Chân dung 2 lãnh đạo cao cấp nhất của 'siêu' Ủy ban triệu tỷ đồng vừa thành lập

Hai lãnh đạo cao cấp nhất của Uỷ ban quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp là ông Nguyễn Hoàng Anh và bà Nguyễn Thị Phú Hà.

Uỷ ban quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp vừa chính thức ra mắt tại Hà Nội, nhận nhiệm vụ tiếp quản 19 đơn vị là các tập đoàn, tổng công ty do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ.

Về cơ cấu, theo Nghị định số 131/2018/NĐ-CP, Ủy ban có Chủ tịch và không quá 4 Phó Chủ tịch. Chủ tịch và Phó Chủ tịch do Thủ tướng Chính phủ bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức theo quy định của pháp luật.

Giữ vị trí cao nhất của siêu Ủy ban hiện tại là ông Nguyễn Hoàng Anh – với chức vụ Chủ tịch Ủy ban.

Chân dung 2 lãnh đạo cao cấp nhất của 'siêu' Ủy ban triệu tỷ đồng vừa thành lập

 Ông Nguyễn Hoàng Anh (trái) và bà Nguyễn Thị Phú Hà.

Ông Nguyễn Hoàng Anh nguyên là tỉnh ủy Cao Bằng. Ông sinh năm 1963 tại xã Trường Thọ, huyện An Lão, TP. Hải Phòng, có trình độ Thạc sỹ kinh tế, chuyên ngành kinh tế thế giới và quan hệ kinh tế quốc tế; Cử nhân lý luận chính trị.

Từ năm 2002, ông Nguyễn Hoàng Anh là Đại biểu Quốc hội khóa XI, Ủy viên Ban chấp hành Thành ủy TP. Hải Phòng khóa XII, Ủy viên Ủy ban các vấn đề xã hội, Phó trưởng đoàn ĐBQH TP. Hải Phòng khóa XI, Giám đốc Công ty Thương mại dịch vụ và xuất nhập khẩu Hải Phòng.

Từ đó, ông tiếp tục làm Phó trưởng đoàn ĐBQH TP. Hải Phòng khóa XI, rồi Phó chủ nhiệm Ủy ban kinh tế Quốc hội.

Từ 2010-2011, ông Nguyễn Hoàng Anh là Phó bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Cao Bằng. Sau đó, ngày 24/3/2015, ông Nguyễn Hoàng Anh được bầu làm Bí thư Tỉnh uỷ Cao Bằng nhiệm kỳ 2010-2015.

3 năm sau, vào ngày 08/02/2018, tại Quyết định số 189/QĐ-TTg, Thủ tướng bổ nhiệm ông giữ chức vụ Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp.

Giữ chức vụ Phó Chủ tịch Ủy ban là bà Nguyễn Thị Phú Hà. Bà Hà từng giữ chức Vụ trưởng Vụ Giám sát và Thẩm định đầu tư, Bộ Kế hoạch và Đầu tư. Bà Nguyễn Thị Phú Hà sinh năm 1972, quê ở Hà Tĩnh, có trình độ tiến sĩ kinh tế. Bà đã công tác tại Bộ Kế hoạch và Đầu tư được 21 năm.

Trong quá trình công tác, bà Nguyễn Thị Phú Hà từng là Vụ trưởng Vụ Tổng hợp kinh tế quốc dân với chức năng giúp Bộ trưởng Bộ KHĐT thực hiện chức năng quản lý Nhà nước về tổng hợp kế hoạch phát triển kinh tế xã hội và đầu tư sau đó bà được điều động làm Vụ trưởng Vụ Giám sát và Thẩm định đầu tư.

Trước đó, trong quá trình tuyển dụng nhân sự cao cấp cho ‘siêu’ Ủy ban, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ nhấn mạnh công tác cán bộ phải tuân thủ Đề án của Bộ Chính trị về thành lập Uỷ ban, là bảo đảm không làm tăng thêm biên chế Nhà nước. Đồng thời, Phó thủ tướng yêu cầu nhân sự phải bảo đảm “tác nghiệp được ngay”.

Với các chức danh Phó chủ tịch Uỷ ban, Phó thủ tướng đưa ra yêu cầu mỗi Phó chủ tịch có chuyên môn sâu ở mỗi lĩnh vực tương ứng và phải được sự phê duyệt của Thủ tướng.

Bên cạnh đó, Phó thủ tướng đề nghị Chủ tịch Uỷ ban và Tổ giúp việc tính toán định hướng thành lập các cơ quan, đoàn thể trực thuộc Uỷ ban để nhanh chóng hoàn thiện bộ máy.

Sau khi ra mắt, Ủy ban sẽ nhận chuyển giao quyền quản lý trên 1 triệu tỷ đồng tổng vốn chủ sở hữu Nhà nước và 2,3 triệu tỷ đồng tổng giá trị tài sản từ 19 tập đoàn, tổng công ty theo giá trị sổ sách vốn chủ sở hữu Nhà nước, tính đến ngày 31/12/2017.

7 tập đoàn và 12 tổng công ty được Chính phủ giao ủy ban trực tiếp làm đại diện chủ sở hữu, bao gồm: Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN), Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT), Tập đoàn công nghiệp Cao su Việt Nam (VRG), Tập đoàn công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV), Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex), Tập đoàn Hoá chất Việt Nam (Vinachem), Tổng công ty Đầu tư và kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC), Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV), Tổng công ty Viễn thông Mobifone, Tổng công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines), Tổng công ty Đường sắt Việt Nam (VNR), Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC), Tổng công ty Thuốc lá Việt Nam (Vinataba), Tổng công ty Hàng hải Việt Nam (Vinalines), Tổng công ty Lương thực miền Bắc (Vinafood1), Tổng công ty Lương thực miền Nam (Vinafood2) và Tổng công ty Cà phê Việt Nam (Vinacafe).

Về mục đích thành lập Ủy ban, Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Lê Quang Mạnh cho biết là nhằm để xoá bỏ tình trạng “vừa đá bóng vừa thổi còi”, Ủy ban thay mặt Nhà nước giám sát khối tài sản, vốn tại các doanh nghiệp chứ không phải cơ quan sử dụng vốn, không can thiệp hoạt động sản xuất kinh doanh trực tiếp.

Theo VietQ