Bút chiếu laser làm tổn hại mắt tuyệt đối không cho trẻ nhỏ làm đồ chơi

Theo nhiều nghiên cứu của các nhà khoa học đến từ Anh, Australia cho thấy, bút chiếu laser rất nhuy hiểm tuyệt đối không để cho trẻ nhỏ làm đồ chơi.

Báo VnExpress dẫn thông tin từ BBC cho hay, không ít bố mẹ cho con nhỏ chơi bút chiếu laser song đây là điều cực kỳ có hại. Từ năm 2012, Anh ghi nhận ít nhất 47 trường hợp trẻ em bị tổn thương mắt vĩnh viễn do bị tia laser chiếu vào. Nguy cơ chấn thương ở trẻ em cao hơn đáng kể so với người lớn bởi chúng thường không biết chớp mắt hoặc quay mặt đi khi bị chiếu laser.

Hiện, Chính phủ Anh đã cấm bán các thiết bị laser có công suất nguồn lớn hơn một mmW (miliwatt) và cam kết ngừng nhập khẩu các loại đèn laser công suất lớn. Tuy nhiên, ông Robert Chantry Price, Viện trưởng Viện Tiêu chuẩn Thương mại cho biết, nhiều sản phẩm được mua qua mạng từ những nguồn bên ngoài tầm kiểm soát của EU, không tuân theo tiêu chuẩn châu Âu và công suất thật lớn hơn chỉ số trên bao bì.

but-chieu-laser-lam-ton-hai-mat-tuyet-doi-khong-cho-tre-nho-lam-do-choi

 Bút chiếu laser có thể làm tổn thương mắt vĩnh viễn.

Để phòng tránh tai nạn đáng tiếc do bút chiếu laser, Phòng Tiêu chuẩn Thương mại Anh phát động chiến dịch tuyên truyền về sự nguy hiểm của sản phẩm này thông qua video và poster.

Chính phủ nước này cũng thắt chặt Luật lạm dụng laser nhằm vào hành vi sử dụng bút chiếu laser gây mất tập trung cho phi công, người điều khiển giao thông hay người lái xe máy. Người vi phạm có thể bị phạt tù tối đa 5 năm và phạt tiền.

Liên quan tới tác hại khi dùng bút chiếu laser, trước đó báo Kiến Thức đưa tin, nhóm các nhà nghiên cứu ở Đại học RMIT tại Australia đã phát hiện các nhà sản xuất đã bỏ qua thiết bị lọc hồng ngoại để giảm chi phí sản xuất nhưng lại biến dụng cụ bút laser nhỏ xíu trở nên nguy hại hơn rất nhiều.

Theo WHO thì tia laser phát ra bức xạ, hay còn được gọi là ánh sáng với đặc tính hoàn toàn khác biệt so với ánh sáng mặt trời hay ánh sáng đèn điện. Bức xạ này có rất nhiều bước sóng khác nhau nên có màu sắc khác nhau. Ánh sáng đèn điện có phân kỳ rất cao nên tỏa đi mọi hướng. Ngược lại, ánh sáng laser có bước sóng hẹp nên phân kỳ rất ít và có thể chiếu lên mặt phẳng ở cách xa hàng trăm mét.

Phần lớn các loại bút laser đều sử dụng ánh sáng đỏ với bước sóng từ 630-670 nanomet. Còn những loại bút đắt tiền hơn một chút lại sử dụng ánh sáng xanh với bước sóng khoảng 532 nanomet. Phản xạ nhìn của mắt người phụ thuộc vào bước sóng, tức nếu nhìn tia laser có bước sóng 635nm thì thấy sáng hơn 10 lần so với tia laser có bước sóng 670nm.

WHO cũng chia ra 5 loại tia laser cấp độ 1, 2, 3A, 3B và 4 và chỉ những bút laser cấp độ 1 và 2 mới được dùng trong giảng dạy vì bảo đảm an toàn với mắt. Cấp độ 3, 4 được dùng trong những môi trường làm việc mà chỉ những người sử dụng đã được đào tạo mới sử dụng được vì nguy hiểm hơn.

Nghiên cứu nói trên được thực hiện với cả bút laser ánh sáng xanh, đỏ và phát hiện ra bút laser màu đỏ khá an toàn còn tất cả bút laser có ánh sáng xanh thì đều vượt ngưỡng an toàn tới 127 và có thể gây ảnh hưởng tới võng mạc mắt.

Tia laser xanh tuy tạo điểm tập trung tốt hơn tia laser đỏ và được ưa chuộng hơn nhưng điều nguy hiểm là ở chỗ mắt người sẽ tự động chớp và quay đi khi bị ánh sáng chiếu vào nhưng ánh sáng xanh có bức xạ hồng ngoại cao hơn nên mắt người không tự động phản ứng như trên.

Ngoài bút laser thì tia laser còn được dùng trên một số đồ chơi trẻ em có phát sáng. Tuy nhiên cũng chỉ tia laser cấp độ 1 và 2 mới an toàn cho trẻ nhỏ và điều này thì không phải ai cũng kiểm chứng được. Vì vậy tốt hơn hết là không nên mua đồ chơi có đèn laser cho trẻ em để tránh ảnh hưởng đến mắt.

Theo VietQ