13 sự thật về đập Tam Hiệp khổng lồ gây tranh cãi của Trung Quốc

Đập Tam Hiệp - đập thuỷ điện lớn nhất thế giới - là một trong những dự án đầy tham vọng và gây tranh cãi nhất của Trung Quốc.

Đập Tam Hiệp ban đầu là ý tưởng của Tôn Trung Sơn

Lãnh tụ của Cách mạng Tân Hợi (1911) Tôn Trung Sơn đề xuất ý tưởng về đập Tam Hiệp từ đầu năm 1919.

Theo tờ Interesting Engineering, trong một bài báo có tiêu đề “Kế hoạch phát triển ngành công nghiệp”, Tôn Trung Sơn đề xuất ý tưởng xây dựng một con đập không chỉ giúp kiểm soát lũ sông Dương Tử, mà còn thể hiện sức mạnh mới của Trung Quốc.

Quy mô khổng lồ

Mặc dù một số người cho rằng đập Tam Hiệp có thể nhìn thấy từ không gian, nhưng điều này không đúng. Tuy nhiên, quy mô của con đập này là khổng lồ. 

Được làm từ bêtông và thép, đập Tam Hiệp có chiều dài 2.355m và đỉnh đập cao 185 mét trên mực nước biển. Công trình đã sử dụng 27,2 triệu mét khối bêtông (chủ yếu cho thành đập), 463.000 tấn thép (đủ xây 63 tháp Eiffel), đào 102,6 triệu mét khối đất. Thành đập cao 181 mét so với nền đá.

Ba mục đích chính

Mặc dù đập Tam Hiệp gây tranh cãi vì những tác động tiêu cực đến môi trường, song con đập cũng có một số lợi ích tích cực đáng chú ý.

Đập Tam Hiệp được thiết kế để phục vụ ba mục đích chính là kiểm soát lũ ở Trung Quốc, sản xuất thủy điện và cải thiện giao thông.

13-su-that-ve-dap-tam-hiep-khong-lo-gay-tranh-cai-cua-trung-quoc

Ảnh: Wikimedia Commons

Thuỷ điện

Để tạo ra điện, dự án thủy điện cần cơ sở hạ tầng quy mô lớn. Đập Tam Hiệp cung cấp điện cho hàng triệu người bằng 34 máy phát điện khổng lồ, tương đương với một nhà máy điện sử dụng 25 triệu tấn dầu thô hoặc 50 triệu tấn than.

Hàng thập kỷ để trở thành hiện thực

Trong hàng chục năm, ý tưởng xây dựng một con đập đủ lớn trên sông Dương Tử dường như không khả thi. Sau khi Tôn Trung Sơn đề xuất ý tưởng xây đập năm 1919, vấn đề đập Tam Hiệp đã không được thảo luận cho đến năm 1944-1946.

Trung Hoa dân quốc đã ký hợp đồng với Cục Cải tạo Liên bang Mỹ để thiết kế con đập vào năm 1946. Tuy nhiên, dự án này đã nhanh chóng bị hủy bỏ do cuộc cách mạng giành chính quyền ở Trung Quốc sau Thế chiến 2. Có nhiều nỗ lực để xây dựng con đập vào những năm 1950 và 1970, nhưng bất ổn xã hội luôn buộc dự án phải hoãn lại.

Phải đến ngày 14.12.1994, đập Tam Hiệp mới chính thức được khởi công và đập vận hành vào năm 2009. 

13-su-that-ve-dap-tam-hiep-khong-lo-gay-tranh-cai-cua-trung-quoc

Ảnh: World Viewers Stop

Bị trì hoãn ngay từ khi bắt đầu

Kể từ khi đập Tam Hiệp được công bố xây dựng, dự án liên tục gây tranh cãi và bị trì hoãn.

Dự án ban đầu dự kiến ​​hoàn thành vào năm 2008 nhưng chi phí tăng vọt, quan ngại về môi trường, tham nhũng, các vấn đề tái định cư khiến tiến độ dự án bị chậm lại và đôi khi bị đình trệ, gây hại hơn là có lợi cho người dân địa phương.

Ô nhiễm nguồn nước

Một trong những tranh cãi lớn nhất xung quanh đập Tam Hiệp là mức độ thiệt hại mà con đập gây ra cho môi trường.

Ước tính rằng 70% nước ngọt Trung Quốc bị ô nhiễm và con đập có thể làm cho nó tồi tệ hơn rất nhiều. Đập Tam Hiệp nằm bên trên các cơ sở xử lý chất thải cũ và cơ sở khai thác mỏ. Chưa kể, 1 tỉ lít nước thải thô được lắng đọng ở sông Dương Tử mỗi năm.

