Bé ăn tóc và những khối u tóc khổng lồ nhất định phải phẫu thuật ngay kẻo nguy hiểm tới tính mạng

Những khối u tóc kinh hoàng trong bụng các bé gái khiến các bác sĩ phải cảnh báo về hội chứng ăn tóc khiến các bé phải phẫu thuật khi còn bé tí.

Kinh hoàng bé ăn tóc và những khối u tóc khổng lồ

Các bác sĩ Khoa Ngoại Tổng hợp (BV Nhi TƯ) vừa phẫu thuật lấy ra khỏi cơ thể bé gái M.Q.T (Hà Nội, 11 tuổi) khối u tóc khổng lồ hôm 16/4/2020.

Bé M.Q.T hay bứt tóc cho vào miệng từ lúc 2 tuổi, gần đây bé đau bụng nôn ra dịch vàng, dịch máu gia đình mới đưa bé đến bệnh viện, trong tình trạng không nôn, không sốt, không có vàng da, nhưng thể trạng gầy (nặng có 30kg). Kiểm tra vùng bụng thấy mềm, nhưng chướng vùng thượng vị, sờ thấy khối cứng…

be-an-toc-va-nhung-khoi-u-toc-khong-lo-nhat-dinh-phai-phau-thuat-ngay-keo-nguy-hiem-toi-tinh-mang

Khối u tóc được lấy ra từ bụng bé gái M.Q.T.Ảnh: BV Nhi TƯ.

Theo TS. BS Trần Anh Quỳnh (Phó trưởng khoa Ngoại trực tiếp phẫu thuật bệnh nhi), khi siêu âm ổ bụng mới thấy khối bã thức ăn lớn trong dạ dày bệnh nhi, bác sĩ chỉ định nội soi dạ dày thì phát hiện khối u tóc lớn nên phải phẫu thuật dạ dày. Sau 1 tiếng, bác sĩ mới lấy ra được khối u tóc kích thước 20x10x8cm.

BV Nhi Đồng 1 cũng từng điều trị cho bé P. T. T (SN 2011, ở Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai). Bé vào viện vì đau bụng, ăn ít, nếu ăn nhiều thì nôn... 6 tuổi bé chỉ nặng 13 ký. Kết quả siêu âm thấy khối u tóc "ăn" phần lớn dạ dày và lan xuống ruột non của bé.

be-an-toc-va-nhung-khoi-u-toc-khong-lo-nhat-dinh-phai-phau-thuat-ngay-keo-nguy-hiem-toi-tinh-mang

Cuộn tóc lấy ra từ bụng bé P. T. T. Ảnh:BV Nhi đồng 1.

Bác sĩ kết luận bé bị bệnh Rapunjel trường hợp hiếm gặp, nhưng không ngờ lượng tóc trong dạ dày bé khi phẫu thuật mở dạ dày lấy ra lớn tới 40cm, đường kính nơi lớn nhất là 12 cm - chiếm hầu hết dạ dày khiến bé ăn nhiều một tí là bị nôn ói. 

Các bác sĩ BV Nhi Đồng 2 cũng từng phẫu thuật lấy ra cuộn tóc gần 1kg trong dạ dày bệnh nhi 6 tuổi N.P.A.T (Long An), trong tình trạng bụng chướng căng, đau dữ dội từng cơn. Bác sĩ chẩn đoán hình ảnh thấy trong dạ dày bé có búi tóc lớn và đã phẫu thuật lấy ra cuộn tóc nặng gần 1kg, làm tắc nghẽn đường thức ăn từ dạ dày xuống ruột, may là chưa hoại tử, thủng ruột.

be-an-toc-va-nhung-khoi-u-toc-khong-lo-nhat-dinh-phai-phau-thuat-ngay-keo-nguy-hiem-toi-tinh-mang

Một ca mổ lấy cuộn tóc từ bụng bệnh nhi ra. Ảnh minh họa.

Ăn tóc là sang chấn tâm lý

Các tài liệu y khoa đã nói về vấn đề sang chấn tâm lý liên quan đến hội chứng ăn tóc từ năm 1968, đã đặt tên bệnh này là Rapunzel, bệnh hay gặp ở nữ.

Thống kê thế giới thấy hội chứng ăn tóc được phát hiện nhiều ở trẻ dưới 6 tuổi, và có đến 50% bố mẹ không biết bé có thói quen ăn tóc, bởi bệnh hiếm gặp và chủ quan cho là trẻ hiếu động. Tới khi bé đau bụng, nôn ói người lớn mới đưa đi khám và phát hiện ra. 

Triệu chứng 85 - 95% bệnh nhi đau bụng, giảm cân, táo bón, tiêu chảy, nôn... Tóc lâu ngày kết thành cuộn/búi trong dạ dày, kéo dài qua tá tràng xuống ruột non. 

Một số ca thủng ruột dẫn đến nhiễm trùng ổ bụng hoặc máu, tử vong (4%). Nguyên nhân hầu hết do trẻ bị khiếm khuyết về trí tuệ, rối loạn tâm thần (trầm cảm, rối loạn lo âu...) có liên quan đến các rối loạn tâm thần và tình cảm khác. Chứng bệnh này hiện chưa điều trị được triệt để, và điều trị tâm lý được xem là giải pháp quan trọng nhất.

Theo TS bác sĩ Phạm Duy Hiền (Phó Giám đốc BV Nhi TW, Trưởng khoa Ngoại tổng hợp), khối u tóc nếu không được lấy ra khỏi cơ thể bệnh nhi sẽ dẫn đến các biến chứng khác bao gồm loét dạ dày, vàng da tắc mật, viêm tụy cấp. Ngoài ra, bệnh nhi còn gặp các biến chứng liên quan đến kém hấp thu bao gồm mất protein, thiếu sắt và thiếu máu…

Việc siêu âm cũng như phẫu thuật lấy búi tóc trong dạ dày bệnh nhi không quá khó, nhưng quan trọng là phải điều trị tâm lý để bé từ bỏ thói quen ăn tóc. Vì vậy sau khi phẫu thuật lấy u tóc trong dạ dày, gia đình cần quan tâm nhiều hơn cho các bé, cố gắng gần gũi với con hơn nữa để giúp con bỏ thói quen xấu. Nếu không khắc phục được dứt điểm, nguy cơ tái phát sẽ rất cao. 

Cha mẹ có thể giúp con từ bỏ hẳn thói quen ăn tóc như sau:

- Tật ăn tóc hay xuất hiện khi bé nghỉ giải lao ở lớp, lúc xem tivi, sắp ngủ... bố mẹ để ý sẽ phát hiện hành vi này.

- Quan tâm tới bé nhiều hơn, gần gũi, trò chuyện giúp bé vui chơi để quên và bỏ hẳn thói quen ăn tóc.

- Đặt những đồ vật không phải thức ăn mà bé muốn ăn vào trong tủ có khóa, hoặc để ngoài tầm với của trẻ.

- Tránh phạt trẻ khi trẻ muốn ăn những đồ vật không phải thức ăn.

- Cha mẹ dành thời gian chơi với con nhiều hơn, cho con tham gia các hoạt động tập thể, vui chơi, âm nhạc, nghệ thuật... để bé không cảm thấy bị bỏ bê - cũng là một trong những nguyên nhân gây ra hội chứng này.

- Khi thấy con biếng ăn, đau bụng từng cơn, nôn ói, cần nghi ngờ bé đã ăn tóc, cần đưa đến viện sớm.

Theo GiaDinh