300 nghìn một cái ghế nhựa

Nói cho đầy đủ, đó là loại ghế nhựa cỡ nhỏ, thường được dùng ở các hàng quán bình dân vỉa hè.

Quá đắt, đắt đến mức các bà bán hàng chuyên chặt chém ở chợ Ga (Hải Phòng) cũng không thể tin được. Đắt đến độ chính lãnh đạo nhà trường có trang bị lô ghế nhựa này cho học sinh cũng bối rối không biết tính sao cho phụ huynh “hạ hỏa”, bởi bộ phận tài vụ đã làm xong hết cả rồi họ mới hay.

Cuối tháng 9, đầu tháng 10, tại một vài trường tiểu học ở Hà Tĩnh, bức xúc lên đến đỉnh điểm khiến nhà trường, dĩ nhiên còn từ nhiều loại áp lực khác, đã phải hoàn trả lại tiền cho phụ huynh, tính ra mỗi học sinh “đỡ” được cả triệu đồng. Có trường đã bớt đi một phần ba trong tổng số 15-20 loại phí mà học sinh phải nộp sau khi phụ huynh “chiến đấu” đến cùng.

Những “mô hình mua sắm” này ở các nhà trường khá phổ biến. Chiếc ghế nhựa giá cao, tại một trường học ở Hải Phòng, chỉ là ví dụ cho những ức chế đầu năm học vẫn kéo dài đến tận bây giờ mà phụ huynh học sinh phải gánh chịu. Còn cơ man những “điển hình” khác.

Nhiều món hàng bị đội giá khi qua cổng trường là lý do cho những khoản tiền ngất ngưởng “đến hẹn lại lên”, trong khi trẻ con xứng đáng được hưởng những ưu đãi về giá khi chúng trực tiếp sử dụng sản phẩm, dịch vụ cung cấp cho trường học.

Có một sự thật tồn tại ở các nhà trường, như mọi công sở khác, là dự toán mua sắm trang thiết bị luôn cao hơn nhiều so với giá thị trường. Gánh nặng tài chính, dĩ nhiên đổ lên đầu học sinh cả. Bố mẹ chúng, cố “đỡ” được khoản này thì đương nhiên sẽ không đủ tiền lo cho con các nhu cầu khác. Sự bất nhẫn ấy tồn tại từ mầm non tới các bậc học cao hơn.

Cũng tại một huyện của Hải Phòng, nhiều trường mầm non đành cho các bé “nhịn” uống sữa ở lớp để chờ phòng giáo dục huyện… tổ chức hội thảo tìm ra loại sữa phù hợp. Dĩ nhiên, không nói ai cũng hiểu, rồi người ta sẽ tìm được một thương hiệu sữa phù hợp sau khi có những “bàn bạc” phù hợp. Học sinh lại buộc thay đổi loại sữa mà chưa chắc chúng đã thấy ngon. Phụ huynh lại phải đóng tiền cho trường mua loại sữa mới. Và chắc chắn là giá không rẻ hơn ngoài thị trường, dù các cô có mua được “giá gốc”.

Có lẽ Bộ Giáo dục & Đào tạo nên xem lại việc “mua sắm” ở các nhà trường, đặc biệt là bậc học thấp. Lạm thu ư? Có lẽ chỉ là vẻ bề ngoài của những “mô hình mua sắm” tồn tại dai dẳng trong môi trường giáo dục. Nhà trường, lẽ nào là nơi kinh doanh, trục lợi từ hàng hóa?

Theo Việt Nguyễn (GĐXH)