Canada thông báo cấm sử dụng đồ nhựa dùng một lần vào năm 2021

Chính phủ Canada thông báo, nước này sẽ cấm sử dụng các vật dụng nhựa dùng một lần như ống hút, túi nylon, chai... kể từ năm 2021.

Thủ tướng Canada Justin Trudeau vừa đưa ra thông báo, từ năm 2021, nước này sẽ cấm sử dụng các vật dụng nhựa dùng 1 lần như ống hút, túi nylon, chai... nhằm cắt giảm lượng rác thải nhựa gây hại cho hệ sinh thái của nước này.

Thông báo này được đưa ra sau khi Nghị viện châu Âu thông qua lệnh cấm đối với các mặt hàng nhựa sử dụng 1 lần vào cuối tháng 3. Lệnh này bao gồm mục tiêu tái chế 90% chai nước giải khát bằng nhựa vào năm 2029.

Thủ tướng Canada cho biết, rác thải nhựa hiện đang làm ô nhiễm sông, hồ và các đại dương. Chúng vướng vào và làm chết các sinh vật biển như rùa, cá và các độn

“Đó là một vấn đề mà chúng ta không thể bỏ qua. Rác thải nhựa kết thúc vòng đời tại các bãi rác và lò đốt rác. Xả rác ở công viên và bãi biển, gây ô nhiễm sông, hồ và đại dương của chúng ta, khiến rùa, cá và động vật có vú dưới biển bị vướng vào mảnh nhựa, thậm chí giết chết chúng. Chưa tới 10% đồ nhựa sử dụng ở Canada được tái chế. Nếu không có sự thay đổi, người Canada sẽ vứt bỏ một lượng vật liệu nhựa ước tính trị giá 11 tỉ USD mỗi năm vào năm 2030", nhà lãnh đạo Canada nói.

Cũng theo thống kê từ chính phủ Canada, mỗi năm có 1 triệu con chim và hơn 100.000 động vật có vú trên biển trên toàn thế giới bị thương hoặc chết do ăn phải các loại rác thải nhựa. Ước tính, mỗi phút trôi qua lại có một xe tải chất thải nhựa đổ vào đại dương.

canada-thong-bao-cam-su-dung-do-nhua-dung-mot-lan-vao-nam-2021

Chính phủ Canada đang thực thi nhiều nỗ lực nhằm giảm tải sử dụng đồ nhựa trong cộng đồng người dân tại quốc gia này. Ảnh minh họa 

Một báo cáo của Ủy ban châu Âu cho thấy, 80% rác thải trong các đại dương trên thế giới là nhựa. Loại rác thải khó phân hủy này đã được tìm thấy bên trong các loài động vật biển như rùa, hải cẩu, cá voi và chim. Vào tháng 4, 22 kg nhựa thải (49 pounds) đã được tìm thấy trong bụng xác của một con cá nhà táng đang mang thai trôi dạt vào nước Ý.

Bộ trưởng Môi trường và Biến đổi khí hậu Canada Catherine McKenna khẳng định đã đến lúc phải hành động. "Chúng ta đều đã nhìn thấy những hình ảnh đáng lo ngại về cá, rùa biển, cá voi và các động vật hoang dã khác bị thương hoặc chết vì rác nhựa trong đại dương", bà Catherine McKenna nói.

Được biết, hiện có nhiều quốc gia trên thế giới đang thể hiện nỗ lực của mình trong cuộc chiến bảo vệ môi trường khỏi rác thải nhựa. Cụ thể, mới đây chính phủ Anh đã công bố sẽ cấm sử dụng các loại đồ nhựa dùng 1 lần vào năm 2020. Các quan chức ước tính mỗi năm quốc gia này tiêu thụ 4,7 tỷ ống hút và 316 triệu que khuấy bằng nhựa.

Trước đó, vào năm 2018, Trung Quốc đã quyết định cấm nhập khẩu chất thải nhựa để tái chế vào nước này. Malaysia và Philippines đều tuyên bố họ sẽ trả lại hàng trăm tấn chất thải nhựa bị ô nhiễm cho các quốc gia xuất khẩu, bao gồm cả Canada. Malaysia cũng đã tuyên bố họ không muốn trở thành bãi rác của thế giới.

Canada, Pháp, Đức, Anh và Ý, cùng với Liên minh châu Âu, đã đăng ký tại Hội nghị thượng đỉnh G7 năm ngoái ở Quebec cùng tham gia một điều lệ mới chống ô nhiễm ở các đại dương trên thế giới. Hoa Kỳ và Nhật Bản vẫn chưa tham gia hiệp ước. Hiến chương Nhựa Đại dương không bắt buộc các nước phải tham gia nhưng các nước EU vẫn cam kết sẽ có kế hoạch làm tất cả các loại nhựa có thể tái sử dụng, có thể tái chế hoặc thu hồi vào năm 2030. Tổng cộng có 21 chính phủ đã thực hiện cam kết đó, Trudeau nói. Ngoài ra, EU đầu năm nay đã thông qua luật cấm các sản phẩm nhựa sử dụng một lần bắt đầu từ năm 2021.

Theo VietQ