54 người Việt chết vì bệnh truyền nhiễm lâu đời và đáng sợ nhất lịch sử nhân loại



9 tháng đầu năm, bệnh có mặt ở 24 tỉnh, thành phố với 54 người chết được ghi nhận.

Ngày 28/9 là ngày Thế giới phòng, chống bệnh dại. Đây là một trong những bệnh truyền nhiễm lâu đời và đáng sợ nhất trong lịch sử nhân loại và khi đã lên cơn dại thì bệnh nhân chắc chắn sẽ tử vong.

Theo PGS.TS Trần Đắc Phu, Cục trưởng Y tế dự phòng, Bộ Y tế, so với cùng kỳ năm ngoái, số người chết do bệnh dại năm nay ít hơn 10 người. Tuy nhiên bệnh có xu hướng lan rộng tới các tỉnh thành.

Đặc biệt, theo ông Phu, các trường hợp tử vong do dại ở người đã được ghi nhận tại các tỉnh thành mà trước đây không có người mắc.

54-nguoi-viet-chet-vi-benh-truyen-nhiem-lau-doi-va-dang-so-nhat-lich-su-nhan-loai

Tiêm phòng vaccine dại cho chó

Ngày nay, bệnh dại lưu hành ở trên 150 quốc gia trên thế giới. Hiện bệnh có thể dự phòng bằng vaccine nhưng mỗi năm toàn cầu có khoảng 59.000 người tử vong. Khoảng 40% số tử vong là trẻ em dưới 15 tuổi ở các nước châu Á và châu Phi.

Tại Việt Nam, bệnh dại lưu hành trong nhiều năm và hiện nay số tử vong do dại vẫn ghi nhận ở mức cao với khoảng 100 trường hợp/năm. Riêng tại Hà Nội, từ năm 2015-2018 toàn thành phố có 8 trường hợp tử vong do bệnh dại. Trong 9 tháng đầu năm 2019 chưa ghi nhận ca bệnh dại. Qua điều tra dịch tễ, tất cả các trường hợp tử vong đều bị chó cắn mà không đi tiêm vaccine phòng bệnh dại hoặc tiêm muộn.

Việt Nam đang phấn đấu giảm số trường hợp tử vong do dại, tiến tới loại trừ bệnh dại vào năm 2030.

"Quản lý tốt đàn chó và tiêm vaccine dại cho chó là biện pháp quan trọng để loại trừ lây truyền bệnh dại trong đàn chó và ngăn ngừa lây sang người. Những người bị chó cắn cũng cần được tiêm vaccine dại sớm và đầy đủ để phòng bệnh dại. Tiêm vaccine cho chó là biện pháp hiệu quả nhất về cả chi phí và tính bền vững để người bị chó cắn không bị chết vì bệnh dại" - ông Phu cho hay.

Mới đây, Cục Quản lý Dược, Bộ Y tế cho biết, thời gian vừa qua, Cục này nhận được báo cáo của một số Sở Y tế về việc khó khăn trong cung ứng vaccine liên quan đến quy định về đấu thầu, trong đó có vaccine phòng dại.

Trước thực trạng đó, để khắc phục việc gián đoạn trong cung ứng vaccine phục vụ công tác tiêm chủng dịch vụ, Cục Quản lý Dược đề nghị Sở Y tế các tỉnh/ thành phố, Hội đồng thuốc và điều trị, các Tổ chuyên gia lựa chọn nhà thầu của các đơn vị cần nâng cao tinh thần trách nhiệm trong việc xây dựng kế hoạch (công tác dự báo, lập dự trù) cung ứng vaccine bảo đảm sát với nhu cầu sử dụng, tránh tình trạng dự trù quá ít hoặc quá nhiều.

Trường hợp nhu cầu vaccine phát sinh đột biến hoặc không lựa chọn được nhà thầu cung ứng thông qua đấu thầu rộng rãi dẫn đến nguy cơ thiếu vaccine thì cơ sở y tế phải báo cáo cấp có thẩm quyền và thực hiện ngay việc lựa chọn nhà thầu bổ sung để bảo đảm đủ vaccine phục vụ nhân dân.

Cục Quản lý dược cũng hướng dẫn, trong trường hợp vaccine có điều chỉnh tăng giá hơn so với kết quả trúng thầu đã công bố thì chủ đầu tư có thể căn cứ báo giá hoặc hóa đơn bán hàng của các doanh nghiệp để xây dựng giá kế hoạch cho phù hợp với thực tế.

Bệnh dại là bệnh nhiễm virus cấp tính của hệ thống thần kinh Trung ương từ động vật lây sang người bởi chất tiết, thông thường là nước bọt bị nhiễm virus dại.

Hầu hết các trường hợp phơi nhiễm với bệnh dại đều qua vết cắn, vết liếm của động vật mắc bệnh dại, đôi khi có thể bị nhiễm qua đường tiếp xúc như hít phải khí dung hoặc ghép tổ chức mới bị nhiễm virus dại.

Giai đoạn tiền triệu chứng: thường 1- 4 ngày, biểu hiện cảm giác sợ hãi, đau đầu, sốt, mệt mỏi, khó chịu, cảm giác tê và đau tại vết thương nơi virus xâm nhập.

- Giai đoạn viêm não thường biểu hiện mất ngủ, tăng cảm giác kích thích như: sợ ánh sáng, tiếng động và gió nhẹ. Ngoài ra, còn có rối loạn hệ thần kinh thực vật như giãn đồng tử, tăng tiết nước bọt, vã mồ hôi, hạ huyết áp, đôi khi có biểu hiện xuất tinh tự nhiên.

Theo GiaDinh