Ăn rau mầm có nguy cơ ngộ độc không?

Nhiều người lầm tưởng ăn rau mầm luôn tốt. Tuy nhiên đã có rất nhiều trường hợp ngộ độc với rau mầm.

Hiện nay, tình trạng mất vệ sinh an toàn thực phẩm không còn là vấn đề hiếm gặp mặc dù lợi ích của loại thực phẩm này không thể phủ nhận. Rau mầm có giá trị dinh dưỡng cao gấp 3 - 5 lần rau thường, đặc biệt được các bà mẹ ưu tiên dùng cho con của họ nhưng không biết rằng không phải cứ rau mầm là lành tính, vô hại như chúng ta lầm tưởng. Đã có những trường hợp ngộ độc đáng tiếc xảy ra.

Nguyên nhân nào khiến rau mầm dễ nhiễm độc?

Nước tưới không sạch, có chứa vi khuẩn E.coli, có thể gây tiêu chảy nhẹ hoặc một số bệnh về đường tiêu hóa khác. Hoặc do một số trường hợp sử dụng dung dịch phân đạm (nitrat) hoặc chất kích thích sinh trưởng tưới để cho cây lớn nhanh, gây tồn động các chất trong thân, lá cây. Tuy nhiên trường hợp này ít xảy ra, bởi rau nhanh dài nhưng thân sẽ bị mềm, không ngon mắt, tiểu thương khó tiêu thụ. Cũng có thể do giá thể không được làm sạch, dễ bị nhiễm nấm, điều này thường bắt nguồn từ những gia đình tự trồng rau mầm tại nhà.

Hầu hết các loại rau mầm đều phải trồng trong môi trường ấm và đây chính là cơ hội cho các loại vi khuẩn phát triển. Nếu quá trình chăm sóc rau không bảo đảm an toàn thì rau cũng sẽ bị nhiễm khuẩn. Nguyên nhân gây ra ngộ độc đến từ việc sử dụng rau mầm không đúng cách như ăn sống nhưng chủ quan không rửa sạch, rửa kỹ.

Những lưu ý khi sử dụng rau mầm 

Nên dùng xơ dừa hoặc đất sạch làm giá thể trồng, không nên dùng những giá thể chứa hóa chất độc hại. Đặc biệt lưu ý khi mua giá thể của các nhà sản xuất rau mầm vì có thể họ sử dụng giá thể đã qua sử dụng. Tốt nhất nên mua hạt giống rau mầm ở các cửa hàng uy tín và có nguồn gốc rõ ràng, hạn sử dụng.

Nước tưới là quan trọng nhất, nếu sử dụng nước không đạt độ sạch sẽ gây ngộ độc cho bạn khi ăn. Tốt nhất bạn nên dùng nước uống để tưới nước cho rau mầm.

Lúc thu hoạch nên cắt cách giá thể khoảng 2cm để đảm bảo không bị dính đất, xơ dừa, trước khi ăn thì nên ngâm rau mầm với nước muối để diệt vi khuẩn có hại.

Không nên mua những hộp rau có màu sắc lạ hay lá đã ngả vàng, thân, lá rau to xanh bất thường. Rau mua về nên sử dụng ngay, nếu cần bảo quản phải để trong hộp nhựa hoặc nilon khô ráo, thoáng khí ở nhiệt độ 4-5 độ C, tối đa 3-4 ngày.

Tuy rau mầm rất tốt, nhưng không nên ăn quá nhiều. Mỗi người chỉ cần ăn lượng rau mầm nhỏ bằng 1/10 - 2/10 rau trưởng thành. Chẳng hạn, nếu ăn 500g rau trưởng thành mỗi ngày thì chỉ nên ăn 50g rau mầm mỗi ngày. Không nên ăn rau mầm thay thế hoàn toàn rau trưởng thành mà nên ăn xen giữa các bữa rau trưởng thành. Chỉ nên sử dụng các loại rau mầm đã được nghiên cứu chứng minh là ăn được như rau mầm củ cải trắng, mầm lạc, đậu tương, súp lơ, rau muống... Và nên ăn rau mầm chín vì các hóa chất (nếu có) trong rau mầm có thể sẽ bị tiêu hủy hoặc giảm đi.                                           

Theo VietQ