Chiếc Chevrolet Orlando đỗ dưới trời nắng phát nổ nghi do chủ xe để quên cục sạc pin dự phòng

Mới đây một chiếc xe ô tô Chevrolet Orlando đã bất ngờ bốc khói nghi ngút nguyên nhân chính có thể là do chủ xe để quên cục sạc dự phòng bên trong.

Ô tô phát nổ nghi do để quên cục sạc pin dự phòng trong xe

Trong lúc đang ngủ trưa anh Trần Duy giật mình vì có tiếng nổ lạ ngoài cửa nhà. Ngay sau đó anh ra xem thì chứng kiến cảnh tượng khói đang bốc ra nghi ngút từ chiếc ô tô Chevrolet Orlando của mình. Sự việc vừa xảy ra tại nhà riêng, cũng là cửa hàng điện thoại, của anh Trần Duy ở Thành phố Buôn Ma Thuột, Đắk Lắk.

Phát hiện chiếc xe Chevrolet Orlando của mình bốc cháy ở khu vực toàn bộ mặt táp-lô, anh Duy ngay lập tức lấy bình chữa cháy và mở cửa xe xịt thẳng vào vị trí này. Tuy nhiên, sau khi dập được lửa, nội thất bên trong khoang lái bị thiệt hại lớn. Các chi tiết như cụm đồng hồ, vô-lăng, kính chiếu hậu, kính lái, màn hình Android đều bị hư hỏng nặng.

chiec-chevrolet-orlando-do-duoi-troi-nang-phat-no-nghi-do-chu-xe-de-quen-cuc-sac-pin-du-phong

 Hình ảnh chiếc ô tô bị cháy và hư hỏng nặng nghi do chủ xe để cục sạc pin dự phòng bên trong. Ảnh: VietNamNet

Theo nghi ngờ của anh Duy nguyên nhân gây cháy nổ trên xe là do cục sạc pin điện thoại dự phòng để quên trên xe. Cũng có thể do xe đỗ ngoài trời giữa trưa nắng cục sạc dự phòng để ngay trên bề mặt táp-lô, dưới tác động của ánh nắng mặt trời đã quá nhiệt nên phát nổ và cháy. Lửa sau đó lan nhanh trên tấm thảm nỉ trải trên táp-lô, sức nóng từ vị trí này đã khiến kính chắn gió nứt vỡ. 

Thực tế câu chuyện cảnh báo không để những đồ vật dễ cháy nổ trong ô tô như bật lửa gas, pin dự phòng, thấu kính... đã được đề cập lâu nay mỗi khi vào mùa nóng.

Một vụ việc tương tự đã xảy ra tại Malaysia vào năm 2016 với anh Heng Swee đến từ Penang. Chiếc ô tô của Heng Swee đã bị cháy toàn bộ cụm điều khiển trung tâm sau một thời gian ngắn đỗ ngoài trời ở bãi đỗ xe trung tâm thương mại.

"Việc để pin sạc dự phòng trong xe ô tô của tôi dưới nhiệt độ cực cao buổi trưa đã khiến nó phát nổ, bắt lửa thiêu rụi toàn bộ bảng điều khiển và các bộ phận xung quanh. May mắn thay, tôi đã được nhân viên bãi đậu xe phát hiện sớm nên ngọn lửa đã được dập tắt trước khi chiếc xe bị nhấn chìm hoàn toàn trong biển lửa", Heng Swee đã chia sẻ một bài đăng trên Facebook nhằm mục đích để cảnh báo những người khác sẽ không gặp phải sự cố tương tự như mình.

Tại sao để cục sạc pin dự phòng trong ô tô dưới trời nắng lại nguy hiểm?

Nói tới tác hại khi để cục sạc pin dự phòng trong xe ô tô dưới trời nắng nóng, các chuyên gia cho biết, nhiệt độ trong cabin ô tô có thể tăng lên 70-90 độ C khi đậu dưới ánh nắng mặt trời.

Việc để ô tô tiếp xúc trực tiếp với ánh nắng mặt trời khi không vận hành không chỉ khiến lớp sơn ngoại thất nhanh phai màu mà còn khiến các chi tiết nội thất như bảng táp lô, vô lăng, ghế ngồi nhanh chóng bị làm nóng... Khi đỗ xe ngoài trời nắng, để tránh làm hư hại và tiềm ẩn nguy cơ cháy nổ, người dùng ô tô cần chú ý không để một số vật dụng dễ biến dạng, cháy nổ đặc biệt là cục pin sạc dự phòng.

Thực tế, các thiết bị sạc dự phòng hiện này đều sử dụng pin lithium-ion. Pin này chứa thành phần chất lỏng nhạy cảm với các phản ứng hóa học. Khi để cục sạc dự phòng trong môi trường nhiệt độ cao như khoang nội thất ô tô đỗ dưới trời nắng nóng trong một thời gian dài sẽ làm tăng nguy cơ đoản mạch dẫn đến cháy nổ. 

Nhận thức được mức độ này nên trong lĩnh vực hàng không, các hãng bay liệt pin sạc dự phòng vào danh sách các đồ vật dễ gây cháy nổ nên bắt buộc phải để trong hành lý xách tay mà không được ký gửi.

Trao đổi về pin sạc dự phòng, chuyên viên thuộc Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng cho biết, pin sạc dự phòng và điện thoại là mặt hàng được quản lý theo Luật Chất lượng sản phẩm và hàng hóa. Cụ thể, doanh nghiệp có quyền tự sản xuất, tự công bố chất lượng sản phẩm và đưa ra thị trường. Khi cơ quan chức năng kiểm tra nếu sản phẩm không đúng với tiêu chuẩn mà doanh nghiệp đã công bố thì doanh nghiệp phải tự chịu trách nhiệm.

Như vậy, chất lượng sản phẩm của pin sạc hoàn toàn trông chờ vào sự tuân thủ pháp luật của doanh nghiệp. Điều này có nghĩa tính mạng, sức khỏe của người dùng phụ thuộc hoàn toàn vào sự “may rủi”. Nếu doanh nghiệp làm ăn chân chính, nghiêm chỉnh chấp hành luật thì sản phẩm đạt chất lượng. Ngược lại, nếu doanh nghiệp làm ăn chụp giật thì người tiêu dùng phải lĩnh hậu quả.

Trong khi trông chờ việc tuân thủ luật của doanh nghiệp cũng như sự vào cuộc của cơ quan chức năng, để người dùng không bị “tiền mất tật mang”, các chuyên gia công nghệ khuyến cáo, khi mua pin sạc dự phòng, người tiêu dùng cần lựa chọn sản phẩm thương hiệu và nhà phân phối uy tín, ở những cửa hàng, siêu thị có tên tuổi. Trên bao bì sản phẩm có dán tem bảo hành, tem chính hãng, đặc biệt phải ghi rõ nguồn gốc xuất xứ. Trước khi mua, người tiêu dùng cần tìm hiểu kỹ về sản phẩm, cách sạc, cách sử dụng thiết bị số để đảm bảo an toàn cho bản thân và thiết bị. Người dùng nên nói không với hàng trôi nổi.

Theo VietQ