Bộ Y tế "trần tình" về việc mua thuốc cho trẻ phải có CMND

Ngày 2-3, lãnh đạo Cục Quản lý khám chữa bệnh, Bộ Y tế cho biết quy định ghi số chứng minh nhân dân (CMND) vào đơn mua thuốc nhằm 3 mục đích, trong đó trước hết đảm bảo tính chuyên môn trong việc sử dụng thuốc an toàn, hợp lý và hiệu quả.

Ông Cao Hưng Thái, Phó Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh, Bộ Y tế, cho biết trong Thông tư 52/2017/ TT-BYT ký ngày 29-12-2017, quy định về đơn thuốc và việc kê đơn thuốc hóa dược, sinh phẩm trong điều trị ngoại trú, tại Điều 6 về yêu cầu chung với nội dung kê đơn thuốc quy định cần ghi đủ, rõ ràng và chính xác các mục in trong đơn thuốc hoặc trong sổ khám bệnh của người bệnh.

Theo quy định này, sẽ có nội dung về địa chỉ nơi người bệnh thường trú hoặc tạm trú: số nhà, đường phố, tổ dân phố hoặc thôn/ấp/bản, xã/phường/thị trấn, quận/huyện/thị xã/thành phố thuộc tỉnh, tỉnh/thành phố.

bo-y-te-tran-tinh-ve-viec-mua-thuoc-cho-tre-phai-co-cmnd

Đơn thuốc bổ sung thêm chứng minh thư được cho là khó khả thi

Riêng đối với trẻ dưới 72 tháng tuổi thì phải ghi số tháng tuổi, ghi tên và số chứng minh nhân dân (CMND) hoặc sổ căn cước công dân của bố hoặc mẹ hoặc người giám hộ của trẻ.

Cũng theo ông Thái, với quy định này thì phải hiểu rõ ràng là ngay khi đến các cơ sở khám, chữa bệnh, bố, mẹ hoặc người giám hộ của trẻ dưới 72 tháng tuổi phải đem theo CMND để khi kê đơn, các bác sĩ điền đầy đủ các thông tin trên.

Khi có đơn thuốc (với đầy đủ thông tin về số nhà, đường phố, tổ dân phố hoặc thôn/ấp/bản, xã/phường/thị trấn, quận/huyện/thị xã/thành phố thuộc tỉnh, tỉnh/thành phố và số CMND của bố hoặc mẹ hoặc người giám hộ của trẻ dưới 72 tháng tuổi) thì bất kể ai là người nhà hoặc người thân của trẻ có thể đi tại các cơ sở bán lẻ thuốc.

bo-y-te-tran-tinh-ve-viec-mua-thuoc-cho-tre-phai-co-cmnd

Cha mẹ hoặc người giám hộ trẻ dưới 6 tuổi khi tới cơ sở khám chữa bệnh phải mang theo CMND để kê đơn thuốc - Ảnh minh họa

Phó Cục trưởng Cục Quản lý Khám, chữa bệnh cho biết nội dung ghi thông tin CMND của người giám hộ thư trên đơn thuốc cho trẻ dưới 6 tuổi là nội dung mới so với những quy định trước đây.

Bởi Luật Dược quy định đơn thuốc phải đảm bảo 3 ý nghĩa là: Đảm bảo tính chuyên môn trong việc sử dụng thuốc an toàn, hợp lý và hiệu quả; Đảm bảo tính kinh tế: Người bệnh tính được chi phí khám, chữa bệnh; Đảm bảo tính pháp lý: mối quan hệ giữa thầy thuốc và người bệnh trong cung cấp dịch vụ y tế.

Nói về việc giám sát được kê đơn thuốc có thông tin về CMND tại các nhà thuốc, ông Thái cho biết khi đi kiểm tra giám sát nếu phát hiện ra nhà thuốc vẫn bán những đơn mà không có CMND cho trẻ dưới 72 tháng tuổi thì trước tiên sẽ là trách nhiệm của nhà thuốc, sau đó sẽ là trách nhiệm của bác sĩ kê đơn.

"Việc ghi thêm số CMND trong đơn thuốc cho trẻ dưới 72 tháng tuổi cũng mất thêm một chút thời gian khám, chữa bệnh của người thầy thuốc nhưng đây là việc hoàn toàn cần làm để quản lý tốt việc kê đơn và bán thuốc theo đơn, đặc biệt là việc mua bán và lạm dụng kháng sinh đang diễn ra phổ biến hiện nay.

