16 tuổi đã trĩ nặng chỉ vì thói quen xấu đang diễn ra với bất kỳ ai hiện nay

Lối sống công nghiệp ít vận động, lười ăn rau và suốt ngày chỉ làm bạn với điện thoại, máy tính đã khiến nhiều người trẻ đã bị trĩ nặng.

Mắc trĩ chỉ vì thói quen xấu

Bệnh nhân nữ N.T.L.D, (18 tuổi, sống tại Bắc Ninh) phát hiện bị bệnh trĩ cách đây 3 năm trước. Gần đây, búi trĩ sa lồi nhiều hơn và gặp bất tiện trong sinh hoạt, khi đi đại tiện đau rát, ra máu, vận động đi lại và ngồi khó khăn hơn chị mới quyết định đi khám.

Sau khi thăm khám, các bác sĩ kết luận chị D. bị trĩ hỗn hợp độ 3, nứt kẽ hậu môn. Và bệnh nhân được chỉ định điều trị cắt trĩ.

Trường hợp của Nguyễn Mạnh Kiên (16 tuổi, quê Thái Bình) cũng thường xuyên bị đi ngoài ra máu tươi. Kiên sợ quá mới kể cho mẹ. Hai mẹ con lên mạng tìm hiểu thấy nói đi đại tiện ra máu có thể là bị ung thư. Hoảng sợ nên hai mẹ con khăn gói lên Hà Nội kiểm tra.

Khi nội soi trực tràng, bác sĩ cho biết nam sinh này bị trĩ hỗ hợp búi trĩ sa phình ở bên trong và bên ngoài. Đây là lý do khiến Kiên đau, ngồi, đi lại cũng khó khăn.

Mẹ của Kiên cho biết cậu bé học giỏi và hầu như đi học suốt ngày. Nhiều năm nay con ngoài đi học trên lớp rồi còn học thêm. Cậu bé không có thời gian vui chơi. Thói quen ăn uống của Kiên là thích ăn xôi, ăn bánh mì lười ăn rau củ quả.

16-tuoi-da-tri-nang-chi-vi-thoi-quen-xau-dang-dien-ra-voi-bat-ky-ai-hien-nay
Thói quen ít vận động, lười ăn rau khiến bệnh trĩ trẻ hóa. Ảnh minh họa. 

Nguyên nhân trĩ trẻ hóa

BSCKII.Nguyễn Văn Thưởng - Trưởng khoa Ngoại Tổng hợp, Bệnh viện đa khoa Medlatec cho biết, trước đây bệnh trĩ thường gặp ở người lớn tuổi, phụ nữ sau sinh, hoặc nam giới uống rượu bia nhiều. Tuy nhiên, những năm gần đây, số người mắc bệnh trĩ ngày càng trẻ hóa.

Nguyên nhân chủ yếu là do giới trẻ ăn ít rau củ quả dẫn tới thiếu chất xơ, gây táo bón và dẫn đến trĩ. Ngoài ra, nếp sống sinh hoạt thất thường như thức khuya, ngồi máy tính nhiều cũng dẫn đến trẻ hóa người mắc.

Trường hợp bệnh nhân D. còn rất trẻ, chưa lập gia đình, chưa sinh con, nhưng đã mắc trĩ độ 3 mà nguyên nhân chính là do bệnh nhân lười ăn rau, ngồi nhiều, ít vận động và có tiền sử mắc trĩ lâu ngày nhưng chủ quan không điều trị.

Nhiều trường hợp mới chỉ là học sinh đã bị trĩ. Với lối sống công nghiệp hiện nay, bác sĩ Thưởng cho biết nhiều trẻ lạm dụng thức ăn nhanh, lười ăn rau, thích ngồi nhiều với điện thoại, máy tính, lười vận động là nguyên nhân dẫn tới bệnh này gia tăng.

Nhiều trường hợp còn rất trẻ nhưng do búi trĩ sa lồi, đại tiện ra máu nên không thể điều trị bằng thuốc được mà phải phẫu thuật cắt trĩ điều trị triệt để nhằm tránh biến chứng thiếu máu mãn tính do xuất huyết ở búi trĩ.

Do tâm lý chủ quan và e ngại, nên hầu hết bệnh nhân trĩ đến khám và điều trị khi xuất hiện triệu chứng bệnh nặng, thậm chí không thể chịu thêm được những phiền toái cũng như sự đau đớn gây nên.

Bệnh trĩ càng chữa trị sớm thì càng nhanh khỏi, việc điều trị càng đơn giản, giảm đau đớn, giảm biến chứng và giảm chi phí điều trị. Vì vậy, để phát hiện bệnh kịp thời, người dân cần đi khám ngay khi xuất hiện triệu chứng như đi ngoài ra máu, có cảm giác nặng tức ở hậu môn, mót rặn; đau rát hậu môn trong và sau khi đi vệ sinh, và khi ngồi; đi ngoài thấy búi trĩ sa ra ngoài hậu môn thì người dân nên đi khám sớm để được điều trị kịp thời.

Theo bác sĩ Thưởng, bệnh trĩ có hai thể trĩ nội và trĩ ngoại. Khi bị trĩ nội búi trĩ hình thành phía trong hậu môn, bên ngoài không nhìn thấy được.

Còn trĩ ngoại búi trĩ nằm ở dưới đường lược, xuất phát từ đám rối trĩ ngoại (mạch trực tràng dưới) và lòi ra bên ngoài hậu môn giống như một đoạn thịt thừa có thể sờ tay thấy.

Theo BS Thưởng, bệnh trĩ ở mức độ nhẹ như độ 1, độ 2 thì bác sĩ thường kê đơn điều trị nội khoa và hướng dẫn chế độ ăn uống, sinh hoạt hàng ngày thì sẽ ổn định được tình trạng trĩ. Còn đối với trĩ độ 3, 4 trở lên khi búi trĩ sa lồi, có thể phải dùng tay đẩy lên hoặc búi trĩ sa lồi liên tục hoặc có biểu hiện đại tiện ra máu, đau rát hậu môn thì người bệnh đã mắc trĩ nặng phải tiến hành phẫu thuật cắt trĩ.

Để phòng bệnh trĩ, bác sĩ Thưởng khuyến cáo trẻ cũng cần có chế độ ăn uống, sinh hoạt khoa học, hợp lý. Đảm bảo uống đủ nước, ăn rau, củ quả. Hạn chế ngổi nhiều, hạn chế sử dụng máy tính, điện thoại. Trẻ cần được vận động hàng ngày, vận động thường xuyên, để tránh tình trạng táo bón xảy ra.

Theo Infonet