Ai được chặn xe vi phạm giao thông?

Ngoài CSGT, thanh tra giao thông, nhiều lực lượng cảnh sát khác như cơ động, trật tự, thậm chí công an phường cũng lập chốt kiểm tra, xử lý vi phạm giao thông.

CSGT và thanh tra giao thông TP Hải Phòng phối hợp kiểm tra xe tải có dấu hiệu quá tải Ảnh: TRỌNG ĐỨC

Hiện nay, trên một số tuyến quốc lộ, tỉnh lộ, thậm chí đường chính trong nội đô, có quá nhiều chốt chặn của lực lượng làm nhiệm vụ tuần tra, kiểm soát, xử lý các vi phạm về lĩnh vực giao thông đường bộ.

Các lực lượng “đụng” nhau nhiều lần

Một số cán bộ, chiến sĩ CSGT ở TP Hải Phòng thừa nhận đang xảy ra tình trạng chồng chéo trong việc lập các chốt, tổ làm nhiệm vụ “tuýt còi” giữa những lực lượng thuộc Phòng CSGT Đường bộ - Đường sắt và CSGT, cảnh sát trật tự cấp quận, huyện, kể cả cả lực lượng cảnh sát trật tự 113. Thậm chí, công an phường vốn có nhiệm vụ giữ gìn trật tự đô thị, vỉa hè, đường phố nhưng vẫn lập chốt xử lý người, phương tiện vi phạm giao thông.

Sự chồng chéo này không chỉ xảy ra giữa lực lượng công an các cấp mà còn nảy sinh giữa lực lượng công an với thanh tra Sở Giao thông Vận tải (GTVT) TP Hải Phòng.

Người dân phản ánh không ít lần chứng kiến các lực lượng “đụng” nhau. Cách đây không lâu, trên Quốc lộ 5 xảy ra vụ “va chạm” giữa cán bộ, chiến sĩ Phòng CSGT Đường bộ - Đường sắt và thanh tra Sở GTVT Hải Phòng khi chốt của 2 lực lượng đặt cách nhau không quá 1 km.

Gần đây nhất, hôm 2-7, tổ công tác do Chi cục Quản lý đường bộ I.7 (Cục Quản lý đường bộ I - Tổng cục Đường bộ Việt Nam) trong lúc ghi hình xe quá tải trên Quốc lộ 10 (đoạn qua huyện An Lão, TP Hải Phòng) thì một tổ CSGT xuất hiện, yêu cầu kiểm tra kế hoạch. Hai bên xảy ra bất đồng và bị mời về Công an huyện An Lão lập biên bản. Sau đó, đoạn clip ghi lại cảnh đấu khẩu của 2 lực lượng này bị tung lên mạng, gây ảnh hưởng không tốt đến hình ảnh của cả 2 đơn vị.

Không có chuyện lạm quyền!?

Chiều 14-7, ông Nguyễn Văn Huyện, Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam, cho biết Điều 15, Thông tư số 02/2014 của Bộ trưởng Bộ GTVT quy định thanh tra viên, công chức thanh tra được phép dừng phương tiện đường bộ trong các trường hợp sau: Buộc chấm dứt hành vi vi phạm theo quy định tại điều 55 Luật Xử lý vi phạm hành chính; khi phát hiện phương tiện có các dấu hiệu: vượt quá tải trọng cho phép của cầu/ đường bộ, vượt khổ giới hạn cho phép của cầu/ đường bộ, xe bánh xích lưu thông trực tiếp trên đường mà không thực hiện biện pháp bảo vệ đường theo quy định, đổ đất và vật liệu xây dựng hay các phế liệu khác trái phép lên đường bộ hoặc vào hành lang an toàn đường bộ.

Vì vậy, theo luật, lực lượng TTGT được phép dừng xe để xử lý vi phạm trong phạm vi thẩm quyền của mình, không có chuyện lạm quyền hay chồng chéo với các lực lượng công an. “Ví dụ, ở các trạm cân tại 63 tỉnh, thành, Bộ Công an và Bộ GTVT thống nhất chỉ có lực lượng CSGT được phép dừng xe. Tuy nhiên, khi TTGT hoạt động độc lập và không có sự tham gia của lực lượng công an thì vẫn được phép dừng xe để kiểm tra, xử lý bình thường nếu phát hiện xe có lỗi chở quá tải và các lỗi khác thuộc thẩm quyền xử lý của TTGT” - ông Huyện khẳng định.

Tuy nhiên, đại tá Trần Thế Quân, Phó Cục trưởng Cục Pháp chế và Cải cách hành chính tư pháp - Bộ Công an, lại có quan điểm khác. Theo ông, TTGT về nguyên tắc chỉ xử lý vi phạm giao thông tĩnh chứ không ra đường chặn xe. “Nguyên tắc là CSGT, lực lượng cảnh sát khác, các lực lượng đều có nghị định, thông tư hướng dẫn về việc xử phạt. Khi lực lượng khác tham gia đảm bảo giao thông thì phải theo kế hoạch, phải được phê duyệt chứ không phải tất cả đều được ra đường để xử phạt” - ông Quân phân tích.

Theo ông Quân, người dân có quyền được biết mình bị phạt về hành vi nào, thậm chí có thể yêu cầu đưa văn bản cho xem. Khi phạt phải lập biên bản vi phạm với mức quy định của pháp luật. Người dân có quyền hỏi cán bộ thực hiện nhiệm vụ gì. CSGT phải có biển hiệu về tuần tra, kiểm soát giao thông…

Chỉ dừng xe khi thấy dấu hiệu phạm luật
Luật sư Trần Văn Toàn, Văn phòng Luật sư Khánh Hưng (Hà Nội), cho biết người có thẩm quyền dừng phương tiện và xử phạt hành vi vi phạm của người tham gia giao thông trong lĩnh vực giao thông đường bộ bao gồm: CSGT đeo biển hiệu và giấy chứng nhận cảnh sát tuần tra, kiểm soát giao thông đường bộ; lực lượng cảnh sát khác và công an xã, phường, thị trấn khi được huy động phối hợp với CSGT đường bộ theo kế hoạch đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt; TTGT trong một số trường hợp mà hành vi vi phạm thuộc thẩm quyền xử phạt. Ngoài ra, các lực lượng khác không có quyền dừng xe và xử phạt vi phạm trong lĩnh vực giao thông đường bộ, chỉ có quyền dừng xe khi có hành vi vi phạm thuộc các lĩnh vực mà họ quản lý.
Cần lưu ý là các lực lượng có thẩm quyền dừng phương tiện và xử phạt hành vi vi phạm cũng không được tùy tiện mà chỉ được dừng phương tiện để kiểm soát khi phát hiện có dấu hiệu vi phạm hoặc đã có hành vi vi phạm.

 

Theo Văn Duẩn - Trọng Đức - Nguyễn Quyết (NLĐ/MTG)