Bộ Công an điều tra dấu hiệu sai phạm tại nhà máy nước sông Đuống

Nguồn tin của Tiền Phong cho biết, Cục Cảnh sát điều tra tội phạm (C03) Bộ Công an vừa có văn bản gửi cơ quan chức năng TP Hà Nội đề nghị cung cấp tài liệu liên quan đến dấu hiệu sai phạm xảy ra tại Dự án đầu tư xây dựng nhà máy nước sạch sông Đuống.

bo-cong-an-dieu-tra-dau-hieu-sai-pham-tai-nha-may-nuoc-song-duong

Nhà máy nước sạch sông Đuống chưa đủ điều kiện đã khánh thành. Ảnh. M.T

Cụ thể, Bộ Công an có văn bản đề nghị Sở KH&ĐT TP Hà Nội cung cấp hồ sơ, tài liệu về việc quy hoạch, điều chỉnh quy hoạch cấp nước trên địa bàn TP Hà Nội giai đoạn 2013 đến nay. Trong đó có hồ sơ, tài liệu về việc đầu tư xây dựng Dự án nhà máy nước mặt sông Đuống. 

Theo tìm hiểu của Tiền Phong, Dự án đầu tư xây dựng nhà máy nước sạch sông Đuống thuộc Cty CP Nước mặt sông Đuống do bà Đỗ Thị Kim Liên làm Chủ tịch; bà Liên cũng kiêm Chủ tịch Tập đoàn Aqua One.

Trước đó, liên quan đến các sai phạm xảy ra tại Dự án đầu tư xây dựng nhà máy nước sạch sông Đuống, Sở Xây dựng Hà Nội đã kiểm tra và xử phạt Cty này về hành vi phạm với mức 25 triệu đồng và 45 triệu đồng.

Được biết, Dự án nhà máy nước mặt sông Đuống là nhà máy nước sạch sinh hoạt quy mô cấp vùng, tổng diện tích 65ha với mức đầu tư giai đoạn 1 gần 5.000 tỷ đồng, công suất 300.000 m3/ngày đêm.

Tiếp nối giai đoạn này, dự án sẽ phát triển và mở rộng liên tục đến năm 2023 đạt 600.000 m3/ ngày đêm, đến năm 2030 đạt 900.000 m3/ ngày đêm, và sau năm 2030 đạt 1,2 triệu m3/ngày đêm.

Hiện dự án vay 80% tổng vốn đầu tư, tương ứng khoảng 3.995 tỷ đồng. Khi dự án này hoàn thành, đưa vào sử dụng, tính giá nước thì chi phí lãi vay này sẽ phải được tính vào trong giá nước. 

 Dự án này từng xảy ra lùm xùm bởi giá nước được đưa ra mức tối đa 10.000 đồng/m3, trong khi giá nước sông Đà chỉ hơn 7.000 đồng/m3.

Ngoài những lùm xùm trên, trước khi khánh thành giai đoạn 1 Nhà máy nước mặt sông Đuống 4 ngày, Cục Giám định Nhà nước về chất lượng công trình xây dựng (Bộ Xây dựng) đã có văn bản gửi UBND TP Hà Nội đề nghị cân nhắc việc tổ chức khánh thành công trình do chưa đủ điều kiện nghiệm thu đưa vào khai thác, sử dụng.

 Tuy vậy, ngày 5/9, Nhà máy nước mặt sông Đuống vẫn được tổ chức khánh thành rầm rộ. Đến 13/10/2019, lãnh đạo UBND thành phố Hà Nội nhấn nút phát nước giai đoạn 1 của dự án Nhà máy nước mặt sông Đuống và phát động khởi công xây dựng giai đoạn 2 của nhà máy này.

 Ngoài dự án Nhà máy nước mặt sông Đuống, Tập đoàn Aqua One do bà Đỗ Thị Kim Liên làm Chủ tịch cũng thi công Dự án đầu tư xây dựng Nhà máy nước Xuân Mai (Kỳ Sơn, Hòa Bình) khi chưa có quyết định chuyển mục đích sử dụng đất, quyết định giao đất, giấy phép xây dựng…

Đức Hoàng

Theo Tiền Phong

-----

Xem thêm:

Có hay không sự ưu ái của Hà Nội với Nhà máy nước mặt sông Đuống?

Việc mở rộng mạng lưới cung cấp nước của Nhà máy nước mặt Sông Đuống rất nhanh chóng cho thấy sự chưa tôn trọng quy trình, việc đảm bảo an toàn cũng như quyền lợi người tiêu dùng…

Những lùm xùm liên quan đến việc nước sạch do nhà máy sông Đà cấp dính dầu thải chưa lắng xuống, dư luận lại xôn xao thông tin người dân Thủ đô phải gánh lãi vay 2.000 đồng/m3 nước cho Nhà máy nước mặt sông Đuống. 

