Cách gì để nhận biết hàng "thiếu chuẩn" trên sàn giao dịch thương mại điện tử?



Theo chuyên gia Thương mại, có đến 80% người dùng gặp rủi ro khi mua hàng trên sàn thương mại điện tử. Để nhận biết hàng “thiếu chuẩn” khi mua thì chỉ còn cách “xem hàng trên mạng, mua hàng tại chỗ”.

Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương) vừa gỡ bỏ gần 8.900 gian hàng với gần 23.000 sản phẩm thiết bị y tế vi phạm.

Các sản phẩm thiết bị y tế vi phạm chủ yếu là khẩu trang, nước sát khuẩn bị gỡ bỏ trên sàn giao dịch thương mại điện tử Sendo. vn, Shopee. vn, Chotot. com, Lazada. vn, Tiki. vn, Fado. vn, Bibomart. com.vn, Vatgia. com...

Thông qua biện pháp kỹ thuật để loại bỏ hàng hóa vi phạm sẽ ngăn chặn và loại bỏ các sản phẩm "thiếu chuẩn", đặc biệt là ngăn chặn việc lợi dụng dịch bệnh COVID-19 để tăng giá, gây mất ổn định thị trường.

cach-gi-de-nhan-biet-hang-thieu-chuan-tren-san-giao-dich-thuong-mai-dien-tu

Theo chuyên gia thương mại, Để nhận biết hàng “thiếu chuẩn” khi mua thỉ còn cách “xem hàng trên mạng, mua hàng tại chỗ”. Ảnh minh họa

Liên quan đến vấn đề này, ngày 5/3, trao đổi với PV, chuyên gia thương mại Vũ Vinh Phú cho biết, tình trạng kinh doanh, buôn bán bị gỡ bỏ như trên chủ yếu là hàng cấm, hàng giả, hàng vi phạm sở hữu trí tuệ, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ, hàng kém chất lượng. 

Ngoài ra, hàng giả có chứa một hoặc nhiều dấu hiệu giả như trên. Ví dụ vừa giả mạo nhãn hiệu hàng hóa vừa giả chất lượng, công dụng.

Thế nhưng, nguy hiểm hơn là những mặt hàng vi phạm này lại được đăng bán công khai trên các website thương mại điện tử, sàn giao dịch thương mại điện tử, mạng xã hội đã đến mức báo động, gây ảnh hưởng đến xã hội, đến niềm tin của người tiêu dùng.

Chuyên gia thương mại Vũ Vinh Phú nhấn mạnh: "Có một thực tế là rất nhiều người kinh doanh online (tức không có cửa hàng, nơi giao dịch cố định) trên mạng xã hội, sàn thương mại điện tử sẽ tự động xóa gian hàng sau một thời gian. Vì vậy, người tiêu dùng rất khó để phân biệt hàng "thiếu chuẩn" nếu chỉ được xem gián tiếp qua màn hình. Có đến 80% người tiêu dùng mua hàng trên các sàn thương mại điện tử sẽ bị rủi ro bởi sản phẩm không đi đôi với chất lượng hoặc giá thành. Nếu người tiêu dùng bị yêu cầu buộc phải thanh toán trước số tiền hàng thì nguy cơ rủi ro càng cao hơn nữa".

Ông Phú cho biết: "Người tiêu dùng rất khó để nhận biết những hàng vi phạm bằng mắt thường gián tiếp qua màn hình. Cách duy nhất để giảm thiểu rủi ro khi mua hàng trên các sàn thương mại điện tử hoặc mạng xã hội là "xem hàng trên mạng, mua hàng tại chỗ".

Năm 2019, lực lượng QLTT cả nước đã kiểm tra 2.403 vụ việc, xử lý 2.213 vụ vi phạm hành chính, xử phạt trên 16 tỷ đồng các hành vi vi phạm về thương mại điện tử và lợi dụng thương mại điện tử để kinh doanh hàng hoá nhập lậu, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, hàng giả.

Để tiếp tục kiểm soát chặt chẽ hơn nữa việc tuân thủ quy định pháp luật về thương mại điện tử và các mô hình kinh doanh thương mại điện tử, Tổng Cục QLTT đã ban hành quyết định thành lập tổ công tác về Thương mại điện tử do ông Nguyễn Kỳ Minh, Phó Chánh văn phòng Tổng cục làm Tổ trưởng (Tổ 368).

Tổ 368 có nhiệm vụ tham mưu, giúp Tổng cục trưởng về công tác QLTT trong thương mại điện tử trên phạm vi cả nước để nắm tình hình, kiểm tra, kiểm soát, đôn đốc việc tuân thủ các quy định pháp luật về thương mại điện tử của tổ chức, cá nhân.

Theo GiaDinh