65% công việc cho thế hệ Z vẫn chưa xuất hiện

Chuyên gia về lao động cho biết 65% công việc dành cho thế hệ Z, sinh từ 1995 đến 2012, vẫn chưa xuất hiện. Do đó, con người cần nhanh chóng học hỏi để thích nghi với sự thay đổi.

Sáng 14/11, Cục Việc làm, Bộ Lao động Thương binh & Xã hội (LĐTB&XH), tổ chức hội thảo về nguồn nhân lực và công nghệ cho kỷ nguyên số tại Việt Nam.

Công việc có tính chu kỳ sẽ mất dần vào tay robot

Tại hội thảo, Tổng giám đốc tại Việt Nam của Tập đoàn tư vấn nhân lực đa quốc gia Manpower Group, ông Simon Matthews cho rằng trong kỷ nguyên số, cận kề cách mạng công nghiệp 4.0 cần hết sức chú ý đến việc thích nghi với những ngành nghề hình thành trong tương lai.

Ông Matthews đưa ra còn số 65% những ngành nghề dành cho thế hệ Z (sinh trong giai đoạn 1995-2015) vẫn chưa xuất hiện. Theo đó, để có thể thích nghi với những ngành nghề sẽ xuất hiện trong tương lai, con người phải tăng cường sự tự học hỏi.

Theo đó, trước thểm cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, các công việc truyền thống, có tính chu kỳ của con người sẽ ngày càng mất dần vào tay của robot, trí tuệ nhân tạo, các thiết bị thông minh… Do đó, con người phải cạnh tranh và có thể thích ứng với sự thay đổi của xu thế. 

65% công việc cho thế hệ Z vẫn chưa xuất hiện
Theo nghiên cứu, 65% công việc dành cho thế hệ Z (sinh giai đoạn 1995-2012) vẫn chưa xuất hiện. Ảnh: Tiến Tuấn.

Ông Matthews nhấn mạnh đến vai trò của các công việc phức tạp, đỏi hỏi khả năng sáng tạo, máy móc, robot không thể thay thế được vẫn là cơ hội dành cho con người. Do đó, con người cần phải có những kỹ năng mới, phức tạp hơn để thích nghi và cạnh tranh với chính máy móc, robot.

Ông đưa ra những kỹ năng cần thiết sẽ thay đổi vào năm 2020, theo đó, con người sẽ cần nhiều hơn những kỹ năng như sáng tạo, linh hoạt trong nhận thức, trí tuệ cảm xúc (EI), đánh giá và ra quyết định….

Để có thể đạt được những kỹ năng này, ông Matthews nhấn mạnh con người phải không ngừng học hỏi, làm mới và bổ sung thêm nhiều kỹ năng hơn cho chính mình. Theo đó, con người cần trau dồi thêm ngoại ngữ nhiều hơn, kỹ năng xử lý công việc phức tạp, ứng dụng và sử dụng thành thạo công nghệ…

“Sự thay đổi không chờ đợi chúng ta. Tất cả các lãnh đạo doanh nghiệp, nhà giáo dục và Chính phủ phải chủ động nâng cao kỹ năng và đào tại lại nhân sự của mình để mọi người đều có thể nhận được lợi ích từ cuộc cách mạng công nghiệp 4.0”, ông Matthews nhấn mạnh.

65% công việc cho thế hệ Z vẫn chưa xuất hiện

4 vấn đề con người cần đối phó trong cách mạng 4.0

Đồng tình với điều này, ông Đinh Đức Hùng, Kỹ sư trưởng giải pháp SmartCity, Viettel Telecom, nhấn mạnh đến 4 vấn đề mà con người cần chuẩn bị và đói phó trong cách mạng công nghiệp 4.0.

Bốn vấn đề là hạ tầng kết nối; làm chủ công nghệ mới; ứng dụng công nghệ thông trong các ngành nghề và nguồn nhân lực.

