Cẩn trọng nhiễm trùng máu khi tùy tiện dùng Đông y trị thủy đậu

Thời điểm này đang là “mùa” bệnh thủy đậu, nhiều người chọn Đông y điều trị thủy đậu để không để lại sẹo. Tuy nhiên, các chuyên gia y tế khuyến cáo cần phải có sự chỉ định hoặc hướng dẫn của bác sỹ Đông y vì nếu việc điều trị không đúng, thủy đậu sẽ gây nhiễm trùng máu, biến chứng viêm phổi, viêm tủy, viêm tiểu não…

 Các bậc cha mẹ không nên sử dụng các bài thuốc truyền miệng để điều trị thủy đậu cho trẻ. Ảnh: TL

Các bậc cha mẹ không nên sử dụng các bài thuốc truyền miệng để điều trị thủy đậu cho trẻ. Ảnh: TL

Thận trọng với các loại lá

Thời điểm này đang là “mùa” bệnh thủy đậu. Tại các bệnh viện không chỉ ghi nhận trường hợp trẻ nhỏ mà ngay cả người lớn cũng mắc nhiều. Bên cạnh việc điều trị Tây y, không ít người lựa chọn thuốc Đông y trị thủy đậu để tránh bị sẹo.

Trên một diễn đàn về trẻ nhỏ, nhiều bà mẹ đã truyền nhau bài thuốc chữa thủy đậu bằng lá dâu tằm, kết hợp với một số vị thuốc Đông y khác là cỏ mần chầu, cam thảo… sau đó sắc lấy nước uống. Như chia sẻ trên mạng Internet, chỉ cần làm liên tục trong 2 ngày những nốt thủy đậu sẽ dần mất.

Về vấn đề này, lương y Vũ Quốc Trung - Hội Đông y Việt Nam cho biết, việc dùng các bài thuốc Đông y chữa thủy đậu vẫn được áp dụng nhưng cần thận trọng. Các bậc cha mẹ không nên tự ý cắt thuốc cho trẻ, hoặc sử dụng các bài thuốc truyền miệng, khi dùng phải có sự chỉ định hoặc hướng dẫn của bác sĩ Đông y.

Theo y học cổ truyền, thủy đậu là do phong nhiệt xâm phạm vào phế qua đường miệng. Trường hợp nhẹ, thủy đậu mọc rải rác, sốt nhẹ, ho ít, nước mũi trong loãng, ăn uống bình thường thì phương pháp chữa là sơ phong thanh nhiệt. Theo đó, nhiều người vẫn truyền nhau rằng chỉ cần tắm nước lá dâu tằm hay uống nước lá dâu tằm là chữa được khỏi bệnh. Nhưng đây là điều hoàn toàn sai.

Thực tế trong các bài thuốc Đông y chữa thủy đậu có bài thuốc dùng lá dâu tằm để sắc lấy nước uống nhưng cần phải kết hợp nhiều vị thuốc khác. Chẳng hạn bài thuốc gồm các vị: Lá dâu 12g, lá tre 16g, cam thảo đất 8g, bạc hà 6g, rễ sậy 10g, ngân hoa 10g, kinh giới 8g. Sắc uống ngày 1 thang.

Ngoài ra, lá dâu tằm không phải cứ hái về đun nước là có tác dụng mà cần phải chú ý khi chọn. Lá cần loại bánh tẻ đem thái nhỏ, phơi khô trong râm rồi mới kết hợp với các thảo dược khác để sắc nước uống hàng ngày.

Ở trường hợp nặng hơn khi thủy đậu mọc nhiều, màu sắc tím tối, xung quanh nốt đậu có màu đỏ sẫm, sốt cao, mặt đỏ, niêm mạc miệng có những nốt phỏng…bài thuốc cần bổ sung các vị xích thược 8g, chi tử sao 8g, bồ công anh 16g, kinh nhân 12g, tế sinh địa 12g, liên kiều 8g. Sắc uống ngày một thang chia uống 3 lần/ngày. Uống nóng sau khi ăn 30 phút.

BS Trương Hữu Khanh, Trưởng khoa Nhiễm - Thần kinh (Bệnh viện Nhi Đồng I, TPHCM) cho biết, thủy đậu xuất hiện quanh năm, thời điểm đông xuân số lượng trẻ mắc bệnh thường nhiều hơn. Bệnh không có triệu chứng nặng nề ngoài những mụn nước nhưng cũng có thể gây ra biến chứng nặng từ nhiễm trùng da nơi mọc mụn nước đến nhiễm trùng huyết, viêm não, thậm chí tử vong.

