89 y, bác sĩ của 4 bệnh viện phải cách ly vì tiếp xúc bệnh nhân 237

Bệnh nhân 237 người Thụy Điển là ca bệnh có lịch sử dịch tễ phức tạp nhất của Việt Nam từ trước tới nay, với con số F1 lên tới 101, trong đó có tới 89 y, bác sĩ của 4 bệnh viện lớn.

89-y-bac-si-cua-4-benh-vien-phai-cach-ly-vi-tiep-xuc-benh-nhan-237

Việc phòng chống Covid-19 ở Việt Nam gặp phải thách thức mới với sự xuất hiện của bệnh nhân 237
Ảnh Trần Cường

Bệnh nhân đã ở Việt Nam hơn 3 tháng và đi nhiều hơi

Theo báo cáo nhanh của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội đêm 3.4, vào hồi 15 giờ cùng ngày, CDC thành phố nhận được thông báo về trường hợp du khách người Thụy Điển có lưu trú trên địa bàn phường Bồ Đề, quận Long Biên, Hà Nội xét nghiệm dương tính với SARS-CoV-2 (gây dịch bệnh Covid-19).

Ngay sau đó, CDC Hà Nội đã cử 2 đội đáp ứng nhanh phối hợp với các đơn vị liên quan để tiến hành điều tra dịch tễ. Điều đáng nói, do bệnh nhân thiếu hợp tác, nên việc điều tra dịch tễ gặp khó khăn và còn nhiều điểm chưa thống nhất. Việc bệnh nhân không có yếu tố dịch tễ nhưng bất ngờ bị phát hiện dương tính đã khiến hệ thống y tế Việt Nam bị ảnh hưởng nặng nề.

Cụ thể, bệnh nhân là K.O.C, nam, 64 tuổi, quốc tịch Thụy Điển (đã được Bộ Y tế công bố là bệnh nhân 237), nhập cảnh Việt Nam từ 19.12.2019, đã đi qua Hà Nội, Ninh Bình, TP.HCM.

Theo thông tin từ Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng chống dịch Covid-19, lịch trình di chuyển của bệnh nhân qua khai thác thông tin từ cơ sở dữ liệu khai báo tạm trú của Bộ Công an như sau:

-Từ ngày 19.12.2019 đến 20.2.2020: bệnh nhân đến Công ty TNHH dịch vụ khách sạn Minh Nguyễn tại 90 An Dương Vương, phường 9, quận 5, TP.HCM.

-Từ ngày 21.2 - 22.2: bệnh nhân từ TP.HCM ra Hà Nội trên chuyến bay chưa rõ số hiệu, ở tại Tú Linh Legend (59 Hàng Cót, phường Hàng Mã, Hoàn Kiếm, Hà Nội).

-Từ ngày 22.2 - 20.3: bệnh nhân từ Hà Nội đi Ninh Bình (chưa rõ phương tiện di chuyển), ở tại khách sạn Ngọc Anh (36 Lương Văn Tuy, Ninh Bình).

-Ngày 21.3: bệnh nhân từ Ninh Bình về Hà Nội, ở tại khách sạn Canary Hà Nội (số 4 Vũ Hữu Lợi, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội).

-Ngày 22.3: bệnh nhân ở tại khách sạn Sao (Số 2, ngõ 25, Lâm Du, Bồ Đề, Long Biên).

-Ngày 26.3: bệnh nhân bị tai nạn, được chuyển đến bệnh viện Việt Pháp bằng xe cứu thương 115, quay trở lại khách sạn.

-Ngày 30.3: bệnh nhân tái khám tại bệnh viện Việt Pháp.

-Ngày 1.4: bệnh nhân vào khoa cấp cứu của Bệnh viện Đức Giang (Hà Nội), sau đó được chuyển viện đến Viện Huyết học - Truyền máu T.Ư.

-Ngày 3.4: Viện Vệ sinh dịch tễ T.Ư xét nghiệm, kết quả dương tính với SARS-CoV-2.

