6 ca COVID-19 t.ử v.ong, 9 ca nguy kịch, virus corona ở Đà Nẵng đã mạnh lên?

Các số liệu sáng 3-8 của Bộ Y tế cho biết trong số 621 bệnh nhân mắc COVID-19 đến nay, đã có 6 ca tử vong (1%). Hiện có 9 bệnh nhân nguy kịch, thở máy xâm nhập hoặc vừa thở máy vừa dùng ECMO, 20 ca tiên lượng nặng.

Theo đó, Bộ Y tế cho biết ngoại trừ 6 người bệnh đã tử vong, hiện tại các cơ sở điều trị còn 9 bệnh nhân nguy kịch, trong đó có 5 người đang điều trị tại Bệnh viện trung ương Huế, 4 tại Đà Nẵng. 

Ngoài ra có 2 bệnh nhân cũng đang trong tình trạng nặng (nằm trong số 20 ca tiên lượng nặng) điều trị tại Bệnh viện Phổi Đà Nẵng và Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP.HCM.

Trong số 9 bệnh nhân nguy kịch, có 6 người phải dùng ECMO (thiết bị thay thế chức năng tim phổi). Trong khi trước khi xảy ra đợt dịch ở Đà Nẵng, cả nước chỉ có 2 ca bệnh phải dùng ECMO.

PGS.TS Lương Ngọc Khuê - cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh, phó trưởng Tiểu ban điều trị, Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch, cho biết hiện tất cả các bác sĩ giỏi được huy động điều trị cho bệnh nhân nặng và nguy kịch, vì đa số bệnh nhân là người cao tuổi, có nhiều bệnh lý nền phức tạp.

Hiện số ca tử vong chiếm 1% trong tổng số bệnh nhân được ghi nhận tại Việt Nam cho đến nay. So với các quốc gia khác, tỉ lệ tử vong tại Việt Nam gần bằng 1/6 của thế giới, nhưng nguy cơ trong những ngày tới có thể có thêm ca tử vong do còn nhiều ca bệnh nặng.

Việc liên tiếp có ca tử vong trong những ngày gần đây có phải do virus có biến đổi về độc lực? Phát biểu gần đây tại cuộc họp của Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch, quyền Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho rằng chưa có minh chứng về việc virus biến đổi về độc lực, nhưng giải trình tự gen cho thấy virus có biến đổi về khả năng bám dính vào tế bào, dẫn đến lây lan nhanh hơn.

Chủng virus gây bệnh hiện nay tại Đà Nẵng là tương tự với chủng xuất hiện tại Bangladesh hồi cuối tháng 6 đầu tháng 7, và là chủng thứ 6 ghi nhận tại Việt Nam.

Ông Đặng Đức Anh - viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ trung ương, cho rằng các ca bệnh nặng hầu hết có điểm chung là tuổi cao, có nhiều bệnh nền, là những yếu tố dễ làm bệnh nặng hơn.

Nhận định của quyền Bộ trưởng Bộ Y tế và các chuyên gia Việt Nam cũng tương tự ý kiến ông Kidong Park - trưởng đại diện Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tại Việt Nam. Theo ông Park, chủng này có độc lực tương tự chủng đã lây lan tại các quốc gia khác mặc dù đã có đột biến về gen.

Sáng nay 3-8, Bộ Y tế xác nhận có thêm một ca bệnh liên quan đến tâm dịch Đà Nẵng (từ 25-7 có 174 ca liên quan tâm dịch này), và là thông báo có số mắc ít nhất trong 5 thông báo cùng kỳ gần đây.

Lan Anh

Theo Tuổi trẻ

----

Xem thêm:

1,4 triệu người đi/đến Đà Nẵng 1 tháng qua, Bộ Y tế yêu cầu các địa phương quyết liệt hơn

Thông tin tại buổi giao ban giữa Bộ Y tế và Bảo hiểm xã hội Việt Nam sáng nay 2-8, quyền Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết đã có 1,4 triệu người đã đi/đến Đà Nẵng trong 1 tháng qua.

