đến từ thành phố khác và làm việc chung với cậu ở rap chiếu phim Crestmont.

Khi Clay đang cố gắng từng chút một thoát ra khỏi vỏ bọc của mình để bày tỏ tình cảm với Hannah thì cũng là lúc Hannah quyết định tự kết liễu cuộc đời. Cái chết của Hannah khiến cả trường phải bàng hoàng, Clay cũng không ngoại lệ.

Vì lí do gì mà một cô gái xinh đẹp, hiền lành, tốt bụng vừa mới đi học được vài tháng đã tự sát?

Cái tên 13 Reasons Why đã phần nào tiết lộ nội dung của bộ phim, khi Hannah trước khi tự sát đã chuẩn bị sẵn 7 cuốn băng bao gồm 13 mặt, mỗi mặt sẽ là một lí do đã đẩy mình đi đến cái chết và gửi chúng cho tất cả những người có mặt trong các cuốn băng, và thật bất ngờ khi Clay cũng có mặt ở trong đó.

Bộ phim sẽ là hành trình tìm hiểu sự thật của Clay, cũng như sự dằn vặt của chính cậu khi biết rằng rồi sẽ đến lúc mình phải nghe cuốn băng của mình, rằng mình cũng là một tác nhân dẫn đến cái chết của Hannah, cô bạn mà cậu vô cùng quý mến.

13 Reasons Why: Bộ phim tâm lý đáng để suy ngẫm

Clay lắng nghe các cuốn băng qua chiếc máy nghe nhạc, bên cạnh chiếc tủ của cô bạn Hannah Baker đã mất (ảnh: Netflix)

Từ "cuộc sống màu hồng"

Là một nữ sinh trung học mới chuyển trường, hơn ai hết Hannah đang mong muốn mình sẽ có một đời học sinh mà mình hằng mơ ước: được học ở một ngôi trường danh giá, trở nên nổi tiếng trong mắt bạn bè trong trường, được gặp gỡ và đem lòng yêu một chàng trai nào đó.

Gia đình cô tuy chẳng khá giả gì nhưng cũng cố gắng để cho cô theo học tại ngôi trường danh giá bậc nhất thành phố, với những người thầy người cô đáng kính và một môi trường lành mạnh.

Khi đi làm thêm để có tiền đi học, cô đã gặp Clay Jensen, một cậu bạn tuy ít nói và sống nội tâm nhưng vô cùng dễ gần và vui tính, và hơn hết Clay cũng có cảm tình với cô. Những tưởng hai nhân vật chính của chúng ta cuối cùng sẽ đến được với nhau và có những năm trung học đầy ý nghĩa thì những sự suy đồi đằng sau vẻ ngoài hào nhoáng ấy đã dần lộ ra.

13 Reasons Why: Bộ phim tâm lý đáng để suy ngẫm

Clay và Hannah tại rạp chiếu phim Crestmont, nơi cả hai cùng làm việc (ảnh: Netflix)

Đến "những ngày giông tố"

Nói một cách công bằng, ước mơ về cuộc sống đó của Hannah đã trở thành sự thật, nhưng nó chỉ không giống như cô tưởng tượng mà thôi. Cô trở nên nổi tiếng toàn trường, nhưng là vì mình có cặp mông đẹp nhất theo như danh sách của Alex - một cậu bạn "nghệ sĩ" mà cô tình cờ gặp và kết bạn.

Cô quen với Justin, một anh bạn đẹp trai của đội bóng rổ của trường, nhưng chỉ vì vô tình "lộ hàng" khi trượt cầu trượt và Justin thì khoe khoang về việc đó, cô đã trở thành một đứa lẳng lơ và dễ dãi trong mắt bạn bè.

Rồi khi mọi người vẫn còn cái nhìn thiếu thiện cảm với những người đồng tính, việc cô bị lộ ảnh nhạy cảm với cô bạn Courtney đã đạp cô xuống tận bùn lầy, đặc biệt là khi Courtney không những trốn tránh trách nhiệm mà còn bỏ rơi cô một mình đối chọi với sự kì thị của bạn bè trong trường. Jessica và Alex, những người mà Hannah coi là bạn cũng dần xa vời và thậm chí còn phản bội cô.

