90,06% đại biểu tán thành, Quốc hội thông qua nghị quyết Dự án đầu tư xây dựng sân bay Long Thành giai đoạn 1



Chiều ngày 26/11, Quốc hội đã tiến hành biểu quyết thông qua Nghị quyết về Dự án đầu tư xây dựng Cảng hàng không quốc tế (HKQT) Long Thành. Tại hội trường, đã có 435/455 đại biểu tán thành (chiếm 90,06%) thông qua Nghị quyết trên.

Trước đó, ngày 12/11/2019, các đại biểu Quốc hội đã cho ý kiến vào dự thảo Nghị quyết, tán thành, Quốc hội thông qua Nghị quyết dự án Xây dựng sân bay Long Thành giai đoạn 1. Trên cơ sở ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo các cơ quan hữu quan nghiên cứu, tiếp thu, giải trình dự thảo Nghị quyết về nội dung trên.

Có ý kiến băn khoăn về việc Quốc hội xem xét, thông qua báo cáo Nghiên cứu khả thi (NCKT) dự án; có ý kiến cho rằng nhiều nội dung của báo cáo NCKT còn chưa được làm rõ, do đó, khó khăn cho việc Quốc hội xem xét báo cáo NCKT dự án.

90-06-dai-bieu-tan-thanh-quoc-hoi-thong-qua-nghi-quyet-du-an-dau-tu-xay-dung-san-bay-long-thanh-giai-doan-1

Phối cảnh dự án Sân bay quốc tế Long Thành.

Về vấn đề này, Ủy ban thường vụ Quốc hội có báo cáo, theo quy định của Luật Đầu tư công thì thẩm quyền quyết định đầu tư thuộc Thủ tướng Chính phủ. Tuy nhiên, đối với một dự án có quy mô lớn, tính chất quan trọng như Dự án Cảng HKQT Long Thành, việc Chính phủ trình Quốc hội xem xét, thông qua báo cáo NCKT từng giai đoạn trước khi quyết định đầu tư là phù hợp theo yêu cầu của Nghị quyết số 94/2015/QH13 ngày 25 tháng 6 năm 2015 của Quốc hội về chủ trương đầu tư Dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành (gọi tắt là Nghị quyết 94).

Đối với các nội dung trình Quốc hội, Luật Đầu tư công cũng như Nghị quyết 94 không quy định Quốc hội xem xét các nội dung cụ thể của báo cáo NCKT dự án, mà nhiệm vụ này thuộc trách nhiệm của Thủ tướng Chính phủ. Do đó Chính phủ đề xuất và Hội đồng thẩm định Nhà nước đã tập trung xem xét một số nội dung chính của báo cáo NCKT có sự thay đổi so với chủ trương đầu tư được Quốc hội phê duyệt tại Nghị quyết 94 để Chính phủ trình Quốc hội xem xét, thông qua.

Do vậy, tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội góp ý dự thảo Nghị quyết, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xin được chỉnh lý theo hướng trên cơ sở Nghị quyết của Quốc hội.

Đối với ý kiến băn khoăn về tính chính xác của tổng mức đầu tư giai đoạn 1 của Dự án vì nhiều hạng mục mới dừng ở mức tính toán sơ bộ. Do vậy đề nghị không nên đưa số liệu cụ thể của tổng mức đầu tư vào Nghị quyết của Quốc hội. Có ý kiến đề nghị cần xác định rõ tổng mức đầu tư giai đoạn 1 không vượt quá tổng mức đầu tư đã xác định tại Khoản 3 Điều 2 Nghị quyết 94. Có ý kiến đề nghị tổng mức đầu tư phải bao gồm cả chi phí đền bù, giải phóng mặt bằng theo quy định của Luật Xây dựng.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, tổng mức đầu tư Dự án Cảng HKQT Long Thành được Quốc hội thông qua tại Nghị quyết 94, khái toán là 336.630 tỷ đồng (tương đương 16,03 tỷ USD, áp dụng đơn giá năm 2014). Trong đó giai đoạn 1 là 114.450 tỷ đồng (bao gồm cả chi phí giải phóng mặt bằng khu vực 5.000 ha dự kiến là 14.139 tỷ đồng, tương đương 0,673 tỷ USD).

90-06-dai-bieu-tan-thanh-quoc-hoi-thong-qua-nghi-quyet-du-an-dau-tu-xay-dung-san-bay-long-thanh-giai-doan-1

Kết quả biểu quyết.

Tại Nghị quyết số 53/2017/QH14 ngày 24/11/2017 của Quốc hội (gọi tắt là Nghị quyết 53), Quốc hội đã thông qua một số chỉ tiêu của báo cáo NCKT Dự án thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ và tái định cư, trong đó tổng mức đầu tư được xác định là 22.938 tỷ đồng, diện tích đất thu hồi là 5.399,35 ha (tăng thêm 379,35 ha cho 02 khu tái định cư và 20 ha cho khu nghĩa trang). Trên cơ sở đó, Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định số 1487/QĐ-TTg ngày 06/11/2018 phê duyệt đầu tư Dự án giải phóng mặt bằng với tổng mức đầu tư là 22.856 tỷ đồng (tương đương 0,978 tỷ USD).

