Cảnh giác với những bệnh lý răng miệng thường gặp ở phụ nữ mang thai

Để đảm bảo sức khỏe răng miệng trong thai kỳ, phụ nữ mang thai cần có một chế độ chăm sóc răng miệng đặc biệt.

Phụ nữ khi mang thai có sự thay đổi đột ngột và nhanh chóng của nội tiết tố trong cơ thể, chủ yếu là 2 hormone steroid: progesteron và estrogen. Sự thay đổi này dẫn đến nhiều thay đổi sinh lý và là điều kiện cho một số bệnh lý phát triển. Trong đó, bệnh lý về răng miệng là một trong những bệnh gây ảnh hưởng rất lớn tới sức khỏe của mẹ và thai nhi.

Trước kia, có quan niệm cho rằng “a lost tooth for every baby – một đứa con, một chiếc răng”, chỉ việc mang thai của người phụ nữ gây ra các bệnh răng miệng. Tuy nhiên, khoa học đã chứng minh quan niệm này hoàn toàn sai lầm. Bản thân quá trình mang thai không gây ra mà chỉ là điều kiện thuận lợi cho các bệnh lý răng miệng phát triển mà thôi. Vệ sinh đúng cách cộng với sự tư vấn, trợ giúp chuyên nghiệp từ các bác sĩ nha khoa sẽ giúp cho răng miệng của bạn khỏe mạnh trong suốt thai kì.

Bệnh viêm lợi và nha chu: gặp ở 60 – 75% phụ nữ có thai.

Nguyên nhân: phụ nữ có thai thường mắc viêm lợi, viêm nha chu được giải thích là do thay đổi nội tiết tố đột ngột trong máu sẽ dẫn đến tăng tính thấm mạch máu của lợi, làm tăng phản ứng của lợi đối với mảng bám (lớp màng chứa vi khuẩn bám trên bề mặt răng). Những thay đổi này sẽ hết sau khi sinh.

Triệu chứng: Bệnh này thường gặp ở ba tháng giữa của thai kì. Các triệu chứng chủ yếu là lợi đỏ, sưng nề, chảy máu chân răng (khi đánh răng, xỉa răng, thậm chí là chảy máu tự nhiên). Hay gặp nhất là ở nhóm răng trước hàm dưới.

Đây là một bệnh hay gặp nhưng các triệu chứng thường chỉ gây khó chịu cho bệnh nhân nên dễ bị bỏ qua. Tuy nhiên nó lại tiềm ẩn nhiều nguy cơ nguy hiểm. Nếu không được chẩn đoán và điều trị kịp thời, bệnh sẽ chuyển sang mãn tính gây tụt lợi, lung lay răng, thậm chí mất răng. Đã có nhiều nghiên cứu y khoa cho thấy rằng các bà mẹ có mắc các bệnh về lợi – nha chu trong thai kì có nguy cơ tiền sản giật, sinh non cũng như giảm trọng lượng thai nhi hơn so với các phụ nữ khác.

Điều trị: Súc miệng bằng Chrohexidine, chấm kháng sinh tại chỗ.

Nhạy cảm răng

Cảnh giác với những bệnh lý răng miệng thường gặp ở phụ nữ mang thai

Sói mòn men răng khiến răng nhạy cảm. Ảnh minh họa

Nguyên nhân: Các hormone khi mang thai làm giãn các cơ vòng của thực quản dẫn đến tình trạng trào ngược dạ dày – thực quản; kết hợp với hiện tượng nôn mửa do ốm nghén làm cho răng phải tiếp xúc thường xuyên với acid, làm xói mòn men răng, tăng nhạy cảm ngà răng.

Triệu chứng: Ê buốt răng, đặc biệt khi uống nước lạnh, ăn thực phẩm chua và khi đánh răng.