Tại một cuộc họp báo mới đây, lãnh đạo Sở Tài chính Hà Nội cho biết tổng mức đầu tư của Nhà máy nước mặt sông Đuống gần 5.000 tỷ đồng, nhưng công ty này đi vay tới 80%, tương ứng gần 4.000 tỷ. Chi phí lãi vay dự án sông Đuống chiếm khoảng khoảng 20% giá thành nước sông Đuống, tương đương 2.103 đồng/m3.

Nhìn nhận về sự việc trên, trao đổi với Chất lượng Việt Nam Online (VietQ.vn), PGS.TS Đinh Trọng Thịnh, chuyên gia kinh tế - tài chính, Học viện Tài chính cho hay, các quốc gia trên thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng, việc cung cấp nước sạch, một số hàng hóa công khác như điện, đường,... có thể thực hiện bằng hình thức xã hội hóa hoặc tư nhân hóa, thông qua công ty cổ phần hoặc doanh nghiệp tư nhân.

Tuy nhiên, vì đây là dịch vụ công, có thể ảnh hưởng lớn đến sức khỏe người dân nên nhà nước, đặc biệt là chính quyền địa phương phải kiểm tra, giám sát chặt chẽ cả về mặt khối lượng, chất lượng, thời gian cung cấp và giá thành sản phẩm, không để doanh nghiệp tự quyết. 

PGS. TS Đinh Trọng Thịnh cho hay, cấp nước sạch là dịch vụ công, do đó phải đảm bảo cung cấp đủ số lượng, chất lượng, thời gian và giá thành hợp lý, không thể để doanh nghiệp muốn tính thế nào thì tính? Tuy nhiên, nguyên tắc trên không được thực hiện đúng trong trường hợp nước sạch sông Đuống.

co-hay-khong-su-uu-ai-cua-ha-noi-voi-nha-may-nuoc-mat-song-duong

 Có hay không sự ưu ái với Nhà máy nước mặt Sông Đuống?

Theo đó, khi Hà Nội mời Tập đoàn AquaOne đầu tư, thành phố đã chấp thuận giá bán nước sạch tối đa Nhà máy sông Đuống tạm tính là 10.246 đồng/m3, lộ trình tăng giá tối đa 7%/năm. Mức giá này cao hơn cả giá nước sạch bán cho người dân theo quy định của UBND TP.Hà Nội đang áp dụng, thậm chí còn cao hơn giá bán bình quân của các đơn vị kinh doanh nước sạch.

"Giá thành một m3 nước bao gồm chi phí sản xuất, chi phí khấu hao, chi phí bảo trì bảo dưỡng máy móc, thiết bị, chi phí nhân công, chi phí quản lý nhà máy... và cả những chi phí khác phát sinh. Những chi phí ấy phải được công khai, minh bạch, mà trước hết là phải công khai chi phí xây dựng nhà máy.
 
Doanh nghiệp đền bù giải phóng mặt bằng bao nhiêu, đầu tư máy móc, thiết bị, xây dựng bể lắng, bể lọc, đường ống dẫn nước mặt từ ngoài sông vào bao nhiêu, nước từ nhà máy sản xuất đến đơn vị phân phối là bao nhiêu?…”, PGS.TS Thịnh đặt câu hỏi.

Từ những lập luận trên, ông đặt vấn đề liệu có hay không việc Hà Nội ưu ái với Nhà máy nước mặt sông Đuống?

Trước đó, như báo chí phản ánh, Cục Giám định Nhà nước về Chất lượng công trình xây dựng khẳng định chưa hoàn tất quá trình nghiệm thu Nhà máy nước mặt sông Đuống, trong khi đó nhà máy này đang cung cấp khoảng 150.000 m3 nước sạch/ngày đêm cho người dân Hà Nội sử dụng.

Trong bối cảnh đó, việc mở rộng mạng lưới cung cấp nước của Nhà máy nước mặt sông Đuống rất nhanh chóng, xuống tận khu vực khó khăn cuối nguồn nước như Xa La ở quận Hà Đông (Hà Nội).

"Điều này cho thấy sự chưa tôn trọng quy trình, chưa tôn trọng việc đảm bảo an toàn của nhà máy cũng như coi thường quyền lợi người tiêu dùng", ông Thịnh nói và đề nghị, tất cả những vấn đề trên cần được kiểm tra, kiểm toán một cách chặt chẽ, công khai, minh bạch.

"Đã là cơ chế thị trường thì người dân chỉ chấp nhận mức giá hợp lý. Nếu Nhà máy nước mặt sông Đuống chứng minh được mức giá của mình là công khai, minh bạch, chuẩn xác thì người dân sẵn sàng chấp nhận", vị chuyên gia nhấn mạnh.

Theo VietQ

----