Chặn đứng hơn 4.000 viên pháo không rõ nguồn gốc, xuất xứ đang tuồn vào Việt Nam tiêu thụ

Lực lượng chức năng tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết, đơn vị vừa phát hiện, bắt giữ một xe ô tô vận chuyển hơn 4.000 viên pháo do nước ngoài sản xuất, không có hóa đơn chứng từ.

Theo đó, trong lúc đang làm nhiệm vụ tại xã Phong An, huyện Phong Điền, Thừa Thiên Huế, tổ công tác thuộc Phòng Cảnh sát giao thông, Công an tỉnh tỉnh Thừa Thiên Huế phát hiện xe ô tô khách biển kiểm soát 37B-023.46 chạy theo hướng Bắc- Nam do tài xế Phan Đức Anh (sinh năm 1986, trú tại huyện Con Cuông, tỉnh Nghệ An) có nhiều biểu hiện nghi vấn nên dừng xe kiểm tra.

chan-dung-hon-4-000-vien-phao-khong-ro-nguon-goc-xuat-xu-dang-tuon-vao-viet-nam-tieu-thu

Hơn 4.000 viên pháo không rõ nguồn gốc xuất xứ bị thu giữ.

Qua kiểm tra, lực lượng chức năng phát hiện trên xe đang vận chuyển 5 thùng hàng, bên trong chứa 4.320 viên pháo có nhãn hiệu và chữ nước ngoài. Tại thời điểm kiểm tra tài xế không chứng minh được nguồn gốc xuất xứ hàng hóa, không có hóa đơn chứng từ. Bước đầu, tài xế khai nhận vận chuyển thuê số pháo trên từ Quảng Trị vào Đà Nẵng để lấy tiền cước.

Hiện, Phòng Cảnh sát giao thông, Công an tỉnh Thừa Thiên Huế lập biên bản thu giữ và bàn giao toàn bộ tang vật trên cho Công an huyện Phong Điền để điều tra theo thẩm quyền.

Trước đó, liên quan đến hành vi mua bán pháo trái phép, Công an quận Bắc Từ Liêm đã bắt quả tang Phạm Đức Biên (trú tại xã Khánh Nhạc, huyện Mê Linh) mua bán trái phép 6,5kg pháo nổ. Tại cơ quan điều tra, Biên khai nhận mua số pháo trên của Nguyễn Thành Danh (trú tại xã Thanh Lâm, Mê Linh). Khám xét khẩn cấp nhà của Danh, công an quận Bắc Từ Liêm thu giữ 14,2 kg pháo nổ. Cùng ngày Công an quận Bắc Từ Liêm cũng đã phát hiện Phạm Liêm (trú tại xã Kim Nỗ, huyện Đông Anh) đang mua bán khoảng 6,5 kg pháo nổ.

Những vụ nhập lậu pháo số lượng lớn bị phát hiện, bắt giữ gần đây dù các đối tượng dùng nhiều thủ đoạn tinh vi như thường xuyên thay đổi phương thức vận chuyển, từ việc thuê mang vác hàng nhỏ lẻ qua biên giới đến sử dụng xe có tải trọng lớn, thậm chí nhiều đối tượng còn sử dụng xe ô tô cá nhân để chuyên chở pháo lậu. Khi bị phát hiện, hầu hết các đối tượng đều khai nhận chỉ là người chở thuê gây khó khăn cho công tác điều tra, xử lý.

Việc đấu tranh, xử lý hoạt động buôn bán pháo nổ trái phép hiện gặp không ít khó khăn do Luật Đầu tư năm 2014, có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2017 lại quy định “Kinh doanh pháo nổ” là ngành nghề cấm đầu tư kinh doanh, còn việc kinh doanh các loại pháo khác là ngành nghề kinh doanh có điều kiện.

Theo đó, hành vi sản xuất, mua bán, vận chuyển, tàng trữ, sử dụng các loại pháo hoa là hàng hóa kinh doanh có điều kiện, không xem xét trách nhiệm hình sự, nhưng loại pháo này xét về tính chất, mức độ nguy hiểm tương tự pháo nổ. Vì vậy, nhiều đối tượng đã lợi dụng kẽ hở này để kinh doanh buôn bán pháo công khai trên không gian mạng.

Theo VietQ