Điều trị: Sử dụng kem đánh răng chống ê buốt và các nước súc miệng có chứa fluoride. Hạn chế các tác nhân kích thích ( chua, ngọt, nóng, lạnh,…)

Sâu răng

Cảnh giác với những bệnh lý răng miệng thường gặp ở phụ nữ mang thai
Nguyên nhân: Phụ nữ có thai có nhiều yếu tố nguy cơ cao dẫn đến sâu răng.

Chế độ ăn trong thai kì có nhiều thay đổi: thèm ăn một số thực phẩm đặc biệt, các thực phẩm thường chứa nhiều đường hoặc quá chua, thường xuyên có các bữa ăn phụ…

Tình trạng tăng acid trong khoang miệng do trào ngược dạ dày, thực quản và nôn mửa do ốm nghén sẽ làm cho răng thường xuyên phải tiếp xúc với môi trường acid.

Nồng độ calci trong máu của mẹ không đáp ứng đủ cho thai nhi, cũng là một nguyên nhân làm giảm sự chắc khỏe của tổ chức cứng của răng, dễ gây sâu răng.

Chế độ chăm sóc răng miệng: Phụ nữ có thai thường ngại đánh răng, nhất là nhóm răng hàm do dễ bị kích thích buồn nôn.

Điều trị: Hàn răng sâu, sử dụng kem đánh răng và nước súc miệng chứa fluoride.

Phì đại lợi thai nghén - U lợi thai nghén ( Epulis): khoảng 5% phụ nữ mang thai mắc bệnh này

Cảnh giác với những bệnh lý răng miệng thường gặp ở phụ nữ mang thai

Hình ảnh phì đại lợi ở phụ nữ mang thai. Ảnh minh họa

Nguyên nhân: Đây là một tổ chức hạt tăng sinh ở lợi, do nồng độ progesteron và estrogen tăng trong máu, làm thay đổi tính thấm thành mạch, dẫn đến phù nề lợi và tăng đáp ứng với vi khuẩn mảng bám. Viêm lợi phì đại trong thai kỳ là sự nặng lên của viêm lợi có từ trước. Nếu không có mảng bám thì không có phì đại lợi thai nghén.

Triệu chứng: Khối lợi phì đại đỏ rực, mềm, dễ chảy máu.

Điều trị: Lấy sạch cao răng, đánh răng thường xuyên để loại bỏ mảng bám, súc miệng hoặc chấm tại chỗ bằng chlohexidine. Cắt bỏ phần lợi phì đại.

Cách chăm sóc răng miệng trong thai kỳ

Ngay từ khi có kế hoạch mang thai, bạn cần phải được khám, chẩn đoán sớm và điều trị các bệnh răng miệng còn tồn tại cũng như thay đổi thói quen chăm sóc răng miệng cho phù hợp khi mang thai.

Khám răng định kì mỗi ba tháng/ lần trong thai kì để có được những điều trị cần thiết và kịp thời các bệnh răng miệng.

Đánh răng ít nhất 2 lần/ ngày (sáng ngủ dậy và tối trước khi đi ngủ) bằng các thuốc đánh răng chứa fluoride. Sử dụng bàn chải lông mềm để không làm tổn thương men răng và tránh kích ứng gây nôn. Dùng chỉ tơ nha khoa thay thế tăm xỉa răng.

Sau khi ăn các bữa phụ hoặc sau nôn mửa, không được đánh răng ngay để tránh làm tổn thương thêm bề mặt men răng. Thay vào đó, súc miệng bằng nước đun sôi để nguội hoặc nhai chewing gum có chứa xilitol. Có thể đánh răng sau đó 1 giờ.

Chế độ ăn: Hạn chế các thực phẩm và đồ uống có nhiều đường hoặc quá chua, đồ uống có ga. Bổ sung calci và vitamin D từ nguồn thức ăn hàng ngày( sữa, trứng, phomat, cá hồi…) và bằng thuốc khi có chỉ định của bác sĩ.

Ths. BS. Phạm Thị Thanh Bình

Viện ĐTRHM – Đại học Y HN

Theo GiaDinh