Căn bệnh khiến NSND Anh Tú tử vong đứng thứ 3 trong nguyên nhân gây tử vong cho người Việt

Căn bệnh khiến NSND Anh Tú - Giám đốc Nhà hát Kịch Việt Nam qua đời ở tuổi 56 được xác định là nguyên nhân gây tử vong đứng thứ 3 chỉ sau tim mạch và ung thư.

Như đã thông tin, sau nhiều tháng chữa trị căn bệnh tiểu đường biến chứng, NSND Anh Tú đã qua đời lúc 12h15 phút trưa nay (20/12) tại Bệnh viện nhiệt đới Trung Ương cơ sở Đông Anh.

Đã có thời điểm, sức khỏe vị giám đốc Nhà hát kịch Việt Nam này đã rất nguy kịch khi sụt cân, mắt mờ khó nhận ra người xung quanh.

Căn bệnh mà NSND Anh Tú mắc phải rất phổ biến. Theo Liên đoàn Đái tháo đường thế giới (IDF), hiện toàn thế giới có trên 415 triệu người bị tiểu đường, con số này dự kiến sẽ tăng lên 642 triệu người vào năm 2040.

Theo đó cứ 11 người trưởng thành sẽ có 1 người bị đái tháo đường và mỗi năm có hơn 5 triệu người tử vong, tương đương cứ mỗi 6 giây có 1 người chết vì căn bệnh này. Gánh nặng bệnh tật của đái tháo đường cao gấp 20-40 lần so với những bệnh lây nhiễm khác.

can-benh-khien-nsnd-anh-tu-tu-vong-dung-thu-3-trong-nguyen-nhan-gay-tu-vong-cho-nguoi-viet

Nghệ sĩ Nhân dân Anh Tú (1962-2018).

Tại Việt Nam, hiện có khoảng 3,5 triệu người bị tiểu đường. Trong 10 năm, tỉ lệ tiền tháo đường cũng tăng từ 7,7% lên 14%.

Tiểu đường là nguyên nhân gây tử vong đứng thứ 3 chỉ sau tim mạch và ung thư. Riêng trong năm 2017, có 29.000 người chết do các nguyên nhân có liên quan đến tiểu đường, tương đương với 80 ca tử vong/ngày.

Theo TS Trương Đình Bắc - Phó Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, đái tháo đường nằm trong số 10 nguyên nhân gây tử vong và tàn phế hàng đầu ở cả hai giới, gây ra các biến chứng nặng nề về tim mạch, tổn thương thần kinh, suy thận, nhiễm trùng và gây tổn thương bàn chân có thể dẫn đến phải cắt cụt chi. Ước tính năm 2016, trong số gần 550.000 ca tử vong, có tới 4% là do đái tháo đường.

Dù số lượng người mắc rất lớn, tuy nhiên, theo đại diện Cục Y tế dự phòng, mới chỉ có gần 30% bệnh nhân đái tháo đường được quản lý, dự phòng và dùng thuốc theo quy định. Có nghĩa là tại Việt Nam, hơn 70% người chưa hề biết mình bị mắc bệnh.

TS.BS Nguyễn Quang Bảy – Phụ trách khoa Nội tiết và ĐTĐ (Bệnh viện Bạch Mai) cho hay, ĐTĐ có thể được coi là đại dịch còn bởi nó có nguy cơ gây ra gánh nặng bệnh tật gấp 20-40 lần so với những bệnh lây nhiễm.

ĐTĐ là nguyên nhân hàng đầu gây mù lòa, suy thận, gây cụt chi chỉ sau tai nạn giao thông, nhồi máu cơ tim, đột quỵ, bất lực, rối loạn nhận thức, giảm tuổi thọ, giảm chất lượng cuộc sống.

Đặc biệt, nhiều người đang sống với bệnh ĐTĐ type 2 trong một thời gian dài không nhận biết được tình trạng bệnh, đến khi được chẩn đoán thường đã xuất hiện các biến chứng của bệnh như tim mạch, suy thận, thần kinh, biến chứng bàn chân đái tháo đường...

Việc gia tăng nhanh chóng căn bệnh nguy hiểm này theo các chuyên gia là do nhiều yếu tố nguy cơ như: Dinh dưỡng không hợp lý, lười vận động...

Theo GiaDinh