Bí ẩn những xương người trồi lên khi băng tan trên dãy Himalaya



Hàng trăm mảnh xương cổ đại được phát hiện dưới lớp băng tuyết trên Himalaya mỗi năm. Một nghiên cứu mới về gen giúp lý giải những bộ xương bằng cách nào lại nằm trên dãy núi.

Hồ Roopkund nằm trên dãy núi Himalaya, tại địa phận của Ấn Độ, ở độ cao hơn 5.000 m so với mặt nước biển. Hồ có chiều rộng gần 40 m, đóng băng gần như suốt năm giữa một thung lũng tuyết hẻo lánh.

Vẻ yên bình trở nên ma quái khi thời tiết ấm lên vào mùa hè. Hàng trăm mảnh xương người, đôi khi còn dính cả thịt thối rữa, trồi lên mặt nước khi lớp băng bề mặt tan chảy. Roopkund vì vậy còn được gọi là "Hồ Xương người". Những người này là ai và điều gì đã xảy đến với họ?

Những thi thể đến từ đâu? 

Giả thuyết phổ biến nhất trong thời gian qua là những người ở Roopkund đã chết đồng loạt trong một thảm kịch xảy ra hơn 1.000 năm trước.

Trong một nghiên cứu nhân chủng học thực hiện vài năm trước nhưng chưa được công bố, các nhà khoa học đã xác định niên đại của 5 bộ xương vào khoảng 1.200 năm tuổi.

Tuy nhiên, một phân tích mới về gen của các nhà khoa học Ấn Độ, Mỹ và Đức đã chấm dứt giả thuyết trên. Nghiên cứu trên 38 bộ xương tại hồ Roopkund cho thấy những thi thể không được bỏ lại hồ đồng loạt. Quá trình này diễn ra ngắt quãng, trải dài trong cả thiên niên kỷ.

bi-an-nhung-xuong-nguoi-troi-len-khi-bang-tan-tren-day-himalaya
 
Hồ Roopkund, nằm trên dãy Himalaya trong địa phận Ấn Độ, đóng băng gần như quanh năm. Ảnh: Atish Waghwase.

Báo cáo được công bố ngày 20/8 trên tạp chí khoa học Nature Communications. Theo nhà nghiên cứu gen và nhân chủng học Jennifer Raff, ĐH Kansas, báo cáo đã mở ra "một góc nhìn phong phú hơn cho khả năng lịch sử của địa điểm này" so với các nỗ lực lý giải trước đây.

Các nhà nhân chủng học đã biết đến hồ Roopkund hàng chục năm trước, nhưng nguồn gốc của những bộ xương tại đây vẫn luôn là một ẩn số. Nỗ lực lý giải bí ẩn càng gặp nhiều khó khăn khi điểm khai quật đã trải qua nhiều biến cố, từ những vụ sạt lở, thay đổi của băng tuyết, đến sự tác động của con người.

Việc xác định thời điểm và bằng cách nào những thi thể được đưa đến Roopkund là thách thức lớn cho các nhà khoa học. Giải mã họ là ai lại càng thêm khó.

"Trong trường hợp này, việc nghiên cứu là bất khả thi", Cat Jarman, nhà nhân chủng sinh học tại ĐH Bristol, Anh, nhận định.

Những cái chết trải dài nhiều thế kỷ

Nghiên cứu về gen giúp gỡ rối phần nào bí ẩn những bộ xương người trong hồ Roopkund. Nhóm nghiên cứu dẫn đầu bởi Niraj Rai, chuyên gia ADN cổ đại tại Viện Birbal Sahni về Cổ địa lý học ở Ấn Độ, và David Reich, chuyên gia về gen tại ĐH Harvard.

Các nhà khoa học đã trích xuất ADN từ những di vật của hàng chục bộ xương. Họ xác định được 23 cá thể nam và 15 cá thể nữ trong số mẫu thu thập.

Dựa trên dân số đang sống, những cá thể này được phân loại thành 3 nhóm gen khác nhau. Họ xác định được 23 người, cả nam và nữ, có nguồn gốc giống người Nam Á đương đại. Thi thể của họ được bỏ lại từ thế kỷ thứ 7 đến thế kỷ thứ 10, không xuất hiện tại hồ cùng lúc mà ngắt quãng.

Một số bộ xương có niên đại còn cổ hơn. Điều này cho thấy các bộ xương được đưa đến đây cách nhau nhiều thế hệ.

bi-an-nhung-xuong-nguoi-troi-len-khi-bang-tan-tren-day-himalaya
 
Những mảnh xương người được tìm thấy trên hồ Roopkund vẫn là bí ẩn lớn với giới khoa học khảo cổ. Ảnh: Hindbrain Sinha Roy.

