Bệnh nhân được bảo hiểm y tế chi trả số tiền "khủng" nhất lên tới 38,3 tỉ đồng

Đây là bệnh nhân đã được điều trị ở bệnh viện Chợ Rẫy trong 11 năm qua, trải qua 26 lần phẫu thuật và được BHYT chi trả hơn 38,3 tỷ đồng.

benh-nhan-duoc-bao-hiem-y-te-chi-tra-so-tien-khung-nhat-len-toi-38-3-ti-dong

Bệnh viện Chợ Rẫy tổ chức chia sẻ ca bệnh đặc biệt vào chiều nay (13/4). Ảnh: Kim Vân

Chiều 13/4, Bệnh viện Chợ Rẫy thông tin về ca bệnh đặc biệt đầu tiên ở Việt Nam. Đó là trường hợp bệnh nhân Phan Hữu Nghiêm (sinh năm 1984, ngụ ở huyện Vũng Liêm, tỉnh Vĩnh Long).

Anh Nghiêm mắc bệnh chảy máu di truyền (Hemophilia) từ khi sinh ra và đã trải qua 26 cuộc phẫu thuật lớn nhỏ. 

TS.BS Trần Thanh Tùng - Trưởng khoa Huyết học, Bệnh viện Chợ Rẫy cho hay, bệnh nhân Phan Hữu Nghiêm nhập viện vào tháng 1/2010 với vết thương nhiễm trùng hoại tử hông, đùi, bụng phải. Các bác sĩ đã phải tiến hành hội chẩn liên khoa trong bệnh viện đến hơn 10 lần, tính mạng của Nghiêm thường xuyên bị đe dọa. 

benh-nhan-duoc-bao-hiem-y-te-chi-tra-so-tien-khung-nhat-len-toi-38-3-ti-dong

TS.BS Ngô Đức Hiệp - Trưởng khoa Phỏng và Phẫu thuật tạo hình Bệnh viện Chợ Rẫy chúc mừng anh Nghiêm lành bệnh. Ảnh: Kim Vân

TS.BS Ngô Đức Hiệp - Trưởng khoa Phỏng và Phẫu thuật tạo hình - Bệnh viện Chợ Rẫy - đơn vị phối hợp điều trị ca bệnh đặc biệt này cho hay, lần đầu tiên ông gặp và tiếp xúc với bệnh nhân Nghiêm là vào năm 2014. Mặc dù thường xuyên tiếp xúc với các ca bệnh nặng, đến Nghiêm, ông vẫn rất sốc. Nghiêm nhập viện với khối u như tổ ong, sốt do nhiễm trùng, khối u có mùi hôi thối, các phẫu thuật viên bệnh viện ban đầu không dám phẫu thuật vì máu bệnh nhân chảy liên tục, không cầm được. 

Tuy nhiên, các bác sĩ đã quyết định mổ khẩn cấp khối máu tụ trong bụng của Nghiêm. 

Tháng 5/2014, cuộc mổ đầu tiên diễn ra. Sau 3 giờ, các bác sĩ đã lấy ra được 2,5kg máu tụ, mô mủn nát, để lại một "hố" sâu, rộng ngay bên hông bệnh nhân. 

Từ đó đến nay, 7 năm trôi qua, Nghiêm sống hoàn toàn trong bệnh viện. Anh đã trải qua 26 cuộc phẫu thuật, hơn chục lần hội chẩn và hàng chục lần bị nhiễm khuẩn huyết mới giành lại được sự sống.

Tính đến thời điểm hiện tại, bệnh nhân Phan Hữu Nghiêm được điều trị lành bệnh và xuất viện có thể nói là ca bệnh Hemophilia nặng nhất đầu tiên của Việt Nam được điều trị thành công. Đây cũng là ca bệnh được quỹ bảo hiểm xã hội chi trả số tiền lớn nhất từ trước đến nay với số tiền lên tới 38,3 tỷ đồng (tổng chi phí là 40,8 tỷ đồng).

"Qua trường hợp này cho thấy Bệnh viện Chợ Rẫy là nơi chăm lo rất tốt đời sống cho người bệnh. Nó cũng cho thấy chính sách Bảo hiểm Xã hội của Việt Nam tuyệt vời như thế nào. Một bệnh nhân, không phải tốn nhiều tiền cho bảo hiểm lại có thể hưởng tổng chi phí chữa bệnh lên đến vài chục tỷ đồng", BS CKII Phạm Thanh Việt - Trưởng phòng Kế hoạch tổng hợp, Bệnh viện Chợ Rẫy cho hay.

