Bình Dương ghi nhận số ca mắc kỷ lục, gần 1.000 người nhiễm Covid-19 trong một ngày

Trong 24 giờ (từ 17 giờ ngày 20/7 đến 17 giờ ngày 21/7), tỉnh Bình Dương ghi nhận 964 trường hợp dương tính với Covid-19.

Theo báo cáo của Sở Y tế Bình Dương, tính từ 17 giờ ngày 20/7 đến 17 giờ ngày 21/7/2021, Bình Dương ghi nhận tổng số ca mắc Covid-19 mới là 964 ca. 

Trong số 964 ca mắc có 173 ca phát hiện tại cơ sở y tế; 366 ca phát hiện trong khu cách ly; 306 ca trong khu vực phong tỏa; 119 ca qua sàng lọc cộng đồng. Các ca mắc mới hiện cư trú tại TP Thuận An (380 ca), TP Dĩ An (241 ca), TX Tân Uyên (158 ca), TX Bến Cát (84 ca), TP Thủ Dầu Một (48 ca), huyện Phú Giáo (13 ca), huyện Bàu Bàng (10 ca), huyện Dầu Tiếng (05 ca) và huyện Bắc Tân Uyên (01 ca).

Hiện tại tỉnh có 11 khu điều trị bệnh nhân Covid-19 trên địa bàn với 2.994 bệnh nhân đang điều trị; trong đó có 45 phụ nữ mang thai, 35 người trên 65 tuổi, 87 người có bệnh lý nền, 103 người có diễn biến nặng, ghi nhận của báo Kinh tế & Đô thị.

Tính từ đợt dịch thứ 4, đến nay Bình Dương ghi nhận gần 4.700 ca mắc Covid-19.

TP. HCM phản hồi thông tin sai sự thật về việc người dân bức xúc tự thiêu tại phường Trường Thọ

Trước tình hình các trường hợp nghi ngờ nhiễm Covid-19 được phát hiện qua test nhanh tăng rất cao tại các địa phương, trong khi năng lực xét nghiệm khẳng định không kịp đáp ứng, Trung tâm Y tế các huyện, thị, thành phố không đủ năng lực tiếp nhận. 

Từ thực tế trên, Ban chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh Covid-19 tỉnh đã ban hành Công văn về việc thực hiện công tác tiếp nhận người nghi nhiễm. Theo đó, UBND tỉnh yêu cầu các huyện, thị xã, thành phố khẩn trương chuẩn bị ít nhất 1 khu cách ly tạm thời dành riêng cho những trường hợp nghi ngờ được phát hiện từ các công ty, doanh nghiệp, nhà trọ, cơ sở y tế… trong khi chờ kết quả xét nghiệm khẳng định RT-PCR. 

Mỗi khu có quy mô hơn 100 chỗ, đảm bảo điều kiện phòng dịch và nhu cầu thiết yếu tương tự như cách ly F1, giao cho Ban Chỉ huy quân sự địa phương phụ trách.

Song song đó, trung tâm y tế phát huy tối đa năng lực lấy mẫu gửi xét nghiệm khẳng định RT-PCR để sớm đưa các trường hợp mắc COVID-19 đến các điểm thu dung, điều trị, VOV đăng tải nội dung công văn của Ban chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh Covid-19 tỉnh Bình Dương.

Theo Doanh nghiệp và Tiếp thị (T/h)

-----

Xem thêm:

Bình Dương cần sẵn sàng kịch bản 10.000 ca bệnh

Với số ca F0 COVID-19 đang gia tăng tại Bình Dương, Tổ Thường trực đặc biệt của Bộ Y tế đã đề nghị Ban chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 của tỉnh nhanh chóng thành lập và kích hoạt tháp điều trị “3 tầng”.

Ngày 19/7, Tổ Thường trực đặc biệt của Bộ Y tế đã có buổi làm việc với Tiểu ban Điều trị COVID-19 tỉnh Bình Dương về chiến lược thu dung, điều trị bệnh nhân COVID-19.

Nhanh chóng kích hoạt tháp điều trị "3 tầng"

Bà Đoàn Thị Hồng Thơm – Phó Giám đốc Sở Y tế tỉnh Bình Dương cho biết, hiện nay, trên địa bàn tỉnh ghi nhận 3.000 ca mắc COVID-19. Ngành y tế đang trưng dụng các cơ sở giáo dục để triển khai thành các cơ sở thu dung điều trị COVID-19. Tổng số giường điều trị hiện có khoảng 2.500 giường. 

Mới đây, tỉnh đã khai trương BV Dã chiến với quy mô 1.500 giường, dự kiến ngày mai (20/7) sẽ đi vào hoạt động, nâng công suất giường điều trị COVID-19 lên 4.000 giường. Ngành y tế cũng đang tiếp tục khảo sát và xây dựng các phương án nâng công suất giường điều trị.

Theo ông Nguyễn Trọng Khoa – Phó Cục trưởng Cục Quản lý Khám Chữa bệnh, Bộ Y tế, với tình hình hiện nay, tỉnh Bình Dương cần dự báo số ca bệnh COVID-19 có thể tăng lên từ 8-10.000 trường hợp. Nếu không có phương án trước rất dễ dẫn đến tình trạng bị động, lúng túng. 

Theo kinh nghiệm điều trị tại nhiều tỉnh thành, ông Nguyễn Trọng Khoa đề xuất tỉnh Bình Dương cần nhanh chóng thiết lập mạng lưới điều trị COVID-19 "3 tầng" để phân loại và tập trung nguồn lực đúng trọng tâm.

binh-duong-can-san-sang-kich-ban-10-000-ca-benh

Tổ Thường trực đặc biệt của Bộ Y tế hỗ trợ Bình Dương họp bàn về chiến lược điều trị cho bệnh nhân COVID -19 tại Bình Dương.

