Cách cực kỳ đơn giản trị viêm amidan không cần cắt bỏ, không dùng kháng sinh

Điều trị viêm amidan do vi khuẩn gây ra thường được chỉ định dùng kháng sinh, còn nếu nguyên nhân gây ra là virus thì việc dùng kháng sinh không được khuyến khích. Dưới đây là những cách trị viêm amidan nếu mức độ chưa cần cắt bỏ cũng chưa cần dùng kháng sinh để bạn tham khảo.

Viêm amidan là gì?

Viêm amidan là tình trạng viêm nhiễm mắc phải ở bộ phận amidan. Amidan là cấu trúc bên trong vòm họng có chức năng quan trọng là ngăn chặn sự xâm nhập của vi khuẩn và virus đi vào cơ thể qua đường hô hấp. Khi hệ miễn dịch suy yếu và viêm nhiễm ở bộ phận này quá lớn sẽ biểu hiện thành bệnh viêm amidan. Viêm amidan gây ra do vi khuẩn hoặc virus và được chia thành 2 dạng: viêm amidan cấp tính và viêm amidan mãn tính. Đối với bất kì một bệnh nào cũng vậy, việc phát hiện sớm và điều trị kịp thời làm tăng tỉ lệ thành công cũng như ngăn chặn các biến chứng mà bệnh gây ra.

Hậu quả khi lạm dụng thuốc kháng sinh chữa viêm amidan

Nhiều người cứ nghĩ đơn giản rằng có bệnh uống thuốc sẽ hết, và viêm amidan cũng vậy cứ uống kháng sinh sẽ hết bệnh. Đây chính là một sai lầm nghiêm trọng mà nhiều người đang gặp phải.

Nói về vai trò của thuốc kháng sinh, chúng ta không thể phủ nhận. Đó là khả năng tiêu diệt vi khuẩn gây bệnh, ngăn chặn không cho vi khuẩn phát triển và sinh sôi. Tuy nhiên nếu không tuân thủ đúng thời gian và liều lượng. Đặc biệt quá lạm dụng thuốc thì người bệnh sẽ có nguy cơ gặp phải những hệ lụy sau đây:

Gây tình trạng nhờn thuốc; Gây các bệnh lý về dạ dày như viêm loét, trào ngược dạ dày thực quản; Có nguy cơ gây dị ứng và phản ứng thuốc

Ở nước ta hiện nay việc tự ý mua và sử dụng thuốc còn tồn tại rất phổ biến. Vì vậy mà chính người bệnh đã phải gánh chịu những hậu quả đáng tiếc. Trước thực trạng này, mọi người được khuyến cáo cần tuân thủ việc điều trị theo đúng phác đồ, đơn thuốc mà bác sỹ đã chỉ định. Kịp thời trao đổi với bác sỹ những dấu hiệu bất thường để có biện pháp khắc phục tốt nhất.

Cách trị amidan không cần dùng kháng sinh

Súc miệng bằng nước muối

Nước muối là giải pháp đầu tiên được lựa chọn để đối phó với các bệnh về đường hô hấp. Không có khả năng chữa lành bệnh, tuy nhiên nó thực sự cần thiết và là biện pháp đơn giản để đối phó và ngăn chặn sự phát triển của vi khuẩn cư ngụ nơi vòm họng.

Nước muối bạn dùng để súc họng nên là muối hạt sạch, sử dụng nước ấm pha loãng và súc họng hàng ngày nhất là buổi sáng sau khi ngủ dậy và buổi tối trước khi đi ngủ.

Súc họng bằng dung dịch sát khuẩn betadine (màu xanh)

Sử dụng 20-30 ml dung dịch betadine không pha loãng, hoặc pha loãng đến 2 phần nước. Súc miệng - họng (không nuốt) trong ít nhất 30 giây, lặp lại 4 lần/ngày nếu cần. Khi có tổn thương nên súc miệng-họng trong 2 phút, 4 lần/ngày (đặc biệt sau khi ăn). Thời gian sử dụng thông thường (trừ khi có chỉ định khác của bác sỹ) là khoảng từ 7-14 ngày mỗi đợt điều trị.

Nhâm nhi trà gừng

Gừng có tính ấm, là cách trị ho cũng như viêm amidan hữu hiệu. Chúng có khả năng làm dịu cơn đau họng, kháng viêm hiệu quả. Gừng tươi rửa sạch, gọt vỏ rồi đập dập cho vào tách nước nóng. Tiếp tục cho 1 vài lát chanh tươi và 1 muỗng cà phê mật ong. Chỉ cần nhâm nhi thức uống này, bạn sẽ thấy bệnh thuyên giảm nhanh chóng.

Uống mật ong và chanh tươi

Chanh tươi là loại trái cây chứa nhiều axit acitric, vitamin C. Đối với việc chữa bệnh, chanh có tác dụng kháng khuẩn hữu hiệu, giúp làm sạch cổ họng và giảm cảm giác đau rát họng. Mật ong và chanh tươi là sự kết hợp hoàn hảo để tiêu đờm, tăng sức đề kháng cho cơ thể.

Chỉ cần dùng 1 thìa nước cốt chanh và 1 thìa mật ong, cho thêm một ít nước lọc sao cho vừa uống. Bạn nên dùng 2 lần mỗi ngày để thu được kết quả tốt nhất.

Một số cách khác giúp chữa viêm amidan hiệu quả

- Uống thật nhiều nước: nước chiếm 70% cơ thể, nó luôn cần thiết cho mọi hoạt động của cơ thể. Và đặc biệt, đối với bệnh viêm họng hay viêm amidan thì việc cung cấp nước từ 2 - 2,5 lít nước mỗi ngày là cực kì quan trọng. Giúp cơ thể hoạt động thông suốt, làm dịu cổ họng và tạo màng nhầy bảo vệ cổ họng.

- Bổ sung các chất dinh dưỡng cần thiết, đặc biệt là các loại rau củ, nước ép trái cây có nhiều vitamin A, C… rất có lợi cho cổ họng và tăng sức đề kháng cho cơ thể.

- Tránh các loại chất kích thích và thực phẩm cứng, món cay, chứa nhiều dầu mỡ…bởi chúng làm cho họng tổn thương nặng hơn, gây kích ứng cổ họng và tăng đờm.

- Vệ sinh răng miệng sạch sẽ và giữ ấm cơ thể…

Tùng Anh (th)

Theo GiaDinh