Chỉ học 5 ngày/tuần có tốt cho giáo viên và học sinh trung học?

Lào Cai là tỉnh đầu tiên trên cả nước thí điểm học sinh THCS chỉ học 5 ngày/tuần (nghỉ thứ Bảy, Chủ nhật). Lịch học này có thực sự tốt cho giáo viên và học sinh?

chi-hoc-5-ngay-tuan-co-tot-cho-giao-vien-va-hoc-sinh-trung-hoc

Chương trình bậc trung học hiện nay còn khá nặng là lý do khó có thể thực hiện học 5 ngày/tuần. Ảnh minh họa: Q.Anh

Dồn tiết để… giảm ngày học

Theo Sở GD&ĐT tỉnh Lào Cai, từ đầu tháng 10 đến nay, tỉnh Lào Cai đã thực hiện thí điểm cho học sinh trên địa bàn bậc học THCS học chính khóa 5 ngày/tuần, đồng nghĩa với việc học sinh có hai ngày cuối tuần thứ Bảy và Chủ nhật được nghỉ trọn vẹn. Đây có lẽ là địa phương đầu tiên trên cả nước áp dụng lịch học như học sinh tiểu học hiện nay đang áp dụng. Cũng theo ngành GD&ĐT tỉnh Lào Cai, trước khi thực hiện thí điểm cũng đã lấy ý kiến từ các trường, giáo viên, phụ huynh và nhận được sự đồng tình.

Sau thời gian thí điểm, ghi nhận tại một số trường THCS tại Lào Cai cho thấy, việc được nghỉ học vào ngày thứ Bảy cũng nhận được phản hồi của giáo viên đó là chuyện dồn tất cả các môn học vào 5 ngày trong tuần. Lịch học gần như kín, một số ngày trong tuần học sinh phải học 9 tiết/ngày khiến mệt mỏi cho cả giáo viên lẫn học sinh. Trong thời gian nghỉ học hai ngày cuối tuần, nhiều phụ huynh cho biết, cũng chưa biết bố trí quản lý con ra sao, nếu tình trạng này kéo dài khả năng sẽ cho con đi học thêm, nhất là đối với học sinh cuối cấp.

Hiện nay, chỉ có học sinh tiểu học được nghỉ ngày thứ Bảy, học sinh THCS và THPT phổ biến trên phạm vi cả nước đi học theo lịch 6 ngày/tuần. Thậm chí, nhiều nơi học sinh chỉ được học một buổi/ngày vì thiếu phòng học. Đây không phải lần đầu phương án học sinh trung học chỉ học 5 ngày/tuần được đưa ra, tuy nhiên tỉnh Lào Cai thực hiện thí điểm trên phạm vi tỉnh cũng đã nhận được nhiều ý kiến bởi không phải địa phương, trường học nào cũng có thể tổ chức được vì nhiều lý do khác nhau.

Là người có trên 60 năm công tác trong ngành Giáo dục, cũng như tham khảo nhiều mô hình giáo dục tiên tiến trên thế giới, GS.TSKH Phạm Tất Dong - Phó Chủ tịch Trung ương hội Khuyến học Việt Nam cho rằng, nghỉ học ngày thứ Bảy được nhiều giáo viên đồng tình vì có thêm ngày nghỉ, nhưng nhiều phụ huynh lại muốn con đi học vào ngày thứ Bảy vì vẫn phải đi làm, để đỡ phải để con ở nhà một mình. Sẽ có nhiều ý kiến về vấn đề này, bản thân giáo viên cũng quen đi dạy vào ngày thứ Bảy, vì với họ đã có thời gian nghỉ hè kéo dài. Do đó, lịch học cần xây dựng khoa học cho học sinh mới là quan trọng.

Sẽ ít nơi thực hiện được vì thiếu phòng học

Trên thực tế, mới chỉ là giai đoạn thí điểm tại Lào Cai, song với nhiều địa phương khác cũng rất quan tâm đến mô hình học 5 ngày/tuần. Tại thành phố lớn, mong muốn này cũng được nhiều phụ huynh, nhà trường đặt ra, nhưng để thực hiện lại rất khó bởi điều kiện phòng học chưa cho phép, học sinh vẫn phải căng mình học cả ngày, học 6 ngày/tuần để bắt kịp chương trình hiện nay. Bên cạnh đó, nhiều phụ huynh cũng cho rằng, trường hợp bố mẹ đi làm, hoặc con được nghỉ 2 ngày cũng là vấn đề nan giải, nếu lo con mải chơi, vướng vào tệ nạn mà bố mẹ đăng ký học thêm lại thành ra học sinh đi học ở trường còn sướng hơn.

Về vấn đề này, một giáo viên ở Hà Nội thẳng thắn cho biết: "Nếu có thêm ngày nghỉ là rất tốt vì học sinh có thêm thời gian nghỉ ngơi, hoạt động thể dục thể thao… Khi xét tới thời gian học tập của học sinh cần phụ thuộc vào khối lượng chương trình và phòng học. Chương trình hiện nay, đa số trường chỉ học 1 buổi/ngày thì khó có thể nghỉ ngày thứ Bảy. Thậm chí nhiều nơi thiếu phòng học, nghỉ học luân phiên trong tuần. Do đó, căn cứ vào thực tiễn mỗi trường, miễn sao đáp ứng đúng khung chương trình chứ không nên áp dụng đại trà".

Còn theo GS.TSKH Phạm Tất Dong: "Nếu như chương trình phù hợp, học sinh được nghỉ ngày thứ 7 để ở bên gia đình, phát triển thêm các kỹ năng, tham gia các hoạt động ngoại khóa, tôi cho rằng thực hiện được là rất tốt. Ngày nghỉ các em có thể đi học nhạc, đi dã ngoại, chơi thể thao, tham gia các câu lạc bộ rất bổ ích và hoàn thiện bản thân. Rõ ràng, so với việc học liên miên cả ngày, cả tuần sẽ khiến học sinh mệt mỏi, chán nản. Bớt những kiến thức không cần thiết, nặng nề đi sẽ khiến học sinh học ít hơn và thoải mái hơn, có như vậy chọn học 5 ngày/tuần là hoàn toàn có thể áp dụng".

Dù ủng hộ, nhưng đặt ra điều kiện khi thực hiện, PGS.TS Trần Xuân Nhĩ - nguyên Thứ trưởng Bộ GD&ĐT cho biết: "Nếu như nghỉ ngày thứ Bảy, học sinh có thêm thời gian tự học, vui chơi là cần thiết. Song, được nghỉ hai ngày cuối tuần, nhưng đổi lại là lịch học rất nặng, nhồi nhét kiến thức vào các ngày trước đó e rằng chỉ khiến học sinh căng thẳng thêm, mất đi tác dụng của phương án này. Chúng ta muốn thay đổi, giảm tải cho học sinh chứ không phải dồn ép lại để bớt đi một ngày học".

Không chỉ Lào Cai, trước thềm năm học 2018 - 2019, Ủy ban Văn hóa Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội đề xuất nghỉ dạy học ngày thứ Bảy tại các cơ sở giáo dục, đồng thời đề xuất cần giảm tải chương trình học, rút ngắn thời gian học trên lớp để tiến tới cho học sinh nghỉ ngày thứ 7 đã nhận được sự quan tâm đặc biệt của dư luận. Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng cho rằng, cho học sinh nghỉ học ngày thứ Bảy là tốt cho giáo viên, cho học sinh và cho cả phụ huynh.

Theo GiaDinh