Cảnh báo thép Việt Nam xuất khẩu sang Canada có thể bị khởi kiện

Cục Phòng vệ thương mại (Bộ Công thương) vừa cảnh báo thép Việt Nam xuất khẩu sang Canada có nguy cơ bị khởi kiện phòng vệ thương mại.

Theo đó, sau khi căn cứ số liệu của hải quan Canađa, các sản phẩm thép trong chương 72 xuất khẩu từ Việt Nam có sự gia tăng đáng kể.

Cụ thể trong năm 2018, Canađa nhập khẩu khoảng 37 triệu đôla Canada các sản phẩm thép của Việt Nam, tuy nhiên trong 6 tháng đầu năm 2019, Canđa đã nhập hơn 103 triệu đôla Canađa các sản phẩm này. Trong đó, nhóm sản phẩm tăng trưởng mạnh nhất là mặt hàng thép phẳng mạ phủ với kim ngạch 6 tháng 2019 đạt khoảng 94 triệu đôla Canađa.

Trên cơ sở theo dõi thông tin tình tình xuất khẩu thép của Việt Nam sang Canađa trong thời gian gần đây, Cục Phòng vệ thương mại (PVTM) đã tổ chức buổi họp với Hiệp hội Thép Việt Nam nhằm trao đổi thông tin, cảnh báo nguy cơ bị khởi kiện vụ việc phòng vệ thương mại, chống lẩn tránh thuế với sản phẩm thép xuất khẩu của Việt Nam.

Hiệp hội Thép cho biết, việc gia tăng xuất khẩu là do tác động của Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) mà cả Việt Nam và Canađa là thành viên.

canh-bao-thep-viet-nam-xuat-khau-sang-canada-co-the-bi-khoi-kien

 Thép Việt Nam xuất khẩu sang Canada có nguy cơ bị kiện về phòng vệ thương mại

Đơn vị này cũng khẳng định, doanh nghiệp Việt Nam không bán phá giá cũng như không lẩn tránh thuế phòng vệ thương mại của Canađa. Bên cạnh đó, trong thời gian qua, Canađa đã có những động thái điều chỉnh pháp luật để cho phép: Áp dụng biện pháp chống lẩn tránh thuế; Sửa đổi luật thuế và hải quan Canada xóa bỏ quy định khoảng cách 2 năm giữa các lần áp dụng thuế nhập khẩu bổ sung với cùng một sản phẩm tạo điều kiện cho việc áp dụng biện pháp PVTM thuận lợi hơn.

Ngoài ra, Canađa cũng đã có thỏa thuận với Hoa Kỳ về việc tăng cường triển khai các biện pháp chống chuyển tải lẩn tránh cũng như hành vi phá giá, trợ cấp với sản phẩm thép nhập khẩu.

Trên cơ sở đó, Cục Phòng thương mại đã khuyến nghị Hiệp hội Thép thông báo tới các thành viên cần xem xét kế hoạch sản xuất, xuất khẩu sản phẩm thép sang thị trường Canađa, tránh tăng trưởng quá nóng làm tăng nguy cơ bị điều tra phòng vệ thương mại (bao gồm cả chống lẩn tránh thuế chống bán phá giá, chống trợ cấp).

Cần tuân thủ các quy định của nước nhập khẩu về xuất xứ hàng hóa, không tiếp tay cho các hành vi chuyển tải bất hợp pháp, gian lận thương mại gây tổn hại đến uy tín kim ngạch, hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam nếu vướng phải các vụ kiện;

Phải thường xuyên liên lạc với Cục Phòng vệ thương mại để cập nhật, chia sẻ thông tin diễn biến xuất khẩu để có phương án xử lý kịp thời khi vụ việc xảy ra.

Liên quan tới vấn đề thép Việt Nam xuất khẩu sang Canada gặp khó khăn, trước đó không lâu Cơ quan Biên phòng Canada (CBSA) cũng đã thông báo kết luận cuối cùng trong vụ việc điều tra bán phá giá đối với một số sản phẩm ống thép hàn các-bon nhập khẩu từ Việt Nam.

Theo yêu cầu và cáo buộc của nguyên đơn, trong quá trình điều tra, CBSA đã xem xét việc ngành sản xuất ống thép hàn các-bon của Việt Nam có hoạt động theo các nguyên tắc của nền kinh tế thị trường hay không.

Trước tình hình này Bộ Công Thương đã chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành liên quan cung cấp thông tin đầy đủ, kịp thời và hợp tác tích cực với CBSA trong quá trình điều tra và thẩm tra tại chỗ. Trên cơ sở các thông tin được thu thập và xác minh, CBSA đã kết luận không có đủ căn cứ để xác định Chính phủ Việt Nam can thiệp vào giá bán nội địa của ngành sản xuất ống thép hàn các-bon.

Theo Bộ Công Thương, vụ việc điều tra chống bán phá giá ống thép hàn các-bon là vụ việc đầu tiên Canada kết luận một ngành sản xuất của Việt Nam hoạt động theo các nguyên tắc của nền kinh tế thị trường, chính phủ không can thiệp vào giá.

Nhờ đó, biên độ phá giá của hai doanh nghiệp Việt Nam xuất khẩu mặt hàng này sang Canada được kết luận chỉ ở mức 3% và 4,9%. Mức biên độ này nhìn chung thấp hơn nhiều so với mức biên độ của các doanh nghiệp xuất khẩu khác cùng thuộc phạm vi đối tượng điều tra đến từ các quốc gia được coi là có nền kinh tế thị trường khác.

Trước đó, đại diện lãnh đạo Cục Phòng vệ thương mại đã cho biết, trên thế giới có hơn 1.500 các vụ việc phòng vệ thương mại trong đó ngành thép chiếm hơn 30% trong tổng số các vụ việc. Đặc biệt một vài năm gần đây, thép trên thế giới thường xuyên là đối tượng của các vụ việc điều tra áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại với mức thuế suất áp dụng rất cao.

Trong bối cảnh đó, xuất khẩu thép của Việt Nam đứng trước những thách thức lớn khi các nước nhập khẩu liên tục điều tra và áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại đối với thép Việt Nam. Hai trong những nguyên nhân chính được chỉ ra là do thế giới đang trong tình trạng dư thừa công suất sản xuất thép và Mỹ đã quyết định áp dụng mức thuế suất 25% cho nhập khẩu thép với lý do bảo đảm an ninh quốc gia.

Do đó, đại diện Cục Phòng vệ thương mại đã đưa ra khuyến nghị với doanh nghiệp, để hạn chế thấp nhất việc bị khởi kiện phòng vệ thương mại, các doanh nghiệp cần phải trang bị những kiến thức cơ bản về pháp luật phòng vệ thương mại. Bên cạnh đó, doanh nghiệp nên thường xuyên có hoạt động trao đổi thông tin với hiệp hội và cơ quan quản lý nhà nước nhằm nắm bắt được những thông tin cảnh báo sớm về khả năng bị khởi kiện tại thị trường xuất khẩu, từ đó lên phương án điều chỉnh hoạt động kinh doanh để tránh bị khởi kiện.

Theo VietQ