Ông Hùng nhấn mạnh đến vấn đề nguồn nhân lực là điều đáng lo ngại nhất để Việt Nam chuyển dịch theo cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Theo đó, Việt Nam đang có trên 90% triệu dân, trong số đó có nhiều thành phần như công nhân, nông dân, công chức, người làm trong lĩnh vực dịch vụ…

Để chuyển dịch cơ cấu lao động đã là một điều khó, việc nâng cao kỹ năng, khả năng của người lao động lại càng khó khăn hơn nữa. Ông Hùng nhấn mạnh lại, để có thể thích nghi được điều này, người lao động chỉ còn cách là học và tự học để nâng cao trình độ của chính mình.

Thợ điện, mộc, nề... thành "nghề" khó tìm nhân lực nhất

Ở Việt Nam, chỉ có 9,66 triệu người đã qua đào tạo chiếm 18,6% lực lượng lao động trên 15 tuổi (trên 53 triệu người). Những người lao động đã qua đào tạo cũng thiếu hụt các kỹ năng như tinh thần trách nhiệm, khả năng thích ứng, kỹ năng mềm cần thiết...

Kết quả khảo sát “Thiếu hụt nhân tài giai đoạn 2016-2017” cho thấy các loại công việc đòi hỏi tay nghề như thợ điện, thợ mộc, thợ nề... vẫn được xếp vào loại công việc khó tìm nhân lực nhất trong năm liên tiếp.

Trong danh sách 10 ngành nghề khó tuyển nhân sự nhất có thể kể đến các vị trí trong lĩnh vực công nghệ thông tin (IT), đại diện bán hàng, kỹ sư, kỹ thuật viên và tài xế, nhân viên tài chính kế toán, nhân viên văn phòng, sản xuất và vận hành máy...

Riêng trong lĩnh vực IT, các doanh nghiệp cho biết ngành đang thiếu hụt nhân tài trầm trọng nhất trong nhiều năm nay. Thứ hạng thiếu hụt nhân lực ngành IT đã tăng từ hạng 9 lên hạng 2 trong năm 2016.

Tại Đông Nam Á, theo khảo sát, gần một nửa số doanh nghiệp tham gia khảo sát (46%) cho biết gặp khó khăn trong tuyển dụng. Năm 2016 được xem là năm tuyển dụng nhân sự khó khăn nhất trong vòng 11 năm trở lại đây.

Tại Việt Nam, nhân sự quản lý cấp cao đang thiếu hụt trầm trọng, một phần do tình trạng "chảy máu chất xám".

Tập đoàn Manpower Group cho biết các doanh nghiệp đang phải đối mặt với tình trạng thiếu hụt nhân lực chất lượng cao lớn nhất kề từ cuộc suy thoái kinh tế toàn cầu 2007-2008 đến nay.

Trên quy mô toàn cầu, theo khảo sát “Thiếu hụt nhân tài giai đoạn 2016-2017” của đơn vị này, có 40% trong số 42.000 doanh nghiệp được khảo sát cho biết họ đang gặp khó khăn trong công tác tuyển dụng, đạt mức cao nhất kể từ năm 2007.

Cuộc cách mạng 4.0 đang diễn ra ở châu Mỹ, châu Âu và một phần châu Á là điều tất yếu. Mặt trái của Cách mạng công nghiệp 4.0 là có thể phá vỡ thị trường lao động bởi khi tự động hóa thay thế con người trong nhiều lĩnh vực, hàng triệu lao động trên thế giới có thể rơi vào cảnh thất nghiệp.

Với sự chuyển động của cuộc cách mạng này, trong khoảng 15 năm tới thế giới sẽ có diện mạo mới, đòi hỏi các doanh nghiệp phải thay đổi. Cách mạng công nghiệp 4.0 vì vậy mang đến cơ hội và cũng đầy thách thức với nhân loại.

Theo zing