Bộ Y tế Việt Nam đề xuất hai nhóm giải pháp chống thuốc giả, kém chất lượng

PGS.TS Nguyễn Thị Kim Tiến, Bộ trưởng Bộ Y tế nhấn mạnh 2 nhóm giải pháp chống thuốc giả, kém chất lượng tại Hội nghị Bộ trưởng Y tế ASEAN lần thứ 14 và các Hội nghị liên quan.

PGS.TS Nguyễn Thị Kim Tiến, Bộ trưởng Bộ Y tế vừa dẫn đầu đoàn đại biểu của Bộ Y tế Việt Nam tham dự Hội nghị Bộ trưởng Y tế ASEAN lần thứ 14 và các Hội nghị liên quan tổ chức từ ngày 29/8 – 30/8 tại Siem Reap, Campuchia.

Trước khi vào phiên toàn thể của Hội nghị Bộ trưởng Y tế ASEAN lần thứ 14, phiên họp kín của các Bộ trưởng Y tế ASEAN được tổ chức với chủ đề “Nỗ lực của ASEAN trong công cuộc chống lại thuốc giả và thuốc kém chất lượng”. Tại Phiên họp kín, các Bộ trưởng Y tế ASEAN đã thảo luận, chia sẻ những kinh nghiệm và giải pháp của quốc gia mình nhằm chống lại thuốc giả và thuốc kém chất lượng. Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến có bài phát biểu nhấn mạnh 3 thách thức lớn nhất trong công tác đấu tranh phòng, chống thuốc giả, thuốc kém chất lượng trong giai đoạn hiện nay.

Thứ nhất, do xu hướng toàn cầu hóa thương mại, việc tham gia các Hiệp định thương mại tự do đa phương và song phương đã tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động xuất nhập khẩu, lưu thông hàng hóa, trong đó có thuốc nhưng đồng thời cũng gây ra các nguy cơ và khó khăn trong việc kiểm soát việc vận chuyển, kinh doanh, xuất nhập khẩu hàng hóa giả, kém chất lượng.

Thứ hai, sự phát triển nhanh chóng về công nghệ, trong đó có công nghệ in ấn, sản xuất bao bì thúc đẩy sản xuất phát triển nhưng cũng tạo điều kiện cho các hoạt động làm giả hồ sơ giấy tờ, bao bì, nhãn mác ngày càng tinh vi và khó phát hiện hơn. Rất ít hoặc không có những dấu hiệu để nhận biết, phân biệt thuốc thật – thuốc giả bằng cảm quan và các phương pháp phân tích thông thường.

Thứ ba, liên quan đến hoạt động bán thuốc qua mạng internet, cùng với sự phát triển của cơ sở hạ tầng mạng internet và các ứng dụng, sự thuận tiện và khả năng tiếp cận của tất cả người dân với qua mạng internet, việc bán thuốc qua mạng internet đang ngày một phổ biến trong khi hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật liên quan còn chưa đầy đủ, đồng bộ và chưa theo kịp sự phát triển của xã hội, công nghệ.

bo-y-te-viet-nam-de-xuat-hai-nhom-giai-phap-chong-thuoc-gia-kem-chat-luong

Bộ trưởng Y tế cùng các đại biểu tham dự hội nghị tại Campuchia. Ảnh: VGP 

Trước những thách thức trên, ngành Y tế Việt Nam đã thực hiện đồng thời rất nhiều nhóm giải pháp mang tính đồng bộ, trong đó đáng chú ý là nhóm giải pháp về thể chế và nhóm giải pháp minh bạch hóa hệ thống quản lý và kiểm soát chất lượng. 

Việt Nam cho rằng cơ quan quản lý dược của các nước ASEAN cần hợp tác hơn nữa thông qua các hoạt động tăng cường với 2 nhóm giải pháp gồm: Thiết lập thêm các thỏa thuận công nhận lẫn nhau liên quan đến các nội dung chuyên môn về dược như kỹ thuật trong sản xuất, thiết lập các tiêu chuẩn về dược cũng như triển khai một cách có hiệu quả các thỏa thuận hiện có. Đồng thời, tăng cường chia sẻ các thông tin cấp phép lưu hành sản phẩm dược phẩm; hỗ trợ và tạo thuận lợi để giúp cơ quan quản lý dược nước thành viên khác có thể dễ dàng thẩm tra thông tin về các sản phẩm có xuất xứ từ nước mình; tăng cường tính hiệu quả của hệ thống báo cáo giám sát hậu mại (PMS) hiện nay của ASEAN để cơ quan quản lý dược các nước có thể sớm được tiếp cận được thông tin về thuốc giả, thuốc kém chất lượng và có các can thiệp kịp thời.

Ngày 29/8, tại phiên toàn thể của Hội nghị Bộ trưởng Y tế ASEAN lần thứ 14 có chủ đề “Tăng cường Sức khỏe cho mọi người dân ASEAN”, Bộ trưởng Bộ Y tế Việt Nam cũng đã có bài phát biểu nhấn mạnh, Việt Nam đã thực hiện 10 chính sách cải cách y tế nhằm tăng cường hiệu quả hoạt động của hệ thống y tế nhằm cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe tốt hơn cho người dân.

Trong đó, Bộ trưởng đã chia sẻ một số giải pháp chủ yếu như: Tăng cường năng lực mạng lưới y tế cơ sở trong cung ứng các dịch vụ chăm sóc sức khỏe, chú trọng tới tăng cường sức khỏe, chăm sóc sức khỏe ban đầu và phòng ngừa bệnh tật là trọng tâm của đổi mới; đảm bảo tất cả mọi người dân đều được tiếp cận các dịch vụ y tế cơ bản...; đổi mới cơ chế tài chính y tế...

Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến cũng khẳng định cam kết của Việt Nam trong thực hiện Chương trình nghị sự 2030 về phát triển bền vững hướng tới mục tiêu bao phủ chăm sóc sức khỏe toàn dân.

Theo VietQ