Cụ thể, tầng đầu tiên là các cơ sở điều trị ban đầu. Tỉnh có thể trưng dụng các khu ký túc xá, trường học… Đối với những cơ sở ban đầu này chỉ tiếp nhận những F0 không triệu chứng. Dự kiến chiếm khoảng 40-50% số bệnh nhân. Tại đây, chưa cần thiết trang bị các hệ thống máy thở, ICU; nhân lực được bố trí khoảng 20-30% so với số người bệnh.

Tầng thứ 2 là những cơ sở tiếp nhận điều trị bệnh nhân COVID-19 triệu chứng nhẹ, hoặc vừa trên nền tảng có bệnh nền: Tăng huyết áp, tiểu đường, ung thư,… bệnh nhân COVID-19 là trẻ em, người cao tuổi.

Những cơ sở này từ các cơ sở y tế được chuyển đổi thành bệnh viện thu dung điều trị COVID-19 hoặc Bệnh viện dã chiến. Số bệnh nhân điều trị tại những cơ sở này khoảng 40-45%. Để đảm bảo chăm sóc và điều trị cho người bệnh, tại đây cần trang bị các vật tư y tế, oxy và sơ cấp cứu ban đầu, đảm bảo xử trí các tình huống khẩn cấp hoặc cần chuyển viện cho người bệnh.

Còn lại 5-10% là những bệnh nhân COVID-19 nặng, phải được điều trị tại các Trung tâm hồi sức. Đây là tháp cao nhất trong mạng lưới, nơi sẽ dốc nhiều nguồn vật lực và nhân lực nhất nhằm bảo vệ tối đa bệnh nhân. Trung tâm hồi sức này công suất khoảng 500-1.000 giường. Tại đây, 50-100 giường cần thiết lập hệ thống máy thở khí nén trung tâm, đảm bảo bệnh nhân có thể thở máy. Thiết lập hệ thống camera.

Nếu thiếu nhân lực, Bộ Y tế sẽ hỗ trợ

Về nguồn nhân lực, ông Nguyễn Trọng Khoa cho biết, trong chiến lược tháp "3 tầng" cần có đội ngũ nhân lực đảm bảo. Toàn bộ nhân lực tại các tầng này đều phải bám sát tình hình của bệnh nhân để kịp thời chuyển viện đến tầng cao hơn khi bệnh nhân có biểu hiện bệnh nặng.

binh-duong-can-san-sang-kich-ban-10-000-ca-benh

Khu cách ly bệnh nhân COVID-19 tại Bình Dương.

Đặc biệt, nhân lực ở tầng thứ 3 tại các Trung tâm Hồi sức COVID-19 phải là những nhân sự có kinh nghiệm điều trị, nhân sự tinh nhuệ có thể thiết lập hệ thống thở máy, chạy ECMO… Tại đây, tập trung những bệnh nhân nặng, do đó ngoài lực lượng bác sĩ tinh nhuệ cần đội ngũ điều dưỡng. Trung bình một bệnh nhân COVID-19 nặng cần 1 bác sĩ và 3 điều dưỡng đảm bảo chăm sóc và điều trị 24/24. Đảm bảo bảo vệ tối đa tử trường hợp bệnh nặng.

Về các khối nhân lực này, hiện nay ngành y tế tỉnh Bình Dương đang nỗ lực đảm trách đồng thời có sự phối hợp từ khối y tế tư nhân. Đặc biệt, tỉnh đang nhận được sự chi viện nhân sự từ nhiều tỉnh thành khác: Hải Phòng, Hải Dương, Hà Nội… Trong điều kiện thiếu nhân lực, Bộ Y tế và Trung ương sẽ tiếp tục có những điều động, chi viện hỗ trợ Bình Dương.

binh-duong-can-san-sang-kich-ban-10-000-ca-benh

Phòng điều trị bệnh nhân COVID-19 tại Bình Dương.

Theo ông Dương Chí Nam - Phó Cục trưởng Cục Quản lý môi trường Y tế, Tổ Thường trực đặc biệt của Bộ Y tế, để vận hành tốt chiến lược tháp "3 tầng" và đạt hiệu quả cao trong chống dịch, Bình Dương cần thiết lập hệ thống điều phối.

Theo đó, lực lượng nhân sự đảm trách công tác này sẽ nhận diện mức độ bệnh và chuyển người bệnh đến cơ sở điều trị ban đầu; năm bắt tình hình tại các cơ sở điều trị và cơ sở tuyến trên để điều phối chuyển tuyến đúng cho bệnh nhân khi cần. Ngoài ra, tỉnh cần nhanh chóng thiết lập đường dây nóng tư vấn cho người bệnh.

Tại đây, ông Võ Văn Minh – Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương đã chỉ đạo ngành y tế nhanh chóng rà soát tất cả các khu điều trị F0 trên địa bàn. Cấp bách nhất hiện nay là rà soát và nhanh chóng chuyển tuyến các trường hợp bệnh nặng.

Với kịch bản chuẩn bị cho 10.000 ca bệnh, tỉnh xây dựng mạng lưới cơ sở điều trị theo mô hình tháp "3 tầng", đáp ứng thu dung điều trị bệnh nhân đúng mức độ và có trọng tâm trọng điểm. Ngoài ra, cần nhanh chóng xúc tiến thành lập Trung tâm điều phối và đường dây nóng thông tin tư vấn cho người dân, đồng thời sẵn sàng các nguồn lực hậu cần.

Theo GiaDinh