89-y-bac-si-cua-4-benh-vien-phai-cach-ly-vi-tiep-xuc-benh-nhan-237

Việc bệnh nhân không có yếu tố dịch tễ đã đẩy 4 bệnh viện của Việt Nam vào thế khó. Trong ảnh là các cán bộ, chiến sĩ Bộ Tư lệnh Hóa học chuẩn bị khử khuẩn Bệnh viện Bạch Mai

Ảnh Trần Cường

Tuy nhiên, qua khai thác thông tin từ Công an quận Cầu Giấy (Hà Nội), lại ghi nhận một số thông tin về lịch trình như sau:

-Ngày 19.12.2019, bệnh nhân nhập cảnh vào Việt Nam từ Campuchia qua cửa khẩu quốc tế Mộc Bài - Tây Ninh, về TP.HCM ở lại 1 đêm.

-Sau đó, bệnh nhân di chuyển ra Đà Nẵng và lưu trú tại Đà Nẵng 2 tháng. Tiếp đến, bệnh nhân lưu trú tại Nình Bình 1 tháng, rồi đến Hà Nội và lưu trú tại khách sạn Sao - 2/25 Lâm Du, phường Bồ Đề, quận Long Biên từ ngày 23 - 31.3.

Bệnh nhân không có yếu tố dịch tễ, nên đã được khám thông thường tại bệnh viện

Kết quả điều tra dịch tễ cho thấy, bệnh nhân có tiền sử bị bệnh bạch cầu cấp (Lơ xe mi kinh dòng bạch cầu hạt - là một bệnh ác tính hệ tạo máu, đặc trưng bởi sự tăng sinh các tế bào dòng bạch cầu hạt biệt hóa) 4 năm nay, có điều trị bằng Nilotinib theo đơn, nhưng đã bỏ thuốc 4 tháng.

Do ảnh hưởng của bệnh nên bệnh nhân thường có biểu hiện buồn ngủ và dễ quên. Theo thông tin từ Trung tâm Y tế quận Hoàn Kiếm, khoảng 11 giờ 30 ngày 26.3, bệnh nhân bị ngất trên vỉa hè thuộc khu vực ngã tư Cầu Gỗ - Gia Ngư thuộc phường Hàng Bạc.

Sau đó, bệnh nhân được công an phường gọi xe 115 đưa đi khám bệnh tại Bệnh viện Việt Pháp (cơ sở Phương Mai).
Lúc đưa bệnh nhân lên xe có 1 cán bộ y tế Trạm Y tế phường Hàng Bạc tham gia bế vác lên xe cứu thương (không mặc phòng hộ cá nhân).

Khoảng 13 giờ 22 ngày 26.3, bệnh nhân được xe cứu thương đưa đến Bệnh viện Việt Pháp trong tình trạng tỉnh, tiếp xúc được. Tại đây, bệnh nhân được hướng dẫn đưa vào phòng cách ly ngay tại cổng vào của bệnh viện để thực hiện khám sàng lọc, điền tờ khai y tế.

Sau khi làm xong tờ khai y tế và qua khai thác sơ bộ (bệnh nhân không có tiền sử đi về từ các vùng dịch quốc tế trong vòng 14 ngày gần đây, không có biểu hiện sốt hay ho), bệnh nhân được nhân viên tiếp đón đưa đi làm các thủ tục khám bệnh theo quy trình của bệnh viện.

89-y-bac-si-cua-4-benh-vien-phai-cach-ly-vi-tiep-xuc-benh-nhan-237

Bệnh nhân đã ở Việt Nam lâu ngày và di chuyển nhiều nơi, chưa thể xác định nguồn lây bệnh

Ảnh Trần Cường

Tại bệnh viện, bệnh nhân được khám tại khoa cấp cứu, khoa nội hô hấp, khoa da liễu, khoa nội thần kinh (bác sĩ khám chỉ đeo khẩu trang thông thường và mặc đồng phục của bệnh viện, không mặc đầy đủ phòng hộ cá nhân).

Sau đó, bệnh nhân được đưa đi làm xét nghiệm máu, chụp MRI. Căn cứ vào tình trạng bệnh lý của bệnh nhân, các bác sĩ chỉ định bệnh nhân nhập viện. Tuy nhiên, do bệnh nhân không có tiền để chi trả chi phí khám chữa bệnh nên từ chối nhập viện và đã ký và bản từ chối nhập viện, không theo chỉ định của bác sĩ.

Bệnh viện đã giữ lại Hộ chiếu của bệnh nhân và cho bệnh nhân đi về (nhân viên lễ tân của bệnh viện bắt taxi cho bệnh nhân về), đồng thời hẹn bệnh nhân tái khám sau 4 ngày và lấy lại hộ chiếu.