Rồi khi cô đặt niềm hi vọng của mình vào Marcus khi tham gia "valentine 1 đồng", cô lại nhận được sự thất vọng khi Marcus nghĩ rằng cô là một người dễ dãi và sàm sỡ cô nơi công cộng, ngay trước mắt của một vài cậu con trai khác.

Tưởng như Zach, người đã ngồi lại để xin lỗi và sẵn sàng lắng nghe cô sẽ mang lại được cho cô niềm vui cũng là người đã tự tay nghiền nát những niềm vui nhỏ nhoi nhất của cô. Từng người từng người một như cầm dao đâm vào tim Hannah, khiến cô hoàn toàn lạc lối, mất phương hướng và tuyệt vọng.

13 Reasons Why: Bộ phim tâm lý đáng để suy ngẫm

Justin khoe khoang với bạn bè về tấm ảnh Hannah bị "lộ hàng" ở công viên (ảnh: Netflix)

Tia sáng mong manh

Trong những ngày tháng đen tối ấy, Clay là tia sáng mong manh duy nhất để Hannah có thể bám víu, vì cô không thể nào bày tỏ những nỗi niềm trong lòng với bố mẹ mình. Clay trở thành người để cô trút mọi tâm tư phiền muộn, là người mà cô biết mình có thể đặt niềm tin vào.

Clay cũng là người duy nhất mà Hannah khẳng định trong cuốn băng rằng không phải vì cậu mà cô tự sát mà là vì cô tự cảm thấy mình không xứng đáng với tình cảm của cậu.

Khi nghe đến cuốn băng của mình, Clay cũng vô cùng suy sụp khi biết rằng mình hoàn toàn có thể cứu được Hannah nếu cậu có đủ tự tin để nói lời yêu với Hannah, sẵn sàng dang tay ra ôm lấy cô và nói rằng mọi chuyện sẽ ổn cả thôi và cậu sẽ bảo vệ cô với bất kì giá nào. Nhưng giờ thì đã quá muộn rồi.

13 Reasons Why: Bộ phim tâm lý đáng để suy ngẫm

Tôi đã khiến một cô gái phải chết vì tôi sợ không dám yêu cô ấy (ảnh: Netflix)

Tàn lụi

Hannah do sơ ý đã làm mất một số tiền quan trọng của bố mẹ. Tuy mẹ cô muốn đích thân đi nhưng Hannah đã xin bố mẹ để mình đi, nên việc đánh mất số tiền ấy cũng giống như cô đã phản bội niềm tin của bố mẹ, đặc biệt là khi gia đình cô đang phải vật lộn để đấu tranh với các cửa hàng mới mở.

Thất vọng, buồn bã, Hannah lững thững bước đi trên đường thì đi qua nhà của Bryce - một cậu bạn nổi tiếng ăn chơi trác táng của trường và cũng thuộc đội bóng rổ đang tổ chức tiệc.

Cô quyết định tham gia vào bữa tiệc và đây là quyết định sai lầm nhất của cô. Cô đã bị Bryce hiếp dâm, và chính lúc đó cô cũng nhận ra rằng tâm hồn của mình đã chết, bản thân chỉ còn là cái xác không hồn.

Trầm cảm, bất lực, cô tìm đến nơi của thầy cố vấn của trường để tìm kiếm sự giải thoát. Cô muốn tố cáo hành vi của Bryce nhưng lại không có bằng chứng và thầy khuyên cô hãy bỏ lại sau lưng mà tiếp tục sống. Chút hi vọng cuối cùng còn sót lại đã biến mất, và ngay trong ngày hôm đó Hannah đã cứa cổ tay tự sát.

13 Reasons Why: Bộ phim tâm lý đáng để suy ngẫm

"Em có bảo cậu ta dừng lại không?", câu nói cho thấy sự vô tâm và cứng nhắc của nhân vật thầy cố vấn Porter (ảnh: Netflix)

Lỗi tại ai?

Tôi xem xong bộ phim chỉ sau 2 ngày. Nó cuốn hút đến nỗi tôi không thể rời mắt ra được và thức đến 3 giờ sáng bởi vì tôi không thể chờ để xem diễn biến của tập tiếp theo và ai sẽ là cái tên tiếp theo. Mỗi tập phim đều khiến cho tôi phải cảm thấy khó thở vì không khí quá u ám và nặng nề.

