Bàn tay vô hình đã bị vô hiệu hóa?



Năm 2010, khi khủng hoảng kinh tế toàn cầu đã qua được hơn hai năm, cảm nhận được mức nghiêm trọng và khác lạ của sự kiện, các chuyên gia thế giới không trông đợi tình hình sẽ hồi phục bình thường mà chuyển biến sang một trạng thái mới, khác lạ hơn. Họ gọi đó là “New normal”, tức “Bình thường mới”. 

Biến động 2007 ấy tạo ra một cuộc suy thoái mang tầm thế hệ (các chuyên gia dùng thuật ngữ “Generation recession”) và là điểm tới hạn làm thay đổi thái độ sống, thái độ làm việc, thái độ tiêu dùng… và xã hội bước vào một tình trạng khác hẳn.

Giờ đây, đến năm 2014 này, với tình hình chuyển biến khó khăn, vất vả, lạ lẫm…, dường như chúng ta mới cảm nhận rõ quả thật là khác lạ, quả thật là “New normal”. Chưa bao giờ trì trệ kéo dài đến thế: Ở nước Mỹ, kinh tế đã trì trệ suốt sáu năm rồi mà tuần qua Newsweek cho biết tài sản trung bình một gia đình Mỹ trước năm 2007 là 98.000 USD và hết năm 2013 chỉ còn 56.000 USD.

Cũng trong tháng 7-2014, báo Daily Telegraph (Anh) cảnh báo “Kinh tế thế giới hiện dễ vỡ hơn cả hồi năm 2007”.

Thử lướt quanh thế giới từ Ukraine đến Syria, Iraq, mấy “quốc gia – Stan” ở Trung Á, qua Ai Cập, Israel, châu Phi, qua Nam Mỹ về bán đảo Triều Tiên, biển Đông, biển Nhật Bản… rồi nước Mỹ với hiện tượng kỳ lạ: 50.000 trẻ em Nam Mỹ một mình vượt biên giới trái phép vào Hoa Kỳ làm quốc gia này đang điêu đứng đối phó…

Nhưng nếu nhìn kỹ, ta nhận ra một nguyên nhân thật ra không quá lạ: dường như chính cơn sóng thần thông tin khủng khiếp xuất hiện trong thời đại mới đã ập lên nhân loại và góp phần tạo ra “New normal” này.

Máy điện toán kỳ diệu đã bị hỏng

Kinh tế thị trường, mô hình kinh tế cả thế giới chấp nhận sau thất bại của kinh tế kế hoạch, có một công cụ ưu việt là thị trường. Nó được gọi là bàn tay vô hình thần diệu tự động điều tiết hoạt động kinh tế.

Đó như thể một cỗ máy xử lý thông tin: người cần mua đưa nhu cầu và giá mua vào, người cần bán đưa ra giá bán, “máy tính thị trường” sẽ xử lý so sánh, cân đong cung – cầu để đưa ra giá hợp lý cho cuộc mua bán một cách trung thực, lạnh lùng và thông qua đó người ta quan sát để biết cái gì thừa, cái gì thiếu mà đầu tư thêm hay rút bớt lại.

Nhưng sự thật của cuộc khủng hoảng vừa qua cho thấy cỗ máy xử lý thông tin ấy đã gần như “treo” hoàn toàn trước lượng thông tin khổng lồ của thời đại. Tại Mỹ hay Việt Nam cũng thế, “máy tính thị trường” ấy cứ liên tục báo giá cả nhà đất tăng vùn vụt như thể có bao nhiêu nhà cũng vẫn bán được, như thể cả thế giới đều có tiền và đang đổ xô mua nhà, cứ đầu tư mua nhà để đó vài năm là lời gấp đôi.

Và kết quả là đổ vỡ. Cũng nó cho giá chứng khoán bốc lên đến tận trời như thể sản xuất mạnh lắm, nhu cầu cao lắm, hãng xưởng hiện đại lắm…., cuối cùng mới vỡ lẽ vì tiền quá rẻ được bơm ra và vay mua chứng khoán kiểu gì cũng lãi, đó là chưa kể các trò gian dối từ bên trong…

Bộ máy thần diệu nhất của nền kinh tế thị trường ấy đã hỏng hóc hoàn toàn vì xử lý không xuể lượng thông tin hay chỉ nạp vào toàn thông tin giả? Hay toàn bộ hệ thống của “kinh tế thị trường” đã bị lỗi nặng?… Ta không biết, chỉ biết rằng trừ khi thế hệ vừa chứng kiến cuộc khủng hoảng này bị “mất trí nhớ” cấp tính, còn thì người ta khó tham gia trò chơi theo kiểu cũ như vậy được nữa.