Nhân viên y tế hướng dẫn người dân khai báo y tế trước khi lấy mẫu xét nghiệm - Ảnh: NAM TRẦN

Theo đó, quyền Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long cho biết Đà Nẵng là thành phố du lịch năng động, trong 1 tháng qua đã có khoảng 1,4 triệu người từng đi/đến Đà Nẵng, riêng 3 bệnh viện Đà Nẵng, Bệnh viện C Đà Nẵng, Bệnh viện chấn thương chỉnh hình Đà Nẵng có 800.000 lượt người đến, mức độ được đánh giá cần phải hết sức quan tâm.

Để đảm bảo tìm kiếm, sàng lọc nguồn lây và tốc độ lây nhiễm của giai đoạn này nhanh hơn trước, Bộ Y tế tăng tốc truy vết những người từng đi đến Đà Nẵng và thực hiện xét nghiệm.

"Các địa phương phải mạnh mẽ hơn, quyết liệt hơn, chúng tôi mong muốn xét nghiệm được thực hiện tại tất cả các cơ sở y tế để tạo thuận lợi cho người dân và được bảo hiểm chi trả dịch vụ xét nghiệm" - ông Long yêu cầu.

Ngày 1-8, số lượng xét nghiệm đã vượt thời điểm dịch nóng trong tháng 4, trong đó các địa phương nguy cơ cao như TP.HCM đến chiều 1-8 có 90/162 ca nghi nhiễm đã có xét nghiệm âm tính, có 8 bệnh nhân dương tính đang điều trị, công suất xét nghiệm của tất cả các đơn vị trên địa bàn là 8.000-9.000 mẫu/ngày.

Tại Hà Nội, ước tính đến thời điểm này có 72.000 người từng đi Đà Nẵng về từ 8-7, đã có 50.000 người được thực hiện xét nghiệm bằng test nhanh, hiện chưa ghi nhận thêm ca bệnh ngoài 2 trường hợp dương tính sau khi đi du lịch Đà Nẵng. Hà Nội có 10 cơ sở y tế có thể xét nghiệm được bằng phương pháp Realtime PCR, với công suất 3.000 mẫu/ngày.

Trước lo ngại của nhiều người dân, về việc phải đợi chờ xét nghiệm, Bộ Y tế yêu cầu các địa phương không được để tình trạng người dân được gọi xét nghiệm nhưng phải chờ 3-4 ngày, mà phải nhanh chóng, chủ động, không chờ đợi, mục tiêu là ngăn chặn dịch bệnh tại Đà Nẵng và các khu vực lân cận "sớm nhất có thể".

Chi phí xét nghiệm là bao nhiêu?

Những ngày vừa qua, những người từng đi/đến Đà Nẵng từ 8-7 được miễn chi phí sàng lọc, xét nghiệm nhanh.

Bộ Y tế và Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã có hướng dẫn người đang thực hiện các biện pháp cách ly y tế, cưỡng chế cách ly y tế và người nhiễm COVID-19 đang khám chữa bệnh tại cơ sở y tế, trường hợp được cơ sở y tế chỉ định xét nghiệm theo hướng dẫn của Bộ Y tế về chẩn đoán, điều trị COVID-19 được bảo hiểm y tế chi trả phí xét nghiệm.

Hiện mức phí này được bảo hiểm chi trả 734.000 đồng/mẫu với xét nghiệm bằng Realtime PCR, 238.000 đồng/mẫu với xét nghiệm bằng test nhanh.

Lan Anh

Theo Tuổi trẻ

----

Xem thêm:

+Cuộc chiến với Covid-19 của vợ chồng nhân viên y tế Bệnh viện Đà Nẵng

+Choáng váng với đường đi của bệnh nhân 601, sau đó cả thành phố phải cách ly xã hội

+Còn 13 bệnh nhân COVID-19 diễn biến nặng, nguy kịch

----