Bị loài rắn độc nhất hành tinh cắn nhưng không đi viện, người đàn ông khó thở, chân tay lạnh

Bị rắn cạp nia cắn nhưng chủ quan, người đàn ông ở nhà không đến viện. Sau khi chuyển lên Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên, đồng tử bệnh nhân giãn, khó thở, chân tay lạnh..

Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên ngày 3/9 cho hay, sau 5 ngày được các bác sĩ Khoa Cấp cứu bệnh viện này điều trị tích cực, bệnh nhân V.Đ.H bị ở huyện Đại Từ, Thái Nguyên đã qua cơn quy kịch.

Trước đó, ông H bị rắn cạp nia cắn vào tay. Do không thấy đau nhiều, không có biểu hiện sưng tấy nên chủ quan, không đi bệnh viện ngay.

bi-loai-ran-doc-nhat-hanh-tinh-can-nhung-khong-di-vien-nguoi-dan-ong-kho-tho-chan-tay-lanh

Nam bệnh nhân thoát chết sau khi bị rắn cạp nia cắn

2 giờ sau, bệnh nhân có dấu hiệu khó thở, mắt mở khó nên được người thân đưa đến bệnh viện tuyến huyện. Sau khi sơ cứu, bệnh viện huyện chuyển bệnh nhân về Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên do đây là ca bệnh khó.

Khi Khoa Cấp cứu tiếp nhận, người đàn ông 59 tuổi trong tình trạng tỉnh chậm, đồng tử hai bên giãn, chân tay lạnh, khó thở, sụp mi... Các bác sĩ đã tiến hành đặt nội khí quản, thở máy cho bệnh nhân. Đến sáng 3/9, bệnh nhân đã được rút ống nội khí quản, tỉnh táo.

BS Hà Đức Trịnh, Trưởng Khoa Cấp cứu khuyến cáo, người dân sau khi bị rắn cắn nên đến bệnh viện càng sớm càng tốt để được cấp cứu, điều trị kịp thời. Trên thực tế, do chủ quan, nhiều người đã tử vong do bị rắn độc cắn.

Rắn cạp nia là một loài rắn độc, thuộc họ rắn hổ, da vảy trơn bóng được sắp xếp thành các khoang đen trắng, sáng tối xen kẽ.

Thông thường, loài rắn này có chiều dài khoảng từ 1-1,5m, có con dài tới 2-2,5m. Chúng thường kiếm ăn về đêm, ban ngày thường rất hiền lành, nhưng ban đêm lại đặc biệt dữ tợn.

Do được xếp vào top những loài rắn độc nhất hành tinh, nên một cú cắn của rắn cạp nia sẽ đặc biệt nguy hiểm, nhanh chóng gây ra trụy hô hấp cho nạn nhân.

Theo các nhà khoa học, trước khi có thuốc điều trị rắn độc cắn thì tỉ lệ tử vong của những nạn nhân khi bị rắn cạp nia cắn lên tới 75%.

Nguyên nhân khiến nhiều người chết sau khi rắn cạp nia cắn vì hầu hết các vết cắn đều không sưng hay đau nhiều, khiến nạn nhân chủ quan, thậm chí không biết mình bị rắn cắn. Nhiều người biết, nhưng nghĩ là rắn không độc nên đi cấp cứu quá muộn, sau khi triệu chứng tê liệt thần kinh xảy ra.

Theo GiaDinh