3 loại thực phẩm tối kỵ với căn bệnh mà 50% người Việt ngoài 30 tuổi mắc phải

Căn bệnh khó nói nhưng có tới một nửa dân số Việt mắc phải, nhiều người còn không biết mình mắc bệnh.

3-loai-thuc-pham-toi-ky-voi-can-benh-ma-50-nguoi-viet-ngoai-30-tuoi-mac-phai

TS Nguyễn Xuân Hùng chia sẻ về căn bệnh rất nhiều người Việt mắc. Ảnh: N.An

PGS. TS Nguyễn Xuân Hùng, Giám đốc Trung tâm Phẫu thuật Đại trực tràng – Tầng sinh môn, Bệnh viện Việt Đức cho biết, trĩ là căn bệnh phổ biến vùng hậu môn, nhiều người Việt mắc phải. Tuy nhiên, nhiều người không biết mình mắc bệnh. Nhiều nghiên cứu cho thấy có khoảng 30- 50% người trưởng thành mắc bệnh này. Phụ nữ thường dễ bị bệnh hơn nam giới. 

Chia sẻ tại buổi khám và tư vấn miễn phí cho hàng trăm người dân về các bệnh lý trĩ, nứt kẽ hậu môn, áp xe - rò hậu môn... tại Bệnh viện Việt Đức, TS Hùng cho hay, trĩ là bệnh lành tính. Trong điều trị nội khoa, 50% ca mắc hoàn toàn có thể sống chung với trĩ. 45% có triệu chứng đơn giản có thể dùng thủ thuật… 

3 nhóm thức ăn người mắc bệnh trĩ cần phải tránh để không bị các đợt cấp tính "tấn công", gồm: Cay nóng như ớt, hạt tiêu, sả; Sử dụng đồ uống có chất alcohol như rượu, bia; Những chất có caffeine như chè đặc, cà phê… 

Điều đáng lưu ý trong chẩn đoán, điều trị bệnh trĩ là không ít bệnh nhân lại bị chẩn đoán nhầm giữa trĩ - ung thư trực tràng, vì triệu chứng như đại tiện ra máu, đau vùng hậu môn… Đã có nhiều người sẽ nghĩ và điều trị theo hướng bệnh trĩ. Vì sự hiểu nhầm này, nhiều người lại bỏ sót những bệnh khác ở bệnh ở vùng hậu môn như khối ung thư đại trực tràng, polip, bệnh về viêm nhiễm vùng hậu môn như viêm loét đại trực tràng chảy máu; bệnh rò hậu môn gây ra đau, nứt kẽ hậu môn… 

BS Hùng chia sẻ, có không dưới 10 ca bệnh, các bác sĩ phải đã phải chữa ung thư trực tràng giai đoạn muộn vì bệnh nhân bị chẩn đoán nhầm sang bệnh trĩ và điều trị bệnh trĩ suốt 3 năm. Có trường hợp bị chẩn đoán nhầm trĩ với các tổn thương lành tính khác như u máu, nứt kẽ. Chuyên gia này khuyến cáo, khi chẩn đoán điều trị bệnh trĩ, đầu tiên phải loại trừ ung thư ở vùng hậu môn, đặc biệt ở người nhóm nguy cơ. Những người bị rối loạn tiêu hóa, đại tiện nhầy, sút cân, hơn 50 tuổi thì phải làm các xét nghiệm lâm sàng bổ sung, soi đại tràng, chụp MRI để loại bỏ chắc chắc ung thư mới điều trị bệnh trĩ. 

Các bác sĩ cho hay các yếu tố nguy cơ mắc bệnh trĩ là người sau tuổi 30, người bị táo bón mạn tính hoặc tiêu chảy, phụ nữ mang thai, di truyền. Ngoài ra đại tiện khó khăn phải rặn nhiều, chức năng đường ruột kém, thường xuyên dùng thuốc nhuận tràng, thụt hậu môn dễ dẫn đến bệnh trĩ. Dấu hiệu cảnh báo là chảy máu khi đại tiện, xuất hiện các khối thòi ra ngoài hậu môn khi đại tiện, ngứa vùng hậu môn, đau... Bệnh trĩ không được điều trị lâu ngày gây thiếu máu mạn tính, sút cân, giảm thể lực, tắc mạch, chảy máu, hoại tử trĩ... 

Theo GiaDinh