Tôi cũng dành thời gian để tìm hiểu xem những khán giả khác có suy nghĩ gì sau khi xem xong bộ phim. Đa số những bình luận tôi nhìn thấy đều là những người ủng hộ Hannah và lên án xã hội quá vô tâm đang khiến cho trẻ cảm thấy cô độc. Có không ít những bình luận lại đổ trách nhiệm lên đầu Hannah, khi những lí do ấy đều rất "bình thường" và cô chỉ là một kẻ thích gây sự chú ý mà thôi, đến khi chết cũng phải tìm cách khiến người khác phải nhớ đến mình.

Hơn nữa, quyết định tự sát là do chính cô đưa ra, và cô vẫn còn thời gian để ghi âm lại chứng tỏ cô cũng có thời gian để suy nghĩ hành động của mình. Những bình luận như vậy khiến tôi không khỏi ngỡ ngàng, khi nghĩ rằng những con người trong bộ phim chỉ là nhân vật hư cấu và được phóng đại lên, chứ không tồn tại ngoài xã hội.

Một cô gái 16, 17 tuổi, quá đỗi tuyệt vọng và cô độc nên đã quyết định giải thoát cho mình, vì lí do gì lại bị cho là một "attention whore" (những kẻ luôn thích gây sự chú ý)? Đành rằng quyết định của cô là bồng bột, thiếu suy nghĩ và để lại nhiều hậu quả, nhưng cô cũng không đáng phải nhận những sự dèm pha và dè bỉu ấy.

Nhiều người đổ lỗi cho Bryce. Tên của Bryce cũng được khoanh nhiều lần trong tờ giấy mà Hannah để lại, nhưng suy cho cùng có thực sự là lỗi của cậu không? Cho đến khi vô tình thú nhận tội ác của mình với Clay, Bryce vẫn cho rằng mình không làm sai gì hết mà là do Hannah "muốn mình bị hiếp dâm".

Đây là lí lẽ thường thấy của những kẻ hiếp dâm, và thế giới đang đấu tranh để loại bỏ tư tưởng xấu xa ấy. Nếu muốn trách Bryce, trước hết phải trách sự thất bại về giáo dục từ nhà trường và gia đình khi đã thất bại trong nhiệm vụ của mình.

Nhìn lại xã hội của chúng ta, không ít lần những vụ như đánh nhau, giết người... đều bắt nguồn từ việc gia đình mải mê làm ăn mà quên đi nhiệm vụ giáo dục con mình, đùn đẩy trách nhiệm cho nhà trường, trong khi nhà trường chỉ có thẩm quyền trong phạm vi nhà trường và không thể kiểm soát học sinh sinh viên khi không ở trường.

13 Reasons Why: Bộ phim tâm lý đáng để suy ngẫm

Bryce Walker - người đã trực tiếp đẩy Hannah đến đường cùng (ảnh: Netflix)

Vậy thì trách ai bây giờ? Riêng tôi, ít nhất trong phạm vi bộ phim này, nên trách cả xã hội. Trách sự vô tâm của bạn bè Hannah, trách sự thiếu trách nhiệm của nhà trường, trách bố mẹ Hannah vì đã không nhận ra những nỗi niềm mà con mình phải chịu, và cuối cùng, điều khiến tôi phân vân nhất, là trách những người như Clay.

Clay là người duy nhất có thể cứu được Hannah, có thể ngăn chặn được thảm kịch. Martin Luther King có nói: "Bi kịch lớn nhất của con người là sự im lặng của người tốt." Nếu Clay kịp cất lên tiếng nói của mình, có lẽ Hannah không phải tìm đến cái chết, để rồi cậu phải cảm thấy ân hận suốt đời.

Lời kết: Bộ phim là lời cảnh tỉnh của tác giả cũng như ekip làm phim gửi đến tất cả mọi người về sự thờ ơ đối với những vấn đề nhức nhối của giới trẻ. Hãy xem bộ phim và cảm nhận nó, và biết đâu, một ngày nào đó, chính bạn sẽ có thể cứu được những Hannah khác khỏi cái chết và đem lại cho họ động lực sống và niềm tin vào xã hội.

Theo vnreview