Trong tác phẩm “Làm thế nào mà thị trường thất bại: Logic của những thảm họa kinh tế” (How markets fail: The logic of economic calamities), tác giả John Cassidy đã chỉ rõ:

“…Quan niệm bàn tay vô hình điều tiết cả thị trường thường được phát biểu bằng công thức: quyền lợi và cạnh tranh bình đẳng là thiên đàng. Phương trình ưu việt này thật ra đã bỏ sót các điều kiện gây lỗi cho thị trường: các công ty đa quốc gia quyền lực, các thị trường trái phiếu phái sinh phức tạp, các ngân hàng toàn cầu, các quỹ đầu tư, sự không công bằng trong thông tin, sự thiếu chắc chắn, hành xử theo bầy đàn của nhà đầu tư…”.

Tất cả làm ý niệm rất hay về thị trường rơi vào khủng hoảng.

Do đó, phải chăng các nhà điều hành kinh tế cần cẩn thận, đừng học vội các kỹ thuật điều hành kinh tế của “Old normal” để áp dụng vào “New normal” này nữa.

Chiến tranh, từ “Thiên sử truyền hình” đến “Thiên sử internet”

Việt Nam, thiên sử truyền hình, bộ phim nổi tiếng chỉ ra đặc tính của cuộc chiến Việt Nam trong xã hội Mỹ: lần đầu tiên chiến tranh chết chóc được truyền hình trực tiếp và xuất hiện hằng đêm trên màn ảnh truyền hình của các gia đình Mỹ đã thúc đẩy phong trào phản chiến tại đây và đưa nước Mỹ vào thất bại. Ta thấy thông tin quy mô cũ ấy tác động lớn đến mức nào. Nhưng so với quy mô thông tin hiện nay thì chuyện này chả thấm tháp gì.

Trong việc thay đổi bản chất của chiến tranh thế kỷ 21, ta lại được dịp thấy khiếp sợ hơn loại vũ khí thông tin này. Cuộc chiến ở Syria diễn ra từ năm 2012 là một thể loại chiến tranh kép: một cuộc tương tàn thật trên chiến địa và một mặt trận khác song song trên những đoạn phim được đưa lên mạng. Phe nổi dậy Syria liên tục đưa ra những thước phim tố cáo quân chính phủ tàn sát, ném bom bi bừa bãi giết trẻ em, rồi đến đỉnh điểm là vũ khí hóa học…

Theo dõi kỹ, ta nhận ra các thành phần thân phe nổi dậy, hầu hết là thế hệ trẻ Hồi giáo lớn lên ở phương Tây quay về tham gia nội chiến, không giấu giếm khi nói rõ họ mang vũ khí là máy quay phim, laptop, thiết bị truyền tin viễn thông… vào Syria để đưa hình ảnh thật của cuộc chiến ra dư luận toàn cầu.

Sự thật đó thật đến bao nhiêu chưa rõ, nhưng các đài truyền hình uy tín khi dùng lại các thước phim đó luôn nói rõ: “Đây là những đoạn phim chưa được kiểm chứng!”. Các nhà đài này biết quá rõ bản chất kép về thông tin của chiến tranh đương đại và họ biết kỹ xảo điện ảnh có thể sáng tạo ra cảnh chết chóc ghê gớm thế nào!

Tính kỳ lạ giữa giết chóc và thông tin thể hiện cao độ trong cuộc ném bom trả đũa của Israel vào dải Gaza hiện đang diễn ra sau khi ba thiếu niên Do Thái bị bắt cóc và giết hại: 5 phút trước khi phóng hỏa tiễn phá hủy một tòa nhà thì dân thường ở gần đó nhận được điện thoại di động báo rời khu nhà ngay và hầu hết không chạy kịp.

