Ăn dặm bằng cháo cá lóc, trẻ 6 tháng tuổi nhập viện do sốc phản vệ

Cho con ăn dặm bằng cháo cá lóc khoảng 30 phút, bé gái 6 tháng tuổi tím tái, nổi mề đay, khó thở và nhập viện trong tình trạng sốc phản vệ.

Bé gái được đưa vào cấp cứu tại Bệnh viện Đa khoa Bình Dương, phải hỗ trợ thở máy sau đó chuyển lên Bệnh viện Nhi đồng 2 (TP HCM). Bác sĩ xác định bệnh nhi bị sốc phản vệ do ăn cháo cá lóc. Hiện bé đã cai máy thở, tiếp tục điều trị thuốc chống sốc và theo dõi. 

Ăn dặm bằng cháo cá lóc, trẻ 6 tháng tuổi nhập viện do sốc phản vệ
Ảnh minh họa

Theo các bác sĩ, đây là trường hợp sốc phản vệ khá hy hữu. Sốc phản vệ là do cơ địa của bệnh nhi không thích hợp với từng loại thức ăn. Không phải bé nào ăn cá lóc cũng bị sốc phản vệ. Có trẻ nhập viện vì sốc phản vệ do ăn chocolate, cà chua, bánh mì... hoặc dị ứng hóa mỹ phẩm, côn trùng đốt...

Dị ứng thức ăn là bệnh lý phổ biến ở trẻ em, xuất hiện sớm trong năm đầu đời (80%). Khoảng 6%-8% số trẻ em dưới 3 tuổi có ít nhất một lần bị dị ứng với thức ăn. Những thức ăn thường gây dị ứng ở trẻ em là: sữa bò, trứng và các loại đậu. Các nguyên nhân khác ít gặp hơn là các loại hải sản (tôm, cua, cá biển, sò, mực...). Một số chất phụ gia hoặc phẩm màu như: hàn the, bột ngọt, cũng có thể gây dị ứng cho trẻ.

Sau khi ăn các loại thức ăn trên từ 30 phút đến vài giờ, trẻ có các triệu chứng như: nổi mẩn đỏ, đỏ da (38%), mề đay cấp (52%), ngứa khắp người, mắt sung huyết đỏ, sưng phù môi (45%), mắt. Những biểu hiện đầu tiên thường là chảy mũi, nổi ban, cảm giác ngứa ở miệng.

Ngoài ra, trẻ còn có thể có các biểu hiện: khàn tiếng, hắt hơi, ho, khò khè, buồn nôn, đau bụng, tiêu chảy. Những trường hợp nặng chiếm đến 44% biểu hiện khó thở, thở rít, sốc phản vệ (22%) với các triệu chứng mệt, trụy mạch, tụt huyết áp. Có khi chỉ đơn thuần có triệu chứng ở đường tiêu hóa như buồn nôn, nôn, đau quặn bụng, tiêu chảy.

Tùy từng cơ địa mà dị ứng thức ăn có thể biểu hiện nhẹ hoặc trầm trọng. Các triệu chứng thường xảy ra một vài phút đến vài giờ sau khi trẻ ăn phải thức ăn gây dị ứng. Trong một số trường hợp hiếm, trẻ có thể rơi vào tình trạng sốc phản vệ rất nguy hiểm.

Sốc phản vệ thường xảy ra nhanh sau khi trẻ tiếp xúc với chất gây dị ứng, khi đó trẻ có biểu hiện tím tái, huyết áp tụt hoặc kẹp, trụy mạch, suy hô hấp và cần được cấp cứu ngay. Phản ứng dị ứng nặng gây sốc phản vệ nếu không được cấp cứu kịp thời có thể tử vong nhanh chóng.

Các bác sĩ khuyến cáo cha mẹ biết con mình có cơ địa dị ứng cần lưu ý tránh những thức ăn mà trẻ bị dị ứng trước đây. Những trường hợp dị ứng nhẹ, việc giảm bớt, không ăn những thức ăn dị ứng là biện pháp tốt nhất ngăn chặn sự tái xuất hiện các triệu chứng dị ứng.

Nếu lo ngại việc loại trừ một số thức ăn khỏi chế độ ăn của trẻ có thể dẫn đến sự mất cân đối trong dinh dưỡng, ảnh hưởng đến sự phát triển của trẻ, các bà mẹ có thể hỏi ý kiến của các bác sĩ chuyên khoa để xây dựng chế độ ăn thích hợp cho con mình.

Theo Thu Hà (SKCĐ)