Bà nội trợ bị hớ với mác cá sông quê vì không nắm rõ đặc điểm này

Vì hám lợi, người bán sẵn sàng gắn mác “cá sông nuôi” thành “cá sông tự nhiên” xịn để lừa khách hàng kiếm lợi cao gấp cả chục lần. Vậy, làm sao để phân biệt, tránh mua nhầm phải các loại cá sông nuôi với giá đắt đỏ?​

Thời gian gần đây, chuyện nuôi trồng thủy sản lạm dụng chất kháng sinh không phải là hiếm, hay như chuyện cá biển được bảo quản bằng cách tẩm ướp phân urê cũng diễn ra thường xuyên. Thế nên, để yên tâm ăn món cá mà không lo sợ cá còn tồn dư những chất độc hại, người dân chuyển sang săn lùng các loại cá sông tự nhiên vì nghĩ sẽ an toàn hơn so với các loại cá nuôi.

Nắm bắt được tâm lý người tiêu dùng, một số tiểu thương vì hám lợi, người bán sẵn sàng gắn mác "cá sông nuôi" thành "cá sông tự nhiên" xịn để lừa khách hàng.

ba-noi-tro-bi-ho-voi-mac-ca-song-que-vi-khong-nam-ro-dac-diem-nay

Cá quả đồng.

Nghe lời chào mời của một chị bán cá vỉa hè trên đường đi làm về chị Mai (Nam Từ Liêm, Hà Nội) tạt vào mua. Được quảng cáo là cá chép sông nhà đánh bắt được nên chị mua liền 2 con, mỗi con 1kg với giá 115.000 đồng/kg về để ăn dần. 

Tuy nhiên, chỉ đến khi nấu thành món ăn chị mới nhận ra mình đã mua phải cá chép nuôi vì khi nấu lên thịt cá bở, không dai và săn chắc như cá sông. Ngoài ra, hương vị không được ngon ngọt như cá tự nhiên. Tính ra, với giá cá chép nuôi hiện nay rơi vào khoảng 70.000 đồng/kg thì chị đã bị hớ 45.000 đồng mà lại không mua được thực phẩm ngon như mong muốn.

"Tôi sẵn sàng trả giá cao để mua đúng hàng ngon, nhưng rốt cuộc tốn nhiều tiền mà vẫn sở hữu món hàng kém chất lượng", chị bức xúc.

Thực tế, không chỉ ở các chợ truyền thống mà trên mạng xã hội, các loại cá sông cũng được rao bán khá nhiều. Tuy nhiên, tất cả các chủ hàng đều khẳng định rằng cá mình bán là cá sông tự nhiên, cá được dân dùng lưới đánh bắt từ sông Đà,... chứ nhất quyết không nhận mình bán cá sông nuôi.

Chị Thu, một người dân sống gần chợ Phùng Khoang chia sẻ, mỗi sáng chị đi chợ thấy tiểu thương đã bày bán la liệt các loại tôm, cua, cá, lươn, ếch trên những chiếc mâm lớn. Đi qua bất cứ hàng nào cũng nghe lời mời chào: "Cá quả đi em, quả mới còn tươi nguyên, 90.000 đồng/kg". Khi tôi lưỡng lự không biết cá nuôi hay cá đồng, tiểu thương này nói ngay: "Cá đồng đây mà, cá nuôi đầu to lắm, em cứ yên tâm".

Ghé vài sạp khác, những cá rô, lươn, ếch, tôm đều được giới thiệu là sản phẩm đánh bắt tự nhiên, không phải sản phẩm nuôi. Trong đó, lươn được ra giá 170.000 đồng/kg, ếch 70.000 đồng/kg, cá rô 50.000 đồng/kg...

ba-noi-tro-bi-ho-voi-mac-ca-song-que-vi-khong-nam-ro-dac-diem-nay

Cá rô đồng

Tuy nhiên, diện tích đồng ruộng, sông suối ngày càng thu hẹp, thủy hải sản bị khai thác cạn kiệt nên thời gian qua, cá đồng rất hiếm. Anh Huy, một đầu mối chuyên cung cấp cá cho chợ Hà Đông cho hay, cá sông tự nhiên thường có giá cao hơn gấp 6-10 lần so với giá cá sông nuôi. 

Đơn cử như cá lăng, nếu thu mua từ đầu mối giá chỉ 100.000-150.000 đồng/kg với cá nuôi. Còn với cá đánh bắt tự nhiên thì giá mỗi kg lên đến 850.000-900.000 đồng/kg. "Đó là những nguyên nhân dẫn đến cá sông nuôi thường được gắn cho cái mác cá sông tự nhiên", anh chia sẻ.

Chị Hà, tiểu thương chuyên bán cá đồng tại chợ Phùng Khoang chia sẻ mẹo chọn hàng ngon, đúng phẩm chất. Theo đó, cá sông tự nhiên nhìn lúc nào đầu cũng bé, mình dài, bụng thon, ít mỡ. Ngoài ra, vây, đuôi, râu của chúng thường dài hơn cá nuôi. Khi mổ ra thấy ruột, dạ dày cá nhỏ, đưa dao vào tách cá có cảm giác thịt cá giòn,... 

Trong khi đó, với cá sông nuôi, đặc điểm dễ nhận ra nhất chính là bụng cá to, thân hình ngắn bởi chúng ít vận động do được nuôi nhốt trong lồng chật hẹp. Đặc biệt, một ngày cá nuôi được cho ăn rất nhiều bữa nên mỗi lần cá thường ăn no, tích đầy thức ăn trong dạ dày nên nhìn cá nuôi bụng luôn to hơn rất nhiều.

Còn khi nấu chín, cá sông tự nhiên bao giờ cũng có mùi thơm, cá ăn chắc, ngọt thịt, khác hoàn toàn với cá sông nuôi bằng cám ăn có mùi rất tanh, thịt cá bở.

Theo GiaDinh