Ca sĩ MiA cấp cứu, suy gan vì dùng quá liều loại thuốc hàng triệu người Việt thường xuyên dùng

Nữ ca sĩ uống 5 viên thuốc nhằm giảm cơn đau đầu dữ dội và phải nhập viện cấp cứu ngay sau đó.

Ca sĩ MiA khiến fan lo lắng khi chia sẻ về chuyện vừa phải nhập viện cấp cứu vì lạm dụng thuốc. Nữ ca sĩ cho biết thường mắc chứng đau đầu thường xuyên nên lúc nào cũng thủ sẵn Panadol trong người.

ca-si-mia-cap-cuu-suy-gan-vi-dung-qua-lieu-loai-thuoc-hang-trieu-nguoi-viet-thuong-xuyen-dung

Ca sĩ Mia

"Uống thấy hiệu quả ngay nên khoái lắm, hay lạm dụng. Thế là hôm qua (9/3) nhức đầu muốn khùng nên uống hai viên. Mãi sau vẫn thấy nhức uống thêm 3 viên. Thế là cấp cứu luôn. Xét nghiệm bác sĩ bảo là mình bị suy gan do lạm dụng quá nhiều thuốc Panadol. Từ nay không bao giờ dám đụng tới nữa", MiA tâm sự.

ca-si-mia-cap-cuu-suy-gan-vi-dung-qua-lieu-loai-thuoc-hang-trieu-nguoi-viet-thuong-xuyen-dung

Nhiều bạn bè, người hâm mộ giật mình cho rằng MiA quá liều lĩnh khi uống tới 5 viên thuốc cùng một lúc.

MiA tên thật là Đặng Thị Tuyết Trinh, sinh năm 1991. Cô từng được khán giả nhớ đến khi tham gia chương trình “Gương mặt thân quen”, “The Remix” và theo đuổi dòng nhạc trẻ trung, sôi động như R&B, Dance,... kết hợp vũ đạo mạnh mẽ. Cô từng là học trò ruột của nàng “đả nữ” Ngô Thanh Vân trước khi tách riêng hoạt động và cho ra mắt nhiều MV có mức đầu tư “khủng”.

Những lưu ý khi dùng thuốc giảm đau, hạ sốt

Panadol là thuốc giảm đau, hạ sốt, thành phần chính là paracetamol. Đây là thuốc được dùng phổ biến, nhiều hiệu thuốc vẫn bán mà không cần toa của thầy thuốc. Hiện trên thị trường có hàng trăm loại thuốc chứa hoạt chất này hoặc phối hợp thêm với một hoặc vài dược chất khác.

Paracetamol còn có nhiều dạng bào chế, thuốc viên thì có viên nén thường, nén bao phim, nén nhai, rồi viên sủi, thuốc bột, thuốc cốm, thuốc đạn, dạng siro... hàm lượng khác nhau, từ 80 mg, 150 mg, 250 mg đến 500 mg.

Bệnh viện Bạch Mai từng tiếp nhận, điều trị nhiều ca bệnh ngộ độc thuốc paracetamol. Cách đây không lâu, Trung tâm Chống độc của viện này tiếp nhận một nam thanh niên 22 tuổi (Sơn La) trong tình trạng tổn thương gan, viêm gan rất nặng, hôn mê sâu, có dấu hiệu suy gan.

"Trước đó, người bệnh đã uống 19 viên thuốc paracetamol loại 500 mg chỉ trong hai ngày để hạ sốt. Nam bệnh nhân đã dùng quá liều thuốc paracetamol dẫn đến ngộ độc, lại có tiền sử viêm gan B làm tăng tình trạng nặng của bệnh" - ThS Nguyễn Trung Nguyên, Phụ trách Trung tâm Chống độc cho biết.

Theo BS Nguyên, nếu không để ý hàm lượng thuốc, người dùng rất dễ xảy ra tình trạng ngộ độc paracetamol. Với người khoẻ mạnh, chỉ cần hai ngày liền dùng trên 3g paracetamol là đã có nguy cơ viêm gan.

Ngoài người lớn, Trung tâm chống độc cũng từng tiếp nhận bệnh nhi được bố mẹ cho uống giảm đau, hạ sốt vô tội vạ. Vài năm trước, Trung tâm đã từng rửa dạ dày, thuốc giải độc cho bé trai 6 tuổi ở Gia Lâm (Hà Nội) chỉ vì dùng quá nhiều giảm đau, hạ sốt.

Theo đó, từ sáng tới trưa, khi thấy đã 4 lần cho con uống thuốc giảm sốt mà bé vẫn 39 độ C, mẹ bé đưa con đến phòng khám gần nhà và bé lại được nhét 2 viên eferalgan, đồng thời tiêm thêm thuốc. Sau đó, bé nôn ra máu và phải đi cấp cứu ngay. Tại bệnh viện, kết quả xét nghiệm máu của bé cho thấy, nồng độ Acetaminophen (paracetamol) trong máu của bé rất cao, vượt ngưỡng cho phép.

Khi sử dụng thuốc có thành phần paracetamol, các chuyên gia đặc biệt lưu ý về liều lượng. Theo đó, với trẻ em dưới 12 tuổi, liều uống paracetamol được khuyến cáo là 10-15 mg/kg trọng lượng hoặc đặt hậu môn mỗi 4-6 giờ, tối đa không vượt quá 5 lần/ngày.

Với trẻ em dưới hai tuổi hoặc cân nặng dưới 11 kg dùng paracetamol theo chỉ định của thầy thuốc. Với người lớn, liều khuyến cáo là 60-80 mg/1kg/ngày và không được quá 4g/ngày. Người Việt trưởng thành tốt nhất là mỗi ngày chỉ dùng dưới 2g, có thể cho phép đến 3g (6 viên loại 500 mg) nhưng có nguy cơ ngộ độc, nhất là với người có tiền sử viêm gan, thể trạng yếu, nghiện rượu...

Khi bị ngộ độc, người bệnh có các biểu hiện: Chán ăn, buồn nôn, vã mồ hôi, khó chịu, có thể đau hạ sườn phải. Trường hợp nặng, bệnh nhân tử vong do suy đa tạng (thận, gan). Ngay khi biết uống quá liều paracetamol, cần tìm cách xử lý, gây nôn, dùng than hoạt hoặc thuốc tẩy muối hay nước chè đặc để làm giảm hấp thu lượng độc cho gan. Các trường hợp có triệu chứng rõ ràng của nhiễm độc cần nhanh chóng đến cơ sở y tế cấp cứu.

Võ Thu

Theo GiaDinh