Bảo quản thực phẩm bằng tủ lạnh - Những lưu ý không nên bỏ qua

Làm lạnh được xem là cách bảo quản thực phẩm hiệu quả, giúp làm chậm sự phát triển của vi khuẩn nguy hiểm. Tuy nhiên, nhiều người vẫn chưa biết cách bảo quản đúng cách. Dưới đây là một số thông tin bạn không nên bỏ qua.

Tủ lạnh là một trong những dụng cụ nhà bếp giúp bảo quản thực phẩm hiệu quả và phổ biến nhất hiện nay. Thực tế ở nhiệt độ phòng, số lượng vi khuẩn gây bệnh do thực phẩm có thể tăng gấp đôi sau 20 phút. Bởi vậy, làm lạnh thực phẩm ở nhiệt độ thích hợp là một trong những cách tốt nhất để làm chậm sự phát triển của các vi khuẩn này.

Để đảm bảo thực phẩm được bảo quản tốt, cần đặt tủ lạnh ở nhiệt độ 4°C hoặc thấp hơn; tủ đông phải ở -18°C. Tuy nhiên, có rất ít tủ lạnh hiện hiển thị nhiệt độ thực tế. Để theo dõi nhiệt độ và điều chỉnh cài đặt của tủ lạnh và tủ đông nên sử dụng thêm nhiệt kế để kiểm tra.

Bảo quản thực phẩm bằng tủ lạnh - Những lưu ý không nên bỏ qua

  Bảo quản thực phẩm bằng tủ lạnh giúp làm chậm sự phát triển của vi khuẩn.

Ngoài việc giữ nhiệt độ trong tủ lạnh ở 4°C, bạn có thể thực hiện các bước bổ sung để đảm bảo thực phẩm làm lạnh của bạn luôn an toàn nhất có thể gồm:

- Tránh "quá tải", không để quá nhiều thực phẩm trong tủ lạnh. Không khí lạnh phải lưu thông quanh các thực phẩm mới giúp bảo quản hiệu quả.

- Làm sạch nước chảy ra từ thịt sống trong tủ. Việc này giúp giảm sự phát triển của vi khuẩn Listeria (có thể phát triển ở nhiệt độ lạnh), đồng thời  ngăn chặn "nhiễm chéo", khi vi khuẩn từ loại thực phẩm này lây lan sang thức ăn khác.

- Bảo quản thực phẩm đông lạnh trong các thùng chứa có nắp đậy hoặc túi bảo quản kín và kiểm tra thức ăn dư thừa hàng ngày để tránh hư hỏng.

- Kiểm tra ngày hết hạn trên thực phẩm. Nếu thực phẩm đã qua ngày "sử dụng", hãy bỏ chúng.

- Làm sạch tủ lạnh thường xuyên nhằm đảm bảo tủ luôn được vệ sinh sạch sẽ.

Cần cất thức ăn thừa vào tủ lạnh một cách nhanh chóng. Thực phẩm chỉ cần 2 giờ ở nhiệt độ phòng cũng có thể khiến vi khuẩn sinh sôi nhanh chóng từ đó làm gia tăng nguy cơ mắc các bệnh do thực phẩm gây ra. Nhất là các loại thực phẩm như thịt sống, thịt gia cầm, hải sản, trứng... Tất cả các sản phẩm này không được để trong nhiệt độ phòng quá 2 giờ.

Với các loại thức ăn thừa cần bảo quản lạnh trong vòng 2 giờ để ở nhiệt độ phòng. Tuy nhiên, cất thức ăn nóng vào tủ lạnh sẽ gây hại cho tủ. Do vậy nên chia thức ăn thừa thành các phần nhỏ nhằm giúp thức ăn nguội nhanh hơn và từ đó bạn có thể cất chúng vào tủ lạnh mà không gây hại cho tủ.

Theo VietQ