Chàng trai bị mù vì đeo kính áp tròng tắm

Một cầu thủ bóng đá nghiệp dư đã bị mù một phần vì bị một ký sinh trùng chui vào mắt phải  trong lúc tắm mà không tháo kính áp tròng.

Nick Humphreys, 29 tuổi, ở Shrewsbury, hạt Shropshire tại Anh, không biết việc đeo kính áp tròng khi tắm sẽ rất nguy hiểm nên thường xuyên làm như vậy. Vào tháng 1 năm 2018, anh nhận thấy một vết xước đau đớn trên mắt mà anh đã xử lý bằng thuốc nhỏ mắt.

chang-trai-bi-mu-vi-deo-kinh-ap-trong-tam

Tình trạng nhiễm trùng ở mắt do đeo kính áp tròng của Humphreys. Ảnh: Dailymail 

Tình trạng này kéo dài suốt 18 tháng, thị lực bị giảm sút. Khi đến các bác sĩ nhãn khoa đã kiểm tra thì tình trạng mắt đã nhiễm trùng. Kết quả xét nghiệm cho thấy Nick Humphreys bị viêm giác mạc do Acanthamoeba - nhiễm trùng từ một sinh vật nhỏ được tìm thấy trong nước có thể xâm nhập vào mắt thông qua một vết cắt nhỏ - thường do kính áp tròng gây ra. Humphreys đã trải qua hai ca phẫu thuật trên mắt, một trong số đó là để loại bỏ nhiễm trùng, và hiện đang chờ ghép giác mạc.

Theo các bác sĩ, nếu vệ sinh kính áp tròng kém, sử dụng nước máy để lau chùi hoặc bảo quản kính áp tròng, hoặc làm nhiễm bẩn kính áp tròng với nước máy, hồ bơi hoặc bồn nước nóng làm tăng nguy cơ nhiễm trùng.

Một cuộc thăm dò của YouGov cho Fight for Vision cho thấy, một tỷ lệ lớn người đeo kính áp tròng ở Anh đang đặt rủi ro cho thị lực thông qua các thói quen không an toàn. 56% người cho biết họ đeo kính áp tròng lâu hơn 12 giờ, 54% cho biết họ đã ngủ hoặc tắm mà vẫn đeo kính áp tròng.

Trong khi đó, 15% số người được hỏi đã cho chúng vào miệng để làm sạch hoặc bôi trơn chúng và 2% thậm chí đã dùng chung ống kính đã sử dụng với những người đeo khác. 

Bên cạnh đó, nhiều trường hợp sử dụng kính áp tròng sai cách có thể để lại biến chứng như: đỏ mắt, sụp mi, viêm kết mạc mạn tính, loét giác mạc…. Có những trường hợp nặng hơn sẽ có nguy cơ bị mất thị lực vĩnh viễn do dị ứng với dung dịch ngâm và bảo quản kính, hoặc do không rửa sạch tay khi đặt và lấy kính.

Chỉ nên dùng kính trong các trường hợp cần điều chỉnh các tật khúc xạ của mắt: lão thị, viễn thị, cận thị, loạn thị,… hoặc điều trị các bệnh lý về mắt như bệnh giác mạc chóp, giác mạc bị tổn thương do bị nhiễm khuân, các trầy - khuyết biểu mô giác mạc do thương tích hay do nhiễm khuẩn, bệnh nhân đã mổ thay thủy tinh thể nhưng không thể cấy tủy tinh thể nhân tạo vào mắt…

Cũng theo các bác sĩ, tránh làm dụng kính áp tròng quá nhiều, hoặc sử dụng cho các mục đích làm đẹp, thời trang để thay đổi màu mắt… bởi nếu như dùng không đúng cách, không đúng bệnh, kính áp tròng có thể làm hỏng đôi mắt.

Kính áp tròng là loại thấu kính mỏng trong suốt, được làm từ chất nhựa dẻo ngậm nước khi sử dụng sẽ đặt trực tiếp lên bề mặt giác mạc. Đối với trường hợp mắt đã bị cận, phải dùng kính để trợ lực, thay vì đeo kính, ngày nay người bệnh có thể sử dụng kính áp tròng để nước không bị đọng lại trên bề mặt kính khi đi trời mưa, hạn chế được rủi ro bị mờ mắt do bề mặt kính bị đọng nước, không những vậy nó sẽ hạn chế được hiệu ứng hình to hoặc hình nhỏ khi sử dụng kính thường, không có cảm giác khó chịu khi mang chúng, đặc biệt rất thích hợp khi sử dụng cho hoạt động ngoài trời như chơi thể thao.

Theo VietQ