3 tờ tiền lẻ nghĩa tình và tự trọng của người nghèo ấm áp Sài Gòn



Giữa cái nắng nóng của mùa khô Sài Gòn, bà Ngô Thị Hạnh (67 tuổi, trú tại Gò Công Tây, Tiền Giang) nhễ nhại mồ hôi, cầm trên tay 3 đồng tiền mệnh giá 5.000 đồng từ thùng tiền từ thiện bên đường mà nghẹn lời: “Người đâu mà tốt quá, 15.000 đồng đủ cho tôi một bữa trưa…“.

“Nếu bạn gặp khó khăn, hãy lấy 3 tờ”

Chứng kiến sự cảm động của bà Hạnh bên thùng tiền lẻ, tôi thấy mình rưng rưng.

Bà Hạnh quê tận huyện Gò Công Tây, tỉnh Tiền Giang. Năm nay bà 67 tuổi, vì mưu sinh mà bà phải tha phương lên tận mảnh đất phồn hoa nhưng ồn ào, bon chen vốn dĩ không phải dành cho người lớn tuổi như bà.

Hàng ngày, bà Hạnh đi các tuyến phố để bán vé số. Bà Hạnh cho biết, mỗi ngày bà chỉ lấy khoảng 100 tờ vé số, bán từ sáng tới chiều, được lời mỗi tờ 1.000 đồng. Thu nhập cả ngày của bà là 100.000 đồng mà phải chi phí cho việc ăn uống, thuê trọ. Có những hôm trời mưa, vé số bán ế, lời lãi không đủ chi phí sinh hoạt. Vì vậy, mỗi bữa cơm bà Hạnh chỉ dám ăn từ 15.000 – 20.000 đồng.

3-to-tien-le-nghia-tinh-va-tu-trong-cua-nguoi-ngheo-am-ap-sai-gon

Bà Hạnh, người phụ nữ bán vé số 67 tuổi nghẹn ngào vì cảm động khi cầm trên tay những tờ tiền từ thiện.

Mới đây, do tuổi cao sức yếu, bà không cẩn thận bị ngã. Sau thời gian nằm bệnh viện điều trị, mặc dù sức khỏe chưa ổn định, cột sống còn phải nẹp nhưng bà vẫn ngồi xe lăn đi bán vé mưu sinh.

“Tôi thường đi qua con phố này để bán vé số. Cách đây 3,4 hôm, tôi đã nhìn thấy thùng tiền đặt trước quán ăn này, nhưng tôi đâu dám lấy vì ngại và sợ”, bà Hạnh trả lời khi tôi hỏi bà có thấy thùng tiền đặt ở vỉa hè đó không, hay là bà không biết chữ vì thùng tiền ghi rất rõ “Nếu bạn gặp khó khăn hãy lấy 3 tờ”?, bà Hạnh ngượng ngùng: “Tôi có đọc được nhưng ngại và không tin". Cầm 3 tờ tiền lẻ trên tay, bà Hạnh xúc động: "Người đâu mà tốt quá, 15.000 đồng đủ cho tôi một bữa trưa...".

Lòng tự trọng của người nghèo

Có những câu chuyện thực sự cảm động xung quanh thùng tiền lẻ đặt khiêm nhường bên góc đường in dòng chữ: “Nếu bạn gặp khó khăn, hãy lấy 3 tờ”.

3-to-tien-le-nghia-tinh-va-tu-trong-cua-nguoi-ngheo-am-ap-sai-gon

3 tờ tiền tuy giá trị không lớn nhưng mang đậm tính nhân văn, ấm áp tình người.

Anh Ph, bảo vệ nhà hàng ở địa chỉ 49, Hoàng Việt, phường 4, quận Tân Bình, TP.HCM - cũng là nơi đặt thùng tiền lẻ cho hay: “Mỗi ngày, có nhiều trẻ em bán vé số, đánh giày, những người thu mua ve chai… đi qua đây. Họ đều thấy thùng tiền để ngoài vỉa hè nhưng những ngày đầu không ai tới lấy. Có hôm tôi gọi cậu bé đánh giày vào, bảo cậu ta lấy tiền mà uống nước, ăn ổ bánh mỳ hay bữa trưa, cũng đỡ chút đỉnh. Lúc đầu cậu bé sợ sệt, e ngại. Hỏi thì cậu ấy nói có thấy thùng tiền để đó nhưng đâu dám lấy. Đến khi tôi dẫn vào tận nơi, bảo cậu bé lấy 3 tờ mà cứ còn hỏi đi hỏi lại "Thật không chú?". Từ hôm đó đến giờ, mỗi ngày cũng có vài lượt người vì khó khăn nhìn thấy thùng tiền nên cũng mạnh dạn vào lấy rồi".