Cũng có thể xuất hiện một vài trường hợp phát sinh, song đa số trẻ dưới 6 tuổi đều được bố, mẹ và người thân đi khám nên việc ghi số CMND hay thẻ căn cước không có gì là quá khó khăn"- ông Thái nhận định.

Thông tư số 52/2017/TT-BYT về đơn thuốc và việc kê đơn thuốc hoá dược, sinh phẩm trong điều trị ngoại trú do Bộ Y tế ban hành có hiệu lực từ ngày 1-3-2018, quy định khi mua thuốc theo đơn ngoại trú cho trẻ dưới 72 tháng tuổi, cha mẹ sẽ hoặc người giám hộ phải cung cấp số CMND hoặc thẻ căn cước công dân.

Tuy nhiên, những ngày qua quy định này nhận được nhiều ý kiến phản ứng từ dư luận và giới chuyên môn vì cho rằng khó khả thi và làm khó người dân.

D.Thu

Theo NLD

-------------------------

Xem thêm:

Mua thuốc cho con, phải trình chứng minh thư

Theo Bộ Y tế, mục đích quy định này nhằm theo dõi quá trình sử dụng thuốc và bảo đảm an toàn cho trẻ, tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng ít khả thi và làm khó người dân.

Từ ngày 1-3, khi mua thuốc theo đơn ngoại trú cho trẻ dưới 72 tháng tuổi, cha mẹ hoặc người giám hộ phải cung cấp số CMND hoặc thẻ căn cước công dân.

Không khả thi

Quy định tại Thông tư 52/2017/TT-BYT của Bộ Y tế (hiệu lực từ ngày 1-3-2018) yêu cầu bác sĩ khi kê đơn thuốc phải ghi đủ, rõ ràng và chính xác địa chỉ nơi người bệnh thường trú hoặc tạm trú.

Đặc biệt, đối với trẻ dưới 72 tháng tuổi thì phải ghi tên và số CMND hoặc căn cước công dân của cha hoặc mẹ hoặc người giám hộ.

mua-thuoc-cho-con-phai-trinh-chung-minh-thu

Khi đưa trẻ đến cơ sở khám chữa bệnh, các bậc cha mẹ chỉ mong được đơn giản thủ tục Ảnh: NGỌC DUNG

PGS-TS Trần Minh Điển, Phó Giám đốc Bệnh viện (BV) Nhi trung ương, cho rằng quy định này khó khả thi. Theo ông Điển, trong hồ sơ điều trị nội trú của trẻ thì cần ghi số CMND, thẻ căn cước của cha mẹ, người giám hộ cho trẻ vì lo ngại có gia đình cung cấp số CMND không chính xác và sau đó không thanh toán chi phí khám chữa bệnh.

Cùng quan điểm, một lãnh đạo BV khác cho biết BV sẽ cố gắng triển khai và có lẽ cũng không khó thực hiện nhưng chẳng lẽ thấy một ông bố ôm đứa con đang sốt đến mua thuốc mà quên hoặc mất CMND thì nhân viên không bán thuốc? Rõ ràng, tính khả thi của quy định này là không có.

Bác sĩ (BS) Dương Đức Hùng, Trưởng Phòng Kế hoạch tổng hợp BV Bạch Mai (TP Hà Nội), cho biết trong thực tế, nếu phát sinh bất cập, BV sẽ kiến nghị sửa đổi để phù hợp.

Trong bất kỳ tình huống nào, quan trọng nhất là tiếp nhận, điều trị cho trẻ kịp thời, còn giấy tờ của bố mẹ hoặc người giám hộ có thể bổ sung sau bởi nhiều khi đưa con đi viện, cha mẹ chỉ kịp mang theo thẻ BHYT của trẻ, quên hoặc không mang theo CMND/thẻ căn cước công dân hoặc có những trường hợp người đưa trẻ đi viện không phải là người giám hộ hoặc bố mẹ thì BS vẫn phải lo điều trị trước.

