Bị Mỹ giáng đòn mạnh ở biển Đông, Trung Quốc lên tiếng ra sao?

Trung Quốc cho rằng việc Bộ Ngoại giao Mỹ ra tuyên bố bác bỏ hầu hết yêu sách của nước này trên biển Đông là “vô lý” và “gây căng thẳng”.

Đại sứ quán Trung Quốc tại Mỹ ngày 14-7 đăng trên trang web thông điệp nhằm phản đối tuyên bố của Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo về "lập trường của Mỹ với các yêu sách hàng hải ở biển Đông", cho rằng cáo buộc từ phía Washington đối với nước này là "hoàn toàn phi lý".

Đại sứ quán Trung Quốc tại Mỹ nhấn mạnh một lần nữa rằng Trung Quốc kiên quyết phản đối tuyên bố của Mỹ về biển Đông. Người phát ngôn Đại sứ quán Trung Quốc tại Mỹ nêu rõ:

"Mỹ không phải là một quốc gia liên quan trực tiếp đến các tranh chấp trên biển Đông.

Tuy nhiên, Washington tiếp tục can thiệp vào chuyện này với lý do giữ gìn sự ổn định. Đó là phô trương sức mạnh, khuấy động căng thẳng và kích động đối đầu trong khu vực".

bi-my-giang-don-manh-o-bien-dong-trung-quoc-len-tieng-ra-sao

Lực lượng Tác chiến Tàu sân bay Nimitz gồm tàu sân bay USS Nimitz và Nhóm Tác chiến Tàu sân bay USS Ronald Reagan hiện diện ở Biển Đông ngày 6-7. Ảnh: Hải quân Mỹ

"Chúng tôi khuyên phía Washington hãy tôn trọng một cách nghiêm túc cam kết không đứng về bên nào trong vấn đề biển Đông, tôn trọng các nỗ lực của các nước trong khu vực vì một biển Đông hòa bình và ổn định, đồng thời ngăn chặn các nỗ lực phá vỡ hòa bình và ổn định khu vực" - đại sứ quán Trung Quốc viết tiếp.

Đại sứ quán Trung Quốc cho rằng tuyên bố của Bộ Ngoại giao Mỹ "coi thường những nỗ lực của Trung Quốc và các nước ASEAN vì hòa bình và ổn định ở biển Đông, cố tình làm sai lệch sự thật và luật pháp quốc tế bao gồm Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật biển (UNCLOS), phóng đại tình hình trong khu vực và cố gắng gieo rắc bất hòa giữa Trung Quốc và các quốc gia khác".

bi-my-giang-don-manh-o-bien-dong-trung-quoc-len-tieng-ra-sao

Khi quan hệ Mỹ - Trung xấu đi trong năm nay, Washington đã tăng dần tần suất hoạt động trên biển Đông. Ảnh: Hải quân Mỹ

Bắc Kinh cho rằng tình hình biển Đông vẫn hòa bình và ổn định và vẫn đang được cải thiện. Tuy nhiên, tuyên bố của đại sứ quán Trung Quốc hoàn toàn không đề cập đến thực tế rằng yêu sách lãnh thổ mà nước này đơn phương vẽ ra trên biển Đông không phù hợp với Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển 1982 (UNCLOS) và đã bị một tòa trọng tài thành lập theo UNCLOS 1982 (mà Trung Quốc là một quốc gia thành viên) bác bỏ trong phán quyết vào tháng 7-2016.

Tuyên bố trên được đại sứ quán Trung Quốc tại Washington đưa ra sau khi Bộ Ngoại giao Mỹ ra thông điệp của Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo, chỉ trích hành vi "bắt nạt" các nước láng giềng ven biển Đông của Trung Quốc và khẳng định hầu hết yêu sách hàng hải của Bắc Kinh trên biển Đông là "trái pháp luật".

bi-my-giang-don-manh-o-bien-dong-trung-quoc-len-tieng-ra-sao

Mỹ điều thêm oanh tạc cơ B-52 tập trận với 2 tàu sân bay ở biển Đông nhằm phô trương sức mạnh trước Trung Quốc. Ảnh: The Sun

Tuyên bố mới nhất của Mỹ được đưa ra trong bối cảnh quan hệ Washington - Bắc Kinh đang ở mức xấu nhất trong nhiều năm qua, với căng thẳng trên nhiều lĩnh vực từ dịch Covid-19, vấn đề Hồng Kông, Tây Tạng đến chiến tranh thương mại.

Thời điểm này cũng trùng với kỉ niệm 4 năm ngày phán quyết The Hague (Hà Lan) tuyên bố bác bỏ yêu sách "đường chín đoạn" của Trung Quốc ở biển Đông trong vụ kiện của Philippines vào tháng 7-2016.

Tòa trọng tài khẳng định Trung Quốc đã vi phạm quyền của Philippines khi chiếm bãi cạn Scarborough vào năm 2012. Tuy nhiên, Trung Quốc đã bác bỏ phán quyết và từ chối tham gia tranh tụng sau khi chính quyền ông Benigno Aquino, tổng thống Philippines thời điểm đó, thách thức những tuyên bố về chủ quyền của Trung Quốc vào năm 2013 đối với hầu như toàn bộ vùng biển tranh chấp.

Mỹ nhiều lần nhấn mạnh các khu vực được coi là một phần của Philippines được bảo vệ bởi một hiệp ước phòng thủ lẫn nhau giữa Mỹ và Philippines trong trường hợp xấu nhất.

Trung Quốc liên tục gây hấn

Thời gian gần đây, Bắc Kinh tiếp tục có những động thái gây hấn ở biển Đông giữa lúc các nước tập trung đối phó dịch Covid-19. Bắc Kinh điều tàu khảo sát địa chất Hải Dương 8 đi vào vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, sau đó bám theo tàu khoan của Malaysia. Tàu hải cảnh Trung Quốc cũng đâm chìm tàu cá của ngư dân Việt Nam gần quần đảo Hoàng Sa.

Trung Quốc còn đơn phương tuyên bố thành lập các đơn vị hành chính ở biển Đông, đặt tên cho các thực thể và cấm đánh bắt cá. Tuần trước, Trung Quốc chỉ trích Mỹ phô trương sức mạnh ở biển Đông bằng cách tiến hành các cuộc tập trận chung với hai nhóm tàu ​​sân bay của Mỹ ở tuyến đường thủy chiến lược.

Theo NLD