Anh Ph cho biết, những người nghèo có lòng tự trọng, nếu lấy họ chỉ lấy 2,3 tờ tiền 5.000 đồng chứ không lấy hơn. “Trong thùng lúc nào cũng có vài trăm nghìn tới hàng triệu đồng. Vì thùng tiền mới được đặt ở đây nên ít người biết. Hơn nữa ở nhà hàng có bảo vệ, rồi khách ra vào đông nên người muốn lấy cũng có phần ngại ngần. Nhưng nếu đặt ở vỉa hè, nơi không có bảo vệ thì sẽ bị trộm mất”, anh Ph chia sẻ.

3-to-tien-le-nghia-tinh-va-tu-trong-cua-nguoi-ngheo-am-ap-sai-gon

Việc làm thấm đẫm nhân văn góp phần tạo nên một Sài Gòn nghĩa tình.

Lan tỏa yêu thương

Tôi đã liên lạc với những chủ nhân thùng tiền lẻ, nhưng dường như ai cũng ngại nói về mình bởi các anh cho đó là “chuyện nhỏ”. Anh Đ, chủ nhà hàng số 49 Hoàng Việt, một trong những người đóng góp thực hiện thùng tiền “3 tờ” không muốn nói nhiều về việc làm tình nghĩa này. Được biết, anh là người gốc Bắc, vào sinh sống, lập nghiệp nơi đây, muốn đóng góp chút công sức, tiền bạc hỗ trợ người khó khăn nơi mảnh đất ân tình Sài Gòn.

Còn anh M, người đưa ra ý tưởng cho việc làm trên cho biết thêm, một nhóm người là bạn bè (đa phần người miền Bắc vào TP.HCM lập nghiệp), xuất phát từ việc muốn giúp đỡ những người có hoàn cảnh khó khăn có được chai nước uống, ổ bánh mỳ, suất ăn trưa… mà nhóm đã quyên góp, đặt thùng tiền tại 3 địa điểm: phố Tô Hiến Thành (quận 10), 223 Nguyễn Thái Bình và Hoàng Việt (phường 4, quận Tân Bình).

Về dòng chữ "lấy 3 tờ" và chủ yếu là những tờ tiền mệnh giá 5.000 đồng, anh M cho biết, giá trị 3 tờ là 15.000 đồng tuy không lớn nhưng có thể giúp người khó khăn một bữa ăn nhẹ, hoặc một bữa cơm trưa, một ly nước giải khát giữa những cơn nắng nóng Sài Gòn. Hơn nữa, nhóm thiện nguyện muốn chia sẻ được nhiều hơn đến với những người khó khăn.

3-to-tien-le-nghia-tinh-va-tu-trong-cua-nguoi-ngheo-am-ap-sai-gon

Sức lan tỏa mạnh mẽ từ việc làm này thu hút sự quan tâm và chung tay của cộng đồng nhằm hỗ trợ người gặp khó khăn.

Bên cạnh dòng chữ: “Nếu bạn gặp khó khăn, hãy lấy 3 tờ”, thùng tiền còn in dòng chữ hết sức ý nghĩa: “Nếu bạn có, bạn hãy bỏ vào”. Anh M cho biết, người Sài Gòn rất nhiệt thành, rộng lượng và nghĩa tình nên qua việc này các anh muốn lan tỏa, kêu gọi nhiều người cùng chung tay hỗ trợ, giúp đỡ những mảnh đời còn khó khăn hơn.

Hơn 10 ngày qua, câu chuyện cảm động, mang giá trị nhân văn sâu sắc này lan truyền trên mạng xã hội, được cộng đồng quan tâm ủng hộ. Sau những việc làm mang đậm tính cách người Sài Gòn khoáng đạt, tình cảm như: bữa cơm từ thiện miễn phí, cơm 2.000 đồng, nước uống miễn phí, quần áo từ thiện…, câu chuyện về thùng tiền từ thiện của các anh, những người tử tế, với những việc làm thiết thực đang có sức lan tỏa mạnh mẽ, góp phần tạo nên một Sài Gòn – TP.HCM thấm đẫm nhân văn, nghĩa tình.

Hơn nữa, việc làm này góp phần giữ gìn và phát huy giá trị truyền thống nhân văn của dân tộc về tình người: “Một miếng khi đói bằng một gói khi no”, "Lá lành đùm lá rách".

Theo DanViet