Theo Tờ trình của Chính phủ, tổng mức đầu tư giai đoạn 1 của Dự án là 4,779 tỷ USD (không bao gồm chi phí giải phóng mặt bằng theo Nghị quyết 53), đối chiếu với mức đầu tư giai đoạn 1 theo Nghị quyết 94 thì chi phí đầu tư xây dựng giai đoạn 1 chưa vượt mức đầu tư cho phần xây lắp nhưng nếu tính cả chi phí bồi thường, giải phóng mặt bằng theo Nghị quyết 53 thì đã vượt .

Tuy nhiên, tổng mức đầu tư theo Nghị quyết 94 chỉ là mức khái toán dựa trên Báo cáo tiền khả thi được xác định sơ bộ, chưa dựa trên tính toán của thiết kế cơ sở và giá thực tế tại thời điểm xác định của Báo cáo nghiên cứu khả thi. Ngoài ra, theo báo cáo NCKT, Dự án đầu tư xây dựng Cảng HKQT Long Thành giai đoạn 1 phải đầu tư một số hạng mục sử dụng chung cho các giai đoạn .

Theo quy định của Luật Xây dựng (Điều 134), tổng mức đầu tư dự án bao gồm cả chi phí bồi thường, hỗ trợ và tái định cư. Do đó, tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xin chỉnh lý theo hướng không ghi cụ thể số liệu tổng mức đầu tư trong dự thảo Nghị quyết mà giao Chính phủ xem xét, quyết định tổng mức đầu tư giai đoạn 1 của Dự án (bao gồm cả chi phí bồi thường, giải phóng mặt bằng) nhưng phải bảo đảm tổng mức đầu tư toàn Dự án cả 3 giai đoạn không vượt quá tổng mức đầu tư quy định tại Khoản 3 Điều 2 Nghị quyết 94.

Có ý kiến đề nghị làm rõ việc điều chỉnh diện tích đất quốc phòng có bảo đảm nhu cầu quốc phòng hay không? Cơ chế phối hợp trong quản lý, sử dụng đối với diện tích 480 ha đất để xây dựng kết cấu hạ tầng hàng không dùng chung; có ý kiến đề nghị nêu rõ khi cần thiết phải ưu tiên cho quốc phòng khi phục vụ tác chiến và huấn luyện.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội giải trình, việc điều chỉnh diện tích đất quốc phòng đã được Bộ Quốc phòng thống nhất bằng văn bản với Bộ Giao thông vận tải . Việc dùng chung diện tích đất này vừa bảo đảm sử dụng đất tiết kiệm, hiệu quả, vừa bảo đảm thực hiện kết hợp giữa kinh tế với quốc phòng. Trong tình huống cần thiết, Nhà nước có thể trưng dụng để phục vụ nhiệm vụ quốc phòng theo quy định của pháp luật.

Về cơ chế quản lý, sử dụng đối với diện tích đất dùng chung, theo quy định của pháp luật hiện hành, đất thuộc khu vực sử dụng chung cho hoạt động dân dụng và quân sự do dân dụng quản lý . Do đó, dự thảo Nghị quyết nêu nguyên tắc quản lý, sử dụng diện tích đất dùng chung này phải thực hiện theo quy định của pháp luật về đất đai và pháp luật về hàng không dân dụng Việt Nam; ưu tiên cho hoạt động quân sự khi có yêu cầu thực hiện nhiệm vụ quốc phòng.

Nhiều ý kiến băn khoăn về tính khả thi của việc hoàn thành giai đoạn 1 Dự án vào năm 2025, nhất là lo ngại tiến độ công tác giải phóng mặt bằng để bàn giao đất thi công Dự án.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhận thấy, tiến độ triển khai công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng còn khá chậm. Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị lưu ý các vụ việc phát sinh khiếu nại thời gian qua thường xuất phát từ khâu áp giá bồi thường, do đó, cần thực hiện công khai, minh bạch, đúng pháp luật.

Bên cạnh đó, khi có sự đồng thuận của người có đất bị thu hồi thì cần có thời gian để người dân xây dựng nhà ở, ổn định chỗ ở, xây dựng các công trình cơ sở tôn giáo làm nơi sinh hoạt trước khi bàn giao đất cho chính quyền. Do vậy, tiến độ bàn giao đất vào cuối năm 2020 sẽ là thách thức không nhỏ. Đề nghị Chính phủ chỉ đạo quyết liệt bảo đảm bàn giao mặt bằng phục vụ thi công dự án và bảo đảm tiến độ theo Nghị quyết của Quốc hội.

Theo GiaDinh