4 tai biến kinh hoàng khi truyền dịch sẽ khiến bạn nghĩ lại nếu "cứ sốt, mệt là đòi truyền"

Ngay cả khi truyền dịch đúng chỉ định, bệnh nhân vẫn có thể gặp một số nguy hiểm như phù, đau sưng, viêm tĩnh mạch, rét run, mặt tái nhợt, vã mồ hôi, khó thở, đau ngực...

Đến hết ngày 17/10, cơ quan chức năng vẫn chưa đưa ra kết luận cuối cùng nguyên nhân cái chết của bé trai 22 tháng tuổi ở Gia Lâm, Hà Nội sau khi truyền dịch tại phòng khám tư ở quận Long Biên (ngày 16/10).

4 tai biến kinh hoàng khi truyền dịch sẽ khiến bạn nghĩ lại nếu

Truyền dịch có thể gây ra nhiều tai biến

4 nguyên nhân có thể gây ra cái chết thương tâm của em bé 22 tháng tuổi

Tuy nhiên, trao đổi với PV Báo Gia đình & Xã hội, BS Nguyễn Văn Thường, Giám đốc BVĐK Đức Giang - nơi bé trai được đưa vào cấp cứu sau khi gặp tai biến truyền dịch- cho biết, nguyên nhân ban đầu có thể có 4 nhóm:

Trước hết, có thể nghĩ đến nguyên nhân do sốc giảm thể tích, do bé đi ngoài 20 lần (hôm 16/10), mỗi lần tràn bỉm chưa kể nôn trớ nhiều. Trong khi trẻ em nếu mất nước trên 10% là có thể tử vong.

Thứ 2 có thể nghĩ đến là viêm cơ tim cấp, do có điều bất thường là khi vào viện bé có gan to ngang rốn trong khi bình thường trẻ con gan mấp mé mạn sườn. Có thể bé bị sốt, tiêu chảy, do virus khiến viêm cơ tim, đều có thể gây tử vong.

Thứ 3, có thể bé do nôn trớ, trong quá trình truyền dịch bé khóc, sặc. Đó là do khi bác sĩ cấp cứu đặt nội khí quản cho ống vào phổi hút ra nhiều sữa trong đó.

Cuối cùng, không thể loại trừ nguyên nhân sốc do truyền dịch.

Truyền dịch khi nào, ai không nên?

Theo các bác sĩ, dịch truyền có nhiều loại tùy theo tác dụng, trong đó phổ biến là loại cung cấp đường, muối và chất điện giải như glucose 5%, 10%; cung cấp năng lượng và chất dinh dưỡng...

Theo PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng, nguyên trưởng khoa Nhi, Bệnh viện Bạch Mai, trước khi truyền cần phải khám tim, phổi, đo mạch… xem tim có khỏe. Khám tim không chỉ khám lâm sàng mà nhiều trường hợp phải xét nghiệm, làm điện tâm đồ mới phát hiện ra bệnh.

Khi truyền dịch cần phải khống chế được tổng lượng dịch truyền vào phù hợp với tình trạng bệnh của bệnh nhân. Nếu truyền nhiều hơn tình trạng bệnh sẽ gây phù phổi, suy tim.

Theo PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng, chỉ nên truyền dịch khi sốt quá cao, nôn quá nhiều gây mất nước, đi ngoài mất nước như những bệnh nhân bị tiêu chảy, tụt huyết áp…; người bệnh không thể ăn, uống được. Những bệnh nhẹ không nên truyền dịch.

Nếu cơ thể mất nước mà vẫn ăn uống được thì truyền dịch không tốt hơn là mấy so với việc bù nước qua đường uống.

Bác sĩ khuyến cáo, nếu bắt buộc phải truyền dịch thì người bệnh nên thực hiện tại cơ sở y tế có đầy đủ điều kiện cấp cứu sốc phản vệ.

Trẻ sốt do viêm phổi hay mệt do bị bệnh tim... là hai trường hợp phải hạn chế truyền dịch. Nếu lạm dụng truyền sẽ khiến tim quá tải, không chịu được dịch truyền, gây ra các tai biến. Những người già, thận yếu, việc truyền dịch còn có thể khiến phù não, tai biến trên não.

Những trường hợp chống chỉ định truyền dịch qua đường tĩnh mạch có thể kể đến như: Bệnh nhân suy tim nặng truyền dịch có thể gây tai biến như phù phổi cấp. Bệnh nhân tăng huyết áp.

Tai biến xảy ra khi truyền dịch tĩnh mạch?

Dịch không chảy, phồng nơi tiêm: Nếu dịch không chảy ra, thuốc không vào được cơ thể bệnh nhân có thể gây nguy hiểm cho tính mạng bệnh nhân, đặc biệt là trong những trường hợp cấp cứu, bệnh nhân nặng.

Phồng nơi tiêm do thuốc thoát ra ngoài vì kim tiêm ra ngoài thành mạch hoặc kim chưa vào sâu trong lòng mạch, do tĩnh mạch bị vỡ phải truyền lại, hoặc truyền chỗ khác. Dung dịch ưu trương thoát ra ngoài thì phải ngừng truyền ngay, báo cho bác sĩ. Nếu chỗ truyền phồng to, bệnh nhân kêu đau buốt.

Bệnh nhân bị sốc: Có thể do dịch, do những yếu tố gây sốc của dây truyền, hoặc do tốc độ truyền quá nhanh... Triệu chứng: bệnh nhân đang truyền thấy khó thở, rét run, vã mồ hôi, sắc mặt tái nhợt, mạch nhanh, huyết áp tụt (huyết áp tâm thu ≤ 80mmHg).

Phù phổi cấp: Là tai biến nặng do truyền nhanh khối lượng lớn dịch truyền hoặc truyền với tốc độ nhanh ở bệnh nhân cao huyết áp, suy tim.

Triệu chứng: bệnh nhân đau ngực dữ dội, khạc bọt màu hồng, sắc mặt tím tái, nghe thấy phổi nhiều ran ẩm dâng lên từ hai đáy phổi.

Tắc mạch phổi: Do không khí trong dây truyền lọt vào lòng mạch. Triệu chứng: bệnh nhân đau ngực đột ngột, dữ dội, khó thở, có thể gây tử vong nhanh.

Nhiễm khuẩn: Do vô khuẩn không tốt, có thể gây nhiễm khuẩn huyết, viêm gan virus, nhiễm HDV... Để đề phòng: phải đảm bảo tuyệt đối nguyên tắc vô khuẩn trong suốt quá trình tiêm truyền.

Các chuyên gia khẳng định: Truyền dịch ở nhà không có đủ phương tiện để xét nghiệm bệnh nhân thừa thiếu chất gì ở trong máu. Việc bổ sung không đúng các chất dễ gây nguy hiểm đến tính mạng như bệnh nhân mất điện giải mà truyền đường sẽ làm bệnh nặng hơn, thiếu natri mà truyền đường sẽ làm máu loãng gây phù não; thừa natri mà truyền muối quá nhiều làm teo não...

PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng - Bệnh viện Bạch Mai cho hay, việc một số người cứ thấy sốt, mệt mỏi lập tức nghĩ đến truyền dịch là quan niệm sai lầm. Trường hợp bắt buộc phải truyền, bác sĩ cần tính toán kỹ lượng truyền chứ không thể truyền bừa bãi. Việc tự ý truyền dịch sẽ vô cùng nguy hại đến sức khỏe. Ngay cả khi người bệnh bị mất nước, bác sĩ vẫn khuyên uống nước bồi phụ tốt hơn là truyền dịch.

Theo GiaDinh