Ngày 30.3, bệnh nhân quay trở lại bệnh viện tái khám theo lịch hẹn. Tuy nhiên, do bệnh nhân vẫn không thanh toán được tiền chi phí khám chữa bệnh nên bệnh viện tiếp tục cho bệnh nhân về (bằng taxi).

Khoảng 14 giờ ngày 3.4, sau khi nhận được thông tin bệnh nhân có kết quả dương tính với SARS-CoV-2, Bệnh viện Việt Pháp đã rà soát lại toàn bộ những người tiếp xúc gần với bệnh nhân để lập danh sách và tổ chức cách ly tập trung tại khu cách ly tại tầng 6 của bệnh viện. Tại đây, có tổng cộng 22 trường hợp F1.

Bệnh nhân không hợp tác, nên bác sĩ đã chủ động đề nghị lấy mẫu xét nghiệm

-Tại Viện huyết học - Truyền máu T.Ư, bệnh nhân nhập viện khoảng 9 giờ 30 ngày 1.4 (chuyển từ Bệnh viện Đức Giang sang). Trước khi nhập viện, bệnh nhân cũng được kiểm tra thân nhiệt (không sốt), thực hiện khai báo y tế (không có yếu tố dịch tễ đi về từ vùng dịch) nên được chuyển vào khoa khám bệnh.

-Tại khoa khám bệnh, bệnh nhân được làm các xét nghiệm công thức máu, chụp MSCT, làm các xét nghiệm sàng lọc khác và cho nhập viện điều trị tại khoa hóa trị (H7) sau đó chuyển khoa ghép tế bào gốc (H8) cùng ngày.

-Bệnh nhân lên khoa trong tình trạng: tỉnh, chảy máu mũi nhiều, khó cầm. Khoảng 14 giờ, Viện Huyết học - Truyền máu T.Ư đã tiến hành giải thích về tình trạng bệnh nặng của bệnh nhân, đồng thời, mời hội chẩn khoa Tai mũi họng của Bệnh viện E.
Sau đó, kíp bác sĩ của Bệnh viện E đã sang Viện để tiến hành làm thủ thuật nhét Merocell cầm máu (tổng cộng ekip có 4 người do 1 bác sĩ trưởng khoa thực hiện).

-Ngày 2.4, do bệnh nhân có yếu tố là người nước ngoài, đồng thời không phối hợp trong việc điều tra tiền sử dịch tễ, không thực hiện đeo khẩu trang tại phòng bệnh, nên Viện Huyết học đã chủ động đề nghị Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương đến lấy mẫu xét nghiệm sàng lọc Covid-19, cho kết quả dương tính.

Ngay sau khi nhận được thông tin trên, Ban giám đốc Bệnh viện đã họp và rà soát, triệu tập toàn bộ những nhân viên y tế, người tiếp xúc gần tại bệnh viện lên hội trường tầng 2 để tổ chức cách ly tập trung và nhờ Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương tiến hành lấy mẫu bệnh phẩm xét nghiệm sàng lọc Covid-19.

Có 45 người F1 tại Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương.

Tổng cộng, 101 F1 tiếp xúc với bệnh nhân đã được điều tra, xác định và lấy mẫu xét nghiệm. Trong số này, có tới 89 trường hợp là y, bác sĩ của 4 bệnh viện.

Cơ quan y tế đã tiến hành phun khử khuẩn toàn bộ khách sạn, tổ chức cách ly tại khách sạn và tại bệnh viện đối với toàn bộ các trường hợp F1.

Các trường hợp F1 liên quan đến bệnh nhân 237

-Tại khách sạn nơi bệnh nhân lưu trú tại phường Bồ Đề, Long Biên: 12 trường hợp.

-Bệnh viện Đức Giang: 18 trường hợp.

-Viện Huyết học - Truyền máu T.Ư: 45 trường hợp.

-Bệnh viện E: 4 trường hợp

-Bệnh viện Việt Pháp: 22 trường hợp.

Theo Thanh Niên

----------

Xem thêm:

+Công bố 2 ca COVID-19 mới: Cụ ông 71 tuổi 2 lần đến Bạch Mai chữa ung thư trở thành BN239

+Từ 04/4, Hà Nội bắt đầu phạt người dân ra ngoài đường không có lý do

+Truy đuổi ô tô chở 6 người vượt biên trốn cách ly