Theo TS.BS Trần Thanh Tùng, anh mừng nhất là các bác sĩ đã giải quyết lành vết thương cho Nghiêm, hiện tại Nghiêm không còn bị chảy máu. Nhưng Nghiêm bị Hemophilia thể nặng, vẫn có nguy cơ chảy máu do chấn thương nhẹ, đi đứng không khéo... Ngoải ra, bệnh Hemophilia không thể chữa dứt điểm, do đó cuộc sống sau này Nghiêm vẫn phải duy trì điều trị thuốc yếu tố VIII.

Chia sẻ về việc Bảo hiểm Xã hội TP.HCM chi trả số tiền "khủng" lên tới 38,3 tỷ đồng cho một bệnh nhân, bà Đỗ Thu Hà - Trưởng phòng Giám định BHYT 1, Bảo hiểm Xã hội TP.HCM cho biết trong tình huống này, BHXH không thể không chi trả, mặc dù chi trả quá nhiều tiền.

"Đối với những bệnh nhân bị bệnh nặng như trường hợp Nghiêm, chúng tôi không thể tính theo định mức nào hết. Với bệnh nhân ung thư, những bệnh nhân máu như thế này, đương nhiên vẫn phải thanh toán theo chi phí của ngành y tế, có nghĩa là theo phí dịch vụ, như vậy là đảm bảo được quyền lợi cho bệnh nhân, trong phạm vi luật cho phép", bà Hà nói.

benh-nhan-duoc-bao-hiem-y-te-chi-tra-so-tien-khung-nhat-len-toi-38-3-ti-dong

Theo bà Đỗ Thu Hà - Trưởng phòng Giám định BHYT 1, Bảo hiểm Xã hội TP.HCM thì với trường hợp bệnh nhân nặng như anh Nghiêm, đương nhiên BHXH vẫn phải thanh toán theo chi phí của ngành y tế.

Cũng theo bà Đỗ Thu Hà, trước đó BHXH TP.HCM đã nhiều lần chi trả BHYT cho người dân lên đến hàng tỷ đồng. Trong số đó có bệnh nhân Danh Văn (30 tuổi, ngụ huyện Gò Quao, Kiên Giang), cũng mắc bệnh thiếu máu di truyền - Hemophilia, được chi trả lên tới 10 tỷ đồng.

Theo TS Nguyễn Thị Mai - Giám đốc Trung tâm Hemophilia, Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương thì Hemophilia là một bệnh chảy máu di truyền gây ra do giảm hoặc bất thường chức năng yếu tố VIII (Hemophilia A) hoặc yếu tố IX (Hemophilia B).

Bệnh Hemophilia gặp ở khắp nơi trên thế giới với tỉ lệ 1/10.000 trẻ trai mới sinh.

Tại Việt Nam, ước tính có trên 6.000 người bệnh. Gen quy định tổng hợp yếu tố VIII và IX nằm trên nhiễm sắc thể giới tính X, di truyền lặn vì vậy đa số người bệnh là nam giới, còn nữ giới là người mang gen bệnh.

Đặc điểm nổi bật của bệnh là chảy máu khó cầm ở bất kì vị trí nào trên cơ thể nhưng hay gặp nhất là chảy máu khớp, cơ. Chảy máu cơ khớp tái phát nhiều lần dẫn tới biến dạng khớp, teo cơ, tàn tật, thậm chí tử vong.

Máu không chỉ chảy do chấn thương mà ở trường hợp nặng có thể tự chảy. Trung bình người bệnh mức độ nặng bị chảy máu 40 lần/năm và có những trường hợp bị nặng thì chi phí cho một lần điều trị là 1 - 2 tỷ đồng.

Hiện nay, người bị bệnh Hemophilia hoàn toàn có thể lập gia đình, sinh con. Tuy nhiên, trước khi tiến tới hôn nhân, cần phải đến một cơ sở chuyên khoa về bệnh này để được tư vấn trước hôn nhân, xét nghiệm chẩn đoán toàn thể, mức độ bệnh và có thể được tư vấn trước sinh để có thể sinh ra được con khỏe mạnh và triệt tiêu được gen bệnh đang tồn tại.

Theo GiaDinh