Cảnh báo son tự chế bán trên TikTok không an toàn, ảnh hưởng sức khỏe

Hiện nay trên TikTok đang xuất hiện những video trang điểm thủ công bằng son tự chế gây ra mối lo ngại về những sản phẩm son không đảm bảo an toàn.

Với giá thành nguyên vật liệu rẻ, các loại mỹ phẩm tự làm thủ công được bán với giá thấp hơn nhiều so với các loại mỹ phẩm có tên tuổi khác.

Thêm vào đó, tuy công thức và thành phần tương tự nhau, nhưng mỗi người biết cách tạo cho sản phẩm riêng của mình một hương vị, màu sắc hoặc hình dạng khác nhau nên mỹ phẩm mang những nét khác biệt riêng, lại được tiếng là mỹ phẩm có nguồn gốc hoàn toàn từ thiên nhiên, nên ngày càng có nhiều người lựa chọn sử dụng các sản phẩm này. Tuy nhiên, bên cạnh những ưu điểm nhất định thì loại mỹ phẩm này cũng tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây hại sức khỏe.

Theo ghi nhận của báo Sức khỏe và Đời sống, các loại son bóng rất bắt mắt, được làm thủ công và rẻ khiến chúng trở thành một mặt hàng hot đối với những người sành trang điểm trên TikTok.

canh-bao-son-tu-che-ban-tren-tiktok-khong-an-toan-anh-huong-suc-khoe

 Son tự chế thủ công trên TikTok. Ảnh: SK&ĐS

Nhiều video hàng đầu của TikTok tập trung vào các biện pháp vệ sinh khi làm mỹ phẩm thủ công, cho thấy những người sáng tạo đang rửa tay, lau sạch bề mặt bằng khăn lau Clorox, làm sạch máy làm son, đổ các ống rỗng vào dung dịch tẩy rửa trước khi bắt đầu quy trình. Một số cung cấp thông tin tổng quan về các thành phần có trong son bóng, như chất tạo độ bóng, dầu dừa. Trong một số trường hợp, họ công khai cả chất bảo quản.

Tuy nhiên, nhiều người bán khác không minh bạch như vậy, hoặc họ không liệt kê tất cả các thành phần họ sử dụng. Một phàn nàn phổ biến trong các bình luận của TikTok là một số chủ doanh nghiệp không sử dụng găng tay khi trộn các thành phần, hoặc họ làm việc trên các bề mặt không được lau và khử trùng, chẳng hạn như thảm trải sàn. Điều kiện không đảm bảo vệ sinh và thành phần không an toàn có thể dẫn đến phản ứng bất lợi cho người dùng.

Ở Hoa Kỳ, những loại mỹ phẩm này không phải được Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ phê duyệt. Trên thực tế, luật quản lý sự an toàn của các sản phẩm chăm sóc cá nhân ở Hoa Kỳ đã không thực sự thay đổi kể từ năm 1938.

Ngoài các chất phụ gia tạo màu, FDA không điều chỉnh các hóa chất trong các sản phẩm mỹ phẩm và không thể ban hành lệnh thu hồi bắt buộc nếu một sản phẩm được phát hiện là có hại. Không chỉ những người bán nhỏ phải đối mặt với các vấn đề an toàn với sản phẩm của họ, các công ty mỹ phẩm lớn cũng bị cáo buộc bán các sản phẩm độc hại.

Vào năm 2018, hàng nghìn người đã phàn nàn về tình trạng rụng tóc, da đầu bị kích ứng và các vấn đề liên quan đến tóc khác sau khi sử dụng các sản phẩm DevaCurl.

Vì vậy, ngay cả khi biết các thành phần trong một sản phẩm và nó được sản xuất trong phòng thí nghiệm vẫn có thể có phản ứng bất lợi với nó. Rủi ro đó chỉ có thể cao hơn với một sản phẩm thủ công vì nhiều biến số không được kiểm soát và ít biện pháp an toàn hơn.

