Bán hàng online - môn học có trò nhưng chưa có thầy

Với sự phát triển mạnh của công nghệ thông tin, ngày nay có nhiều nghề dù mới nhưng đang phát triển mạnh mẽ từ thành thị tới nông thôn như làm đẹp, giúp việc gia đình, bán hàng online. Tuy nhiên, những nghề này chưa nằm trong chương trình dạy nghề nông thôn.

Nhiều nghề chưa có trong danh mục

Nhiều năm nay, chị Nguyễn Thị Lan (Hoằng Đồng, Hoằng Hóa, Thanh Hóa) đi làm công nhân ở khu công nghiệp. Nhưng sau đó chị đã xin nghỉ vì bị ép tăng ca tới kiệt sức.

“Công việc quá vất vả, lương thấp không đủ sống nên mình tìm kiếm việc làm khác. Sau một thời gian nghỉ việc, mình tìm hiểu và muốn đi học nghề làm tóc, có điều ở quê ít nơi dạy.

Mình thấy chương trình dạy nghề nông thôn có dạy miễn phí nhưng riêng nghề cắt tóc, gội đầu lại không có trong danh mục nghề được học vì vậy mình phải lên thành phố tự xin đi học” – chị Lan kể.

ban-hang-online-mon-hoc-co-tro-nhung-chua-co-thay

Nhiều nghề mới thu hút đông đảo lao động nông thôn theo học.  Ảnh: Minh Nguyệt

Chị Nguyễn Lan Anh (đội 5, Hoằng Thịnh, Hoằng Hóa, Thanh Hóa) cho biết, từ lâu chị đã tham gia bán quần áo trên mạng. Lúc đầu chỉ bán chơi, cốt lấy quần áo giá rẻ về cho con mặc, nhưng càng càng thấy “say” nghề. Đáng tiếc là tới nay ở quê chưa có lớp dạy nghề nào về nghề này nếu không chị Lan Anh cũng đăng ký theo học.

“Mình thấy, chương trình dạy nghề cho lao động nông thôn toàn lạc hậu, không chạy theo được xu hướng phát triển của xã hội. Ví như mình dù rất muốn học nghề bán hàng online nhưng lại không tìm được lớp dạy” – chị Lan Anh nói.

Dạy nghề nông thôn cần “cập nhật”

Theo ông Đào Văn Tiến – Vụ trưởng Vụ Dạy nghề thường xuyên (Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp – Bộ LĐTBXH), những nghề mới luôn thu hút một lượng đông người trẻ học làm nghề.

Tuy nhiên, không phải ai cũng nắm bắt được cơ hội từ những nghề mới, đặc biệt là tìm kiếm được một nơi để đào tạo nghề uy tín, điều này đặc biệt đúng với lao động từ nông thôn.

“Thực tế, qua khảo sát, chúng tôi cũng thấy có nhiều lao động trẻ ở nông thôn muốn học các nghề mới như chăm sóc sắc đẹp, bán hàng online…

Tuy nhiên, do chương trình dạy nghề cho nông thôn chưa cập nhật hết được xu hướng cũng như thiết kế chương trình, giáo trình nên chưa thể đưa vào danh mục nghề được dạy cho lao động nông thôn” – ông Tiến nói.

Trước đó, trong tháng 9 vừa qua, một nghiên cứu của Nielsen (Tập đoàn đa quốc gia trong lĩnh vực nghiên cứu thị trường) cũng cho thấy, Việt Nam đang có khoảng 23 triệu người thường xuyên mua sắm trực tuyến và đang tăng nhanh nhờ vào sự tăng trưởng của thị trường di động.

Đây chính là thị trường rộng lớn để kênh mua sắm online ngày càng phát triển. Nắm bắt xu hướng này, nghề bán hàng online đang là sự lựa chọn của rất nhiều người không chỉ khu vực thành phố, mà kéo cả về nông thôn.

Ông Phạm Quang Vinh – Hiệu trưởng Trường Trung cấp Kinh tế - Kỹ thuật Bắc Thăng Long cho rằng,  phần đông những người trẻ có nhu cầu học và làm những nghề “hot” như bán hàng online, hay nghề làm đẹp.

Mặc dù vậy, do chưa được đào tạo nên họ thiếu những kỹ năng “mềm” và chưa thực sự chuyên nghiệp trong làm nghề.

Nhận thấy điều này mà nhiều năm qua trường đã bắt đầu phối hợp với các đơn vị làm đẹp tư nhân, có thương hiệu để phối hợp dạy nghề làm đẹp, cũng như mở rộng thêm dạy các nghề như bán hàng online. 

Nguyệt Tạ

Theo Dân Việt