Trong quá trình khám chữa bệnh, bác sỹ đã gặp nhiều trường hợp trẻ gặp biến chứng do nhiều cha mẹ tự ý sử dụng các loại thuốc đông y không rõ nguồn gốc hoặc truyền tai nhau kinh nghiệm điều trị bằng cách mang lá đi đun cho uống, cho tắm, nhất là với gốc rạ. Theo BS Hữu Khanh, điều này là phản khoa học vì dễ làm da trẻ nhiễm trùng, bệnh nặng hơn.

Ngoài ra, nhiều người lại cho rằng, khi gặp nước hay gặp gió bệnh sẽ trở nặng hơn. Hay ngược lại, có người nghĩ trùm kín mụn “trổ” ra sẽ nhanh hết bệnh. Tất cả điều này đều không đúng. Khi cơ thể ra nhiều mồ hôi lại không được vệ sinh sạch gây ngứa ngáy, dễ nhiễm trùng mụn nước và để lại sẹo. Trẻ cũng có thể sốt cao hơn vì nhiệt cơ thể không thoát.

Người bị thủy đậu nên ăn gì?

BS Hữu Khanh cho biết, thủy đậu do virus Varicella - Zoster gây ra, chưa có thuốc chữa đặc hiệu mà chủ yếu điều trị triệu chứng, đặc biệt là ngứa và tránh bội nhiễm da. Bên cạnh đó, có thể dùng thuốc ức chế sự phát triển của virus thủy đậu.

Điều quan trọng nhất trong khi bị thủy đậu là phải giữ cho cơ thể luôn sạch sẽ, tránh việc để nhiễm khuẩn các bọng nước khiến gây ra những biến chứng nguy hiểm. Để tránh các biến chứng, người bệnh cần được tắm sạch sẽ chứ không phải kiêng tắm hoàn toàn như nhiều người nghĩ.

Lưu ý, người bị thủy đậu cần tắm nhanh, tắm nơi kín gió và tránh kì mạnh làm vỡ mụn nước. Sau khi tắm xong nên dùng vải thô sạch thấm khô da rồi mặc quần, áo rộng, thoáng. Với trẻ dưới 3 tháng tuổi nên cho trẻ đến cơ sở y tế để thăm khám. Nếu mụn nhiễm trùng tấy đỏ lan qua xung quanh hoặc cơ thể mọc nhiều mụn nước, sốt quá cao, bỏ ăn thở mệt nên đến cơ sở y tế chứ không nên dùng cách tắm các loại lá hay tự ý bôi thuốc.

Song song với biện pháp phòng bệnh, chế độ dinh dưỡng cũng đóng vai trò quan trọng với bệnh thủy đậu. Theo ThS.BS Lê Thị Hải - nguyên Giám đốc Trung tâm Tư vấn dinh dưỡng (Viện Dinh dưỡng Quốc gia), người bệnh nên tăng cường dinh dưỡng, ăn những thức ăn lỏng, dễ tiêu, vị thanh đạm, uống nhiều nước hoặc nước hoa quả. Sử dụng các món canh thanh nhiệt từ ru ngót, rau sam…

Người bệnh cần tránh các gia vị cay nóng, món ăn làm từ nếp như xôi, bánh chưng,… bởi có thể làm sưng, mưng mủ các nốt thủy đậu nhiều hơn. Tránh ăn các loại thức ăn nhiều dầu mỡ, cay nóng, có quá nhiều chất bổ, kiêng ăn các loại thịt có tính ôn, nóng như thịt gà, thịt chó có thể khiến bệnh thủy đậu thêm nghiêm trọng; không ăn hải sản bởi có chứa nhiều chất histamine, gây dị ứng, ngứa nhiều.

BS Trương Hữu Khanh, Trưởng khoa Nhiễm - Thần kinh (Bệnh viện Nhi Đồng I, TPHCM) khuyến cáo: “Cách phòng tránh bệnh thủy đậu tốt nhất là mọi người nên tiêm vaccine phòng tránh bệnh, thường xuyên rửa tay, mang khẩu trang cho trẻ nhỏ.

Nếu đã được chủng ngừa vaccinthủy đậu, 80-90% trường hợp có khả năng phòng bệnh tuyệt đối. Cũng có trường hợp có thể bị thủy đậu sau khi tiêm chủng, nhưng các trường hợp này chỉ bị nhẹ, rất ít nốt bỏng rạ và thường không bị biến chứng”.

Hà Dương - Hà My

Theo GiaDinh