Bác ruột bệnh nhân số 17 mắc COVID-19 trở nặng, 3 lần ngưng tuần hoàn

Bệnh nhân trở nặng đêm 7/4, tuy chưa phải quay lại can thiệp ECMO nhưng trải qua 3 lần ngưng tuần hoàn.

Sáng 9/4, thông tin về sức khỏe của của các bệnh nhân mắc COVID-19 nặng, Tiểu ban điều trị COVID-19 cho biết, bệnh nhân nữ, 64 tuổi, bác của ca bệnh số 17 đang trở nặng. Đêm 7/4, bệnh nhân trải qua 3 lần ngừng tuần hoàn.

Các chuyên gia đầu ngành trong Tiểu ban điều trị COVID-19 ngay lập tức hội chẩn khẩn, nhờ đó, tình trạng bệnh nhân tạm ổn.

Theo TS. BS Phạm Ngọc Thạch - Giám đốc Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, hiện bệnh nhân vẫn phải duy trì thở máy. Mặc dù chưa phải quay trở lại can thiệp ECMO (tim phổi nhân tạo), nhưng các bác sĩ vẫn đang xem xét việc sử dụng lại phương pháp này.

"Đến thời điểm hiện tại, theo như báo cáo của các bác sĩ trực tiếp điều trị, tình trạng bệnh nhân đã ổn hơn, nhưng vẫn đang tiếp tục phải theo dõi chặt chẽ", ông Thạch nói.

Đối với nữ bệnh nhân người Việt Nam là bác gái bệnh nhân 17, do tình trạng suy hô hấp tiến triển nhanh nên hội đồng chuyên môn cấp Bộ Y tế và tổ hồi sức bệnh nhân Covid-19 nặng của Bộ Y tế đã thống nhất chỉ định can thiệp ECMO - trao đổi oxy qua màng ngoài cơ thể (Extracorporeal membrane oxygenation) hay hỗ trợ sự sống ngoài cơ thể (extracorporeal life support (ECLS).

Đây là phương pháp hỗ trợ tuần hoàn và hô hấp khi tim hoặc phổi hay cả hai không thể hoạt động bình thường. Phương pháp này giúp thay thế tim hoặc phổi hay cả hai trong thời gian ngắn.

ECMO sử dụng một hệ tuần hoàn để thực hiện quá trình trao đổi oxy ở bên ngoài của cơ thể nhằm hỗ trợ và duy trì chức năng sống ở các bệnh nhân suy tuần hoàn hoặc suy hô hấp nặng.

Trong đó, tuần hoàn ngoài cơ thể là một kỹ thuật nhằm thay thế tạm thời chức năng tim và phổi khi cần phải thực hiện các ca phẫu thuật sửa chữa hoặc thay thế các cấu trúc tim mạch hoặc mạch máu lớn trong cơ thể.

Tuần hoàn ngoài cơ thể được thực hiện nhờ vào các máy tim phổi nhân tạo và phải được điều khiển bởi các bác sĩ và kỹ thuật viên chuyên ngành, có nghiệp vụ chuyên môn cao.

Đây là một hệ thống nửa kín, có thể thay thế hoàn toàn chức năng tim phổi của bệnh nhân nhờ vào hệ thống bơm phối hợp với hệ thống trao đổi khí được nối với bồn chứa ống dẫn, cannula và tim của bệnh nhân.

Hệ thống này sẽ tạo ra sự thay đổi về sinh lý trong cơ thể mà sự thay đổi này được kiểm soát có chủ động như huyết áp động mạch, huyết áp tĩnh mạch hệ thống, áp lực tĩnh mạch phổi, các thành phần trong máu, áp lực riêng phần CO2, O2, N2 và thân nhiệt. Từ đó dẫn đến các phản ứng tự điều chỉnh và tự bảo vệ cơ thể của bệnh nhân.

Tuần hoàn ngoài cơ thể có thể thay thế hoàn toàn hoặc hỗ trợ một phần hoạt động của hệ tim phổi, hoặc cũng có thể là thay thế hoàn toàn nhưng đặt cùng lúc nhiều cannula ở nhiều vị trí khác nhau kết hợp với ngừng tuần hoàn tạm thời.

Đối tượng cần sử dụng ECMO là những bệnh nhân mắc bệnh lý nặng, có nguy cơ ngừng hô hấp hoặc ngừng tuần hoàn, đe dọa đến tính mạng.

ECMO được sử dụng khi phổi không có đủ khả năng cung cấp oxy cho cơ thể ngay cả khi đã cho hỗ trợ thở máy oxy ví dụ như trường hợp viêm phổi nặng có biến chứng suy hô hấp, hay bệnh nhân chẩn đoán phù phổi cấp kèm theo biểu hiện suy hô hấp nặng...

Theo các chuyên gia hồi sức, với những trường hợp không may bị viêm phổi nặng biến chứng suy hô hấp thì ECMO chính là "vũ khí" cuối cùng có thể giúp phổi dần hoạt động trở lại.

bac-ruot-benh-nhan-so-17-mac-covid-19-tro-nang-3-lan-ngung-tuan-hoan

Ảnh: Các bác sĩ Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cùng nhiều chuyên gia đầu ngành của cả nước về Hồi sức tích cực đang cố gắng hết sức điều trị cho các bệnh nhân.

Ngoài bệnh nhân, bệnh nhân số 91 là phi công người Anh, điều trị tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP.HCM cũng đang phải liên tục lóc máy và sử dụng ECMO.

Theo PGS.TS Lương Ngọc Khuê – Cục trưởng Cục Khám, Chữa bệnh (Bộ Y tế), Phó trưởng Tiểu ban điều trị COVID-19, tất cả các bệnh nhân trên đang được điều trị theo phác đồ của Bộ Y tế. Ngoài ra, Bộ cũng nghiên cứu, học hỏi thêm những phác đồ mới của các quốc gia khác vận dụng vào điều trị cho các bệnh nhân như: Pháp, Nhật Bản, Cuba…

Vừa qua, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương và Viện Huyết học, Truyền máu Trung ương phối hợp triển khai lấy máu và chiết tách huyết tương của các bệnh nhân mắc COVID-19 đã khỏi bệnh để đưa vào nghiên cứu, sử dụng cho những ca bệnh nặng, theo đúng như Tổ chức Y tế thế giới (WHO) khuyến cáo.

Đến nay, Việt Nam ghi nhận 251 ca mắc COVID-19 , trong đó, 126 người khỏi bệnh, đủ điều kiện xuất viện theo quy định của Bộ Y tế.

Trong số 125 ca bệnh đang điều trị, ngoài 7 ca nặng, còn lại hầu hết các bệnh nhân đều đang trong tình trạng sức khỏe tốt, ổn định. 

Theo VTC

----------

Xem thêm:

Chủ nhân máy “ATM nhả gạo” nói gì khi có nhóm "nhận gạo chuyên nghiệp", tranh phần của bà con nghèo?

Trung Quốc bất ngờ phong tỏa một thành phố biên giới

Cận cảnh cuộc sống thường nhật của người dân thôn Hạ Lôi (Mê Linh) bị phong tỏa bởi ca bệnh 243

---------