Bàn chân loét nham nhở vì mắc tiểu đường lại còn dùng bộ đá chườm nóng "thần thánh"

Mắc tiểu đường ngót 1/3 cuộc đời, Tết rồi, ông Nguyễn Xuân T (Hà Nam) được người nhà biếu bộ đá chườm nóng để chữa chứng tắc nghẽn động mạch, ai ngờ, dùng xong ông bị bỏng nặng.

Tại khoa Điều trị tích cực, Bệnh viện Nội tiết Trung ương, sau Tết, số bệnh nhân nhập viện trong tình trạng cấp cứu do các biến chứng về đái tháo đường tăng mạnh, nhiều người bị biến chứng về gan thận, nhiễm trùng, đặt biệt hoaị tử chi, phải cắt bỏ.

BS Nguyễn Ngọc Thiện, Phó Trưởng Khoa Chăm sóc bàn chân, Bệnh viện Nội tiết Trung ương cho biết trong những ngày vừa qua, khoa đều tiếp nhận lượng bệnh nhân đông hơn hẳn so với bình thường và cùng kỳ năm trước.

ban-chan-loet-nham-nho-vi-mac-tieu-duong-lai-con-dung-bo-da-chuom-nong-than-thanh

Sau Tết, gia tăng các ca nhập viện do biến chứng bàn chân tăng nặng rất đáng báo động, nguy cơ cắt cụt chi rất cao

Đặc biệt, sự gia tăng các ca nhập viện do biến chứng bàn chân tăng nặng rất đáng báo động, nguy cơ cắt cụt chi rất cao. Nhiều bệnh nhân do tâm lý kiêng khám bệnh trong Tết nên cố gắng giữ ở nhà. Việc ăn uống, thói quen uống – tiêm thuốc bị đảo lộn trong Tết, thời gian nghỉ kéo dài, không kịp thời đến viện để điều trị.

Thêm vào đó các va chạm giao thông cũng xảy ra thường xuyên dễ ảnh hưởng xấu đến các bệnh nhân vốn đang có những biến chứng của đái tháo đường.

Đơn cử, bệnh nhân Nguyễn Văn T (47 tuổi, Thái Bình, mắc tiểu đường 5 năm) phải cắt cụt cẳng chân chỉ vì có vết thương ở bàn chân vì tai nạn xe máy. Trước đó, ông tự điều trị bằng kháng sinh tại nhà nhưng không đỡ, nhập viện trong tình trạng nhiễm khuẩn huyết, bàn cẳng chân trái hoại tử, chảy dịch hôi, sưng nề.

Một bệnh nhân khác là ông Nguyễn Mạnh H (65 tuổi, Sơn La) mắc đái tháo đường mãn tính. Sau khi điều trị tại bệnh viện Phù Yên, Sơn La, tình trạng bệnh ổn định, bệnh nhân về nhà ăn Tết.

Tại nhà, được người thân mách bảo, để chữa chứng tê bì chân tay, ông đã ngâm chân bằng nước lá trầu không. Sau khi ngâm, chân ông xuất hiện tình trạng sưng tấy, loét bàn chân phải, chảy mủ kèm sốt cao 41 độ. Khi vết loét lan rộng, bệnh nhân nhập viện trong tình trạng cấp cứu.

Bệnh nhân Nguyễn Xuân T (82 tuổi, Hà Nam) mắc đái đường 27 năm. Người nhà đã mua cho ông bộ đá chườm nóng với mong muốn ông có thể chữa được chứng tắc nghẽn động mạch. Tuy nhiên, việc mất kiểm soát nhiệt độ do biến chứng của đái tháo đường đã khiến ông bị bỏng nặng. Hiện ông đang điều trị tại bệnh viện Nội tiết Trung ương.

Bệnh viện Nội tiết Trung ương từng tiếp nhận rất nhiều bệnh nhân đái tháo đường bị bỏng loét, thậm chí phải cắt bỏ bàn chân do thói quen ngâm chân nước muối nóng, quấn ủ chườm chân bằng túi thuốc lá rang nóng, đèn đá muối đặt chân...

Các bác sĩ cảnh báo, dù nghỉ lễ hay ngày thường, người bệnh đái tháo đường vẫn cần duy trì thói quen uống thuốc và tập luyện để tình trạng bệnh không tiến triển theo chiều hướng xấu. Đặc biệt, không được sử dụng các bài thuốc gia truyền, truyền miệng chưa được khoa học kiểm chứng ...

Lưu ý, việc chườm nóng, dùng nhiệt điều trị chứng tê bì chân tay ở người đái tháo đường cần hết sức thận trọng và được kiểm soát. Do người mắc tiểu đường thường kiểm soát đường máu không tốt, không cảm nhận được nhiệt độ cao thấp.

Do vậy, chỉ cần một sơ suất nhỏ, một lần không có người thân kiểm soát giúp nhiệt độ là có thể dẫn tới bỏng nặng, ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe. Tốt nhất không nên sử dụng phương pháp dùng nhiệt để trị chứng tê bì này.

Theo GiaDinh