Khoảng 1.000 năm trước, từ thế kỷ 17 đến thế kỷ 20, thêm 2 nhóm gen bất ngờ xuất hiện tại hồ Roopkund. Các nhà khoa học xác định được 1 bộ xương có chung tổ tiên với người Đông Á đương đại.

Điều kỳ lạ là có đến 14 thi thể có nguồn gốc Đông Địa Trung Hải. Lý do để những người này kết thúc cuộc đời dưới hồ nước cách mặt nước biển hơn 5.000 m, trên dãy núi Himalaya lạnh lẽo, vẫn là một bí ẩn chưa có lời giải.

Các nhà khoa học vẫn chưa tìm thấy văn tự cổ nào có ghi chép hành trình của bất kỳ ai có thể liên quan đến hồ Roopkund, đặt trường hợp hành trình của những người được an táng tại hồ đã được lưu lại.

"Chúng tôi đã tìm kiếm mọi kho lưu trữ, không có ghi chép nào được tìm thấy", tiến sĩ Rai cho biết.

Lời giải mới, thêm nhiều bí ẩn mới

Không có bằng chứng nào cho thấy vi khuẩn nhiễm trùng, vậy nên nguyên nhân dẫn đến những xác chết ở hồ Roopkund khó có thể là một đại dịch cổ xưa. Có lẽ những người này đã bỏ cuộc và tử vong trên hành trình vượt dãy Himalaya vì môi trường vùng núi quá khắc nghiệt.

Trong khảo sát trước đó với 5 thi thể ở Roopkund, các nhà khoa học tìm thấy vết nứt xương do ngoại lực tác động và chưa lành ở 3 thi thể. Có thể những vết thương này là do sạt lở đất đá. Tuy nhiên, đó cũng chỉ là phỏng đoán.

"Thật khó tin nếu mọi người tại đây đều qua đời vì cùng một lý do", Éadaoin Harney, nghiên cứu sinh tiến sĩ tại Harvard, lưu ý rằng hiện tượng thi thể xuất hiện ở hồ Roopkund kéo dài hàng thế kỷ.

Những thi thể được phát hiện có cả người lớn và trẻ em, nhưng không ai có quan hệ ruột thịt. Chỉ dấu hóa học trên hài cốt cho thấy những người này có chế độ ăn khác nhau rõ rệt. Điều này càng chứng tỏ những thi thể ở Roopkund đến từ những nhóm dân số rất khác nhau.

Hồ Roopkund nằm trên một tuyến đường mòn nổi tiếng với người hành hương đạo Hindu đương đại. Điều này khiến nhiều nhà khoa học suy đoán 23 người gốc Nam Á là người thiệt mạng trên đường hành hương. Tuy nhiên, giả thuyết này cũng không lý giải được sự xuất hiện của người gốc Đông Á và Đông Địa Trung Hải.

bi-an-nhung-xuong-nguoi-troi-len-khi-bang-tan-tren-day-himalaya
 
Hồ Roopkund nằm trên lộ trình hành hương Nanda Devi Raj Jat của người Hindu vùng Uttarakhand ở Ấn Độ. Ảnh: Nature.

Tiến sĩ Jarman cũng đưa ra giả thuyết 14 thi thể có nguồn gốc Đông Địa Trung Hải thật ra không lặn lội từ tận Địa Trung Hải lên dãy Himalaya. Dù phân tích gen cho thấy họ có chung tổ tiên với người Hy Lạp đương đại, những nhóm dân cư hiện nay có thể khác với thành phần dân số của khu vực vào thời cổ xưa.

Điểm chung của những người được an táng tại hồ Roopkund là họ phải đến từ một nơi rất xa dãy Himalaya. Họ đi đến hoặc được đưa đến nơi này, nhưng lý do vì sao thì chưa ai tìm ra lời giải.

Theo Jarman, có thể hồ Roopkund mang một ý nghĩa đặc biệt về mặt tín ngưỡng và tôn giáo với một số cộng đồng dân cư thời xa xưa. Có thể những thi thể này được đưa đến hồ để thủy táng. Cũng không loại trừ khả năng đây là những nhà thám hiểm xấu số, tò mò khám phá những gì tồn tại phía sau dãy núi hùng vĩ đến mức trả giá bằng chính mạng sống của mình.

Ít nhất là khoa học đã tìm ra được một vài câu trả lời cho hàng vạn câu hỏi về "Hồ Xương người" trên dãy Himalaya.

Khảo cổ học có vô số những địa điểm kỳ bí như vậy, và khi khoa học lao vào lý giải, "câu chuyện được mở ra phong phú đến vô tận", David Reich chia sẻ.

Theo Zing