Tiến sĩ Steve Xu, trợ lý giáo sư da liễu tại Trường Y Feinberg thuộc Đại học Northwestern cho biết: ‘Mọi người nên biết rằng mỹ phẩm không được quản lý chặt chẽ như thuốc’.

Tiến sĩ Tamarra James-Todd - PGS dịch tễ học môi trường sinh sản và chu sinh tại Đại học Harvard T.H, cho biết, người tiêu dùng nên nhớ rằng, chỉ vì một sản phẩm được làm thủ công, không có nghĩa là nó mặc nhiên tốt hơn hoặc an toàn hơn. Thông thường, mọi người đánh giá những thứ được làm tại nhà là tự nhiên hơn, nhưng có thể đang thêm thứ gì đó gây hại không kém vào sản phẩm của mình.

Bất kỳ ai tạo ra mỹ phẩm cho riêng mình, dù để bán hay để sử dụng cho mục đích cá nhân, nên tự tìm hiểu về từng thành phần mà mình đưa vào. Thường các chất bảo quản được sử dụng là paraben, một hóa chất cũng được tìm thấy trong nhiều loại mỹ phẩm và sản phẩm chăm sóc cơ thể khác bao gồm dầu gội, dầu xả, kem dưỡng ẩm và kem chống nắng. Một số nghiên cứu cho thấy paraben có thể gây hại như phá vỡ nội tiết tố, tác động tiêu cực đến khả năng sinh sản và cơ quan sinh sản và có thể làm tăng nguy cơ ung thư.

Gina Alva bắt đầu tự làm mỹ phẩm vào năm 2020 sau khi xem các video DIY son bóng trên TikTok. Trong vòng 4 ngày kể từ khi đăng video của chính mình, cô đã đạt được 10.000 người theo dõi. Alva, người làm son bóng thuần chay, hiện có hơn 400.000 người theo dõi trên tài khoản TikTok Glossy Gems của mình.

Gina Alva chia sẻ, cô đã học được rất nhiều về cách làm mỹ phẩm an toàn cho cả bản thân và công việc kinh doanh của mình trong năm qua. Cô cũng lưu ý rằng không phải tất cả những người sáng tạo đều dành thời gian tìm hiểu xem nên sử dụng nguyên liệu nào và cách tạo độ bóng một cách hợp vệ sinh.

Alva đã chứng kiến tất cả các hình thức thực hành không an toàn, từ việc mọi người không sử dụng găng tay đến việc ngâm các ống son bóng chứa đầy trong nước, sau đó các tạp chất có thể ngấm vào sản phẩm và tạo ra vi khuẩn. Cô cũng thấy mọi người sử dụng chất tạo màu trong son bóng không thực sự phù hợp dành cho da vùng môi, chẳng hạn như neons dành cho xà phòng.

Gina Alva cũng lưu ý, TikTok là một cách để các chủ doanh nghiệp cung cấp cái nhìn hậu trường về hoạt động của họ và đảm bảo với khách hàng rằng họ đang tuân thủ các biện pháp phòng ngừa an toàn cần thiết.

Nếu muốn mua son bóng hoặc các sản phẩm mỹ phẩm khác trên TikTok, Alva khuyên khách hàng nên liên hệ với người bán để hỏi họ đã kinh doanh được bao lâu và có bao nhiêu khách hàng.

Người tiêu dùng cũng nên xem xét quy trình sản xuất và các thành phần mà họ sử dụng, đồng thời tìm hiểu thêm về các biện pháp an toàn tổng thể của họ. Nếu họ không sẵn sàng chia sẻ bất kỳ thông tin chi tiết nào trong số đó, tốt hơn hết bạn không nên mua hàng từ họ vì sự an toàn của chính mình.

Do đó, nếu đang sử dụng một sản phẩm mỹ phẩm và bị mẩn đỏ, khô, bong tróc da trên môi hoặc da mặt, ngay cả khi đã ngừng sử dụng sản phẩm người tiêu dùng có thể cần đến gặp bác sĩ da liễu. Bác sĩ có thể sẽ thực hiện một số xét nghiệm để xác định điều gì đã kích hoạt phản ứng.

Theo VietQ