Cảnh báo thủ đoạn giả danh cơ quan chức năng để lừa đảo chiếm đoạt tài sản

Thời gian quan, thủ đoạn của các đối tượng dùng mạng xã hội giả danh cơ quan chức năng lừa đảo, chiếm đoạt tiền của người dân liên tiếp xảy ra.

Theo thống kê của Công an tỉnh Thanh Hóa, từ đầu năm đến tháng 7/2022, lực lượng cảnh sát hình sự trên địa bàn tỉnh đã phát hiện 59 vụ liên quan đến lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng, gây thiệt hại hơn 16,3 tỷ đồng; khởi tố 32 vụ với 16 bị can. 

Qua công tác đấu tranh, xử lý các vụ án cho thấy: Kịch bản chung vẫn là các đối tượng lợi dụng lòng tin, lòng tham hoặc sự sợ hãi của người dân để lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Vừa qua, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh tiến hành điều tra, xử lý vụ việc ông L.N.C. (SN 1966), trú tại TP. Thanh Hóa bị một số đối tượng giả danh cơ quan chức năng để lừa đảo chiếm đoạt tài sản với số tiền trên 1 tỷ đồng. Theo ghi nhận từ phía nạn nhân, vào chiều ngày 5/9, ông C. nhận được cuộc gọi từ số điện thoại 02499962801 của người phụ nữ tự xưng là nhân viên viễn thông thông báo số điện thoại của ông đang dùng thường xuyên nhắn tin lừa đảo, quấy rối người khác.

canh-bao-thu-doan-gia-danh-co-quan-chuc-nang-de-lua-dao-chiem-doat-tai-san

Công an tỉnh Thanh Hóa khuyến cáo khi phát hiện dấu hiệu thông tin lừa đảo báo cho cơ quan công an gần nhất

Sau đó, cuộc gọi được chuyển đến cho người đàn ông tự xưng là Công an TP. Đà Nẵng thông báo ông C. hiện có liên quan đến tài khoản ngân hàng rửa tiền cho đường dây mua bán ma túy do Công an TP. Đà Nẵng đang điều tra. Người này yêu cầu ông C. đến ngân hàng mở tài khoản mới, sau đó gửi thông tin đăng nhập tài khoản Internet Banking cho các đối tượng nêu trên tự quản lý và yêu cầu ông C. chuyển số tiền 1 tỷ đồng để chứng minh thu nhập và chứng minh mình không có liên quan đến vụ án. Do tâm lý lo sợ nên ông C. đã tin vào thủ đoạn lừa đảo, vay tiền chuyển vào tài khoản theo yêu cầu của đối tượng, đến khi nghĩ lại thì số tiền chuyển vào tài khoản đã bị các đối tượng chiếm đoạt.

Mặc dù các cơ quan chức năng của tỉnh Thanh Hóa đã tuyên truyền, cảnh báo qua nhiều kênh thông tin nhưng người dân vẫn rơi vào cạm bẫy của các đối tượng lừa đảo. Theo các cơ quan chức năng tỉnh, tình hình tội phạm lừa đảo qua điện thoại hay mạng Internet ngày càng gia tăng, phức tạp với nhiều thủ đoạn mới, tinh vi như qua điện thoại thì giả danh cán bộ công an, viện kiểm sát thông báo vi phạm, yêu cầu nạn nhân phải chuyển tiền/cài đặt ứng dụng "Bộ Công an" rồi chiếm đoạt tài sản. 

Đối với mạng Internet thì sử dụng tài khoản facebook, đăng tải bài viết nhận đưa người từ Campuchia về Việt Nam và yêu cầu người nhà nạn nhân chuyển tiền đặt cọc để chiếm đoạt. Cố ý chuyển tiền nhầm vào tài khoản ngân hàng của bị hại và gọi điện, nhắn tin đòi số tiền đã chuyển nhầm cộng thêm mức lãi nặng. Lừa tuyển cộng tác viên bán hàng trên các sàn thương mại điện tử, mời tham gia một số ứng dụng, trò chơi kiếm tiền online, sau vài lần nhận tiền thưởng nhỏ sẽ là những giải thưởng, đơn hàng cao hơn yêu cầu nạp thêm tiền, chuyển tiền trước và sẽ bị chiếm đoạt..

Để phòng, tránh rủi ro, cơ quan chức năng khuyến cáo người dân luôn đề cao cảnh giác, cần thường xuyên kiểm tra và cập nhật các tính năng bảo mật, quyền riêng tư trên các tài khoản mạng xã hội; không nên chia sẻ thông tin cá nhân trên mạng xã hội; tuyệt đối không cung cấp thông tin cá nhân, số thẻ ngân hàng, mã OTP, không chuyển tiền cho người khác khi chưa xác thực.

Theo GiaDinh