Phiền hà, rắc rối

BS Trương Hữu Khanh, BV Nhi Đồng 1 (TP HCM), cho biết sẽ không thực hiện được vì mục tiêu quy định mới này khống chế coi trẻ có khám đúng với thẻ BHYT của mình không.

Nếu vậy thì phiền hà chứ không giải quyết được gì. Phiền hà cho bệnh nhân và cả BS. Cha mẹ đi làm mang theo CMND, ông bà đưa cháu đi khám thì mang thứ gì bây giờ. Đâu phải đứa nhỏ lúc nào cũng ở gần cha mẹ.

"Chưa nói, đơn thuốc quy định phông chữ nữa chứ! Phông chữ gì thì kệ người ta, miễn sao đọc được thì thôi. Rắc rối lắm. Nếu BS làm đúng thế thì bệnh nhân không được khám mà về nhà là cái chắc. Lúc đó người nhà đâu biết do BS" - BS Khanh nhấn mạnh.

Theo TS-BS Trương Quang Định, Giám đốc BV Nhi Đồng 2 (TP HCM), quy định thì phải làm thôi, chỉ mất công cho BV là phải đưa cái đó vô phần mềm.

Ẵm một đứa bé đi khám bệnh, phải biết rõ người đó có đúng là cha mẹ không để thực hiện mọi quy định trên đứa bé, những can thiệp trên đứa bé để đúng người đó không để họ chịu trách nhiệm, họ trả lời đồng ý, BS mới làm.

Quy định mới này chỉ có mất công BV chứ không phải làm khó dễ người nhà. Trong tương lai, nếu thẻ BHYT của bé ngay từ đầu xây dựng có số CMND của cha mẹ thì không phải mất công qua khâu đó.

Cứng nhắc có thể gây khó

Ông Lê Văn Phúc, phụ trách Ban Thực hiện chính sách BHYT, BHXH Việt Nam, cho biết mới đây, cơ quan bảo hiểm cũng đề nghị Vụ Pháp chế - Bộ Y tế xem xét điều chỉnh một số quy định nhằm tạo thuận lợi cho trẻ dưới 6 tuổi khi đi khám chữa bệnh.

Bởi thực tế, có những gia đình bố mẹ không có ở nhà, phải nhờ người khác đưa con đi khám bệnh, mua thuốc, nếu cơ sở y tế cứng nhắc có thể gây khó cho các gia đình.

"Cũng có thông tin nói quy định này nhằm tránh tình trạng người này đưa con của người khác đi khám chữa bệnh, nhất là những trường hợp quy định nơi khám chữa bệnh ban đầu trong thẻ BHYT của trẻ khác nhau. Nhưng tôi khẳng định quy định không ảnh hưởng chính sách BHYT vì tất cả trẻ em dưới 6 tuổi đều được cấp thẻ BHYT miễn phí" - ông Phúc khẳng định.

"Ở nước ngoài, người bán chỉ bán thuốc khi có đơn BS và việc kê đơn thuốc của BS vẫn mua được thuốc buộc phải kê đơn, thậm chí người bán thuốc còn kê đơn, bốc thuốc ngay sau khi người bệnh kể triệu chứng bệnh. Do vậy, quy định này chắc chắn không thể làm giảm việc "bán thuốc linh tinh" và rất khó triển khai" - một BS nhìn nhận. 

Bảo đảm quyền lợi cho bệnh nhi

Ông Cao Hưng Thái, Phó Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh - Bộ Y tế, cho biết quy định mới này nhằm có sự theo dõi về quá trình sử dụng thuốc, bảo đảm an toàn, quyền lợi cho bệnh nhi, bởi với trẻ dưới 72 tháng tuổi, việc diễn đạt tình trạng sức khỏe có thể không đầy đủ và trẻ chưa thể tự dùng thuốc như kê đơn hay tư vấn của BS.

Việc yêu cầu CMND/thẻ căn cước của người giám hộ là để người đưa trẻ đi khám cần chịu trách nhiệm về thông tin cho bệnh nhi. Với quy định này, BS có thể mất thêm công sức nhưng bảo đảm quyền lợi cho bệnh nhi. Tuy nhiên, theo ông Thái, trong quá trình thực hiện sẽ tiếp nhận ý kiến phản ánh để điều chỉnh phù hợp.

Ngọc Dung - Nguyễn Thạnh

Theo Người lao động