13-su-that-ve-dap-tam-hiep-khong-lo-gay-tranh-cai-cua-trung-quoc

Đập Tam Hiệp tác động tiêu cực đến môi trường. Ảnh: International Rivers

Di cư ồ ạt

Khi dự án được xây dựng, 1,2 triệu người đã buộc phải di dời và tìm nhà mới. Hiện tại, chính phủ Trung Quốc vẫn đang di chuyển người dân ra khỏi khu vực và dự kiến ​​sẽ di chuyển thêm hàng trăm nghìn người ra khỏi khu vực trong những năm tới.

Kiểm soát lũ tốt hơn

Lũ lụt theo mùa của sông Dương Tử là một nguyên nhân chính gây lo ngại cho người dân bị ảnh hưởng bởi thảm họa thiên nhiên trong vô số năm. Sông Dương Tử là con sông dài thứ ba trên thế giới, dài 6.357 km trên khắp Châu Á.

Đập Tam Hiệp giúp giữ nước trong mùa lũ, bảo vệ hàng triệu ngôi nhà và cuộc sống ở hạ lưu cũng như các thành phố quan trọng nằm liền kề với Dương Tử như Vũ Hán, Nam Kinh và Thượng Hải.

Các hồ chứa của đập Tam Hiệp có diện tích khoảng hơn 1 triệu km2.

Sản xuất điện

Đập Tam Hiệp tạo ra sản lượng điện gấp 11 lần so với đập thuỷ điện Hoover khổng lồ của Mỹ. Với sản lượng điện được tạo ra rất lớn, lượng nước của đập đủ khả năng sản xuất 22,5 triệu kilowatt điện, đập Tam Hiệp được cho là cung cấp phần lớn điện cho toàn bộ Trung Quốc.

Tác động môi trường tiêu cực

Khu vực xung quanh đập Tam Hiệp là nơi cư ngụ của 6.400 loài thực vật, 3.400 loài côn trùng, 300 loài cá và hơn 500 loài động vật có xương sống trên cạn.

Con đập không chỉ ảnh hưởng đến các loài này mà còn cả môi trường sống của chúng.

Xói mòn hồ chứa đã gây ra lở đất và thậm chí đe dọa một trong những ngành ngư nghiệp lớn nhất thế giới. Con đập quá lớn đến nỗi nó đã tạo ra một vi khí hậu đe dọa hệ sinh thái của khu vực.

13-su-that-ve-dap-tam-hiep-khong-lo-gay-tranh-cai-cua-trung-quoc

Ảnh: International Rivers

Tốn kém

Ước tính tổng chi phí của con đập đã dao động từ 25 tỉ USD và đã tăng vọt lên tới 37 tỉ USD theo một số tính toán.

Dự án thậm chí còn bị Quốc hội Trung Quốc phản đối vì chi phí khổng lồ, chưa kể 140 thị trấn, 13 thành phố và 1.600 khu định cư (trong đó có các danh thắng lịch sử) đã bị mất khi đập được xây dựng.

Làm chậm nhịp quay của trái đất

Sự dịch chuyển của khối lượng nước khổng lồ ở đập thủy điện Tam Hiệp lớn nhất hành tinh khiến trái đất quay chậm hơn. Bí mật đằng sau hiện tượng này là do mô-men quán tính.

Khi mực nước ở mức cao nhất, tổng diện tích đất bị ngập là 632 km2. Hồ chứa nước có sức chứa khoảng 39,3 km3 và lượng nước sẽ có khối lượng lên tới 42 tỉ tấn. Sự dịch chuyển của khối lượng có kích thước đó ảnh hưởng đến trái đất, làm tăng độ dài của một ngày thêm 0,06 micro giây.

Trong những ngày vừa qua đã xuất hiện những lo ngại đập Tam Hiệp có nguy cơ vỡ do mưa lớn. Tuy nhiên, Chính phủ Trung Quốc phủ nhận thông tin này, tuyên bố kết cấu của đập Tam Hiệp vẫn nguyên vẹn.

Ngọc Vân

Theo Lao Động

---

Xem thêm:

+Việt Nam có chịu ảnh hưởng nếu đập Tam Hiệp - Trung Quốc gặp sự cố?

+Phượng Hoàng cổ trấn thượng nguồn đập Tam Hiệp bị ngập lụt

+Đám cưới tang tóc: Chú rể ch.ết, 111 khách mời mắc Covid-19

+Làn sóng thứ 2 dịch COVID-19: Việt Nam đang đứng trước sức ép rất lớn

----