Người Israel biết đối phương trà trộn trong tòa nhà, biết hết số điện thoại của hàng xóm và chỉ cho năm phút như một thủ tục thông báo để kẻ thù không thoát được mà vẫn tránh được tiếng giết hại thường dân. Nhờ thông tin do thám, thông tin vệ tinh nghe lén, thông tin thâu lượm trực tiếp của từng cá nhân… cuộc chiến thông minh có thể làm một cuộc tập kích chính xác và vẫn được tiếng nhân đạo đến thế.

Cỗ máy “sense-data” bị ngập chìm trong Big data

Nhà triết học của thế kỷ 20 Bertrand Russell đã phát hiện “tính khát thông tin” trong bản chất con người và đưa ra khái niệm “sense-data” (nhạy cảm với thông tin và cấu thành bởi thông tin) cho thấy con người là một “cỗ máy sense-data”, nó khát khao thông tin và cần thông tin để tồn tại.

Khi cuộc chiến Syria đang được công luận quan tâm thì đùng một cái xảy ra vụ mất tích kỳ lạ của máy bay Malaysia MH370. Cuộc tìm kiếm chiếc máy bay này kéo dài gần hai tháng khiến người ta quên mất cuộc chiến Syria. Rồi trong lúc Kuala Lumpur đang bị báo chí tập trung cật vấn thì xảy ra vụ chìm phà Sewol với hơn 300 học sinh chết oan uổng. Người ta bắt đầu quên MH370.

Vụ Sewol sau một tháng gây khó cho Tổng thống Park Geun Hye thì nổ ra đụng độ lớn ở miền đông Ukraine, rồi mới nhất là thảm họa máy bay MH17 và cứ thế thông tin sau nhấn chìm thông tin trước…

Bản chất đã thế, lại đụng ngay cái “big bang” về thông tin gọi là Big Data (sự bùng nổ thông tin cực lớn trên toàn thế giới) làm câu chuyện thêm rối rắm. Big Data cũng là một “hiện thực mới” vì theo nghiên cứu của IBM, đến 90% thông tin của nhân loại hiện nay chỉ mới được tạo ra từ năm 2011, có nghĩa là thông tin lưu trữ của cả ngàn năm trước dưới dạng sách cổ, sách báo, hình ảnh, phim, nhạc… chỉ chiếm có 10%.

Chỉ trong vài năm, con người tạo ra thông tin nhiều gấp chín lần 2.000 năm trước đó. Nguyên nhân xuất phát từ cuộc bùng nổ thông tin do các phương tiện di động, mạng xã hội và lưu trữ thoải mái trên các đám mây điện toán mới ra đời từ đầu những năm 2010.

Cứ nghĩ xem, mỗi ngày một thiếu niên có thể tạo ra và “bung” vào thế giới bao nhiêu thông tin: nào là trò chuyện trên Facebook, đưa lên đó hình món kem mình mới chụp trong quán, cầu thủ bóng đá mình thích, đoạn clip mình quay về con mèo…, cứ thế nhân lên cho mấy tỉ người đang nối mạng và trên tay lăm lăm smartphone, iPad, camera, Google glass…

Cũng theo IBM, mỗi ngày hiện nay trên toàn cầu có đến 2,5 tỉ gigabytes (GB) dữ liệu được tạo ra (đừng quên một cuốn sách dày 300 trang thì dung lượng chứa chỉ trên dưới 1 Mb). Và 75% trong số đó là những thông tin chưa được tổ chức sắp xếp, hệ thống lại đến từ các text, voice, video… Và với tốc độ sử dụng thiết bị di động tăng từ 61% dân số toàn cầu năm 2013, đến 70% vào năm 2017, dung lượng này còn tăng hơn nữa.

Như vậy, dường như chính là cơn sóng thần thông tin mang tên “Big Data” vừa xuất hiện gần đây đang tạo ra nhiều hiện thực mới khác thường, và chúng ta cần phải học về nó càng sớm càng tốt.

Thế giới đối mặt với nhiều hiểm họa: chiến tranh, đổ vỡ kinh tế, Trái đất ấm lên, nạn thiếu nước… nhưng đừng quên hiểm họa khó lường mang tên “ô nhiễm thông tin” từ các “bụi phóng xạ data” đang phát tán khắp nơi.

Theo Lưu Vĩ Lân – TTCT