Cho người khác mượn thẻ BHYT đi khám bệnh có thể bị phạt tới 5 triệu đồng

Hành vi cho người khác mượn thẻ bảo BHYT hoặc sử dụng thẻ BHYT của người khác trong khám bệnh, chữa bệnh có mức phạt cao nhất là 5 triệu đồng.

Chính phủ vừa ban hành Nghị định 117/2020/NĐ-CP về xử phạt hành chính trong lĩnh vực y tế.

Theo đó, khoản 1 điều 84 Nghị định này quy định phạt tiền đối với hành vi cho người khác mượn thẻ BHYT hoặc sử dụng thẻ BHYT của người khác trong khám bệnh, chữa bệnh theo một trong các mức sau: Từ 1 - 2 triệu đồng đối với trường hợp vi phạm nhưng chưa làm thiệt hại đến quỹ BHYT; từ 3 - 5 triệu đồng đối với trường hợp vi phạm làm thiệt hại đến quỹ BHYT.

cho-nguoi-khac-muon-the-bhyt-di-kham-benh-co-the-bi-phat-toi-5-trieu-dong

 Ảnh minh họa.

Hiện nay, mức phạt đối với hành vi cho mượn hoặc sử dụng thẻ BHYT của người khác trong khám chữa bệnh quy định tại khoản 2 điều 65 Nghị định 176/2013/NĐ-CP là 500.000 đồng đến 1 triệu đồng khi chưa làm thiệt hại quỹ BHYT và từ 1 - 2 triệu đồng khi làm thiệt hại đến quỹ BHYT.

Như vậy, mức phạt trên tại Nghị định 117 năm 2020 đã tăng so với mức phạt hiện hành.

Ngoài ra, trong trường hợp cho người khác mượn hoặc sử dụng thẻ BHYT của người khác mà làm thiệt hại đến quỹ BHYT thì buộc phải hoàn trả số tiền đã vi phạm vào quỹ BHYT (nếu có).

Nghị định 117/2020/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 15/11/2020.

Theo VietQ

-----

Xem thêm:

Các cuộc gọi từ đầu số 0555..., 8009...về bảo hiểm y tế đều là lừa đảo

Việc đối tượng tự xưng là người của cơ quan BHXH gọi điện cho người dân từ đầu số 0555..., 8009... để thông báo việc thiếu tiền khám bệnh BHYT hoặc trục lợi BHYT đều là hành vi lừa đảo...

Đây là cảnh báo vừa được Cơ quan Bảo hiểm xã hội VN công bố liên quan tới thủ đoạn mạo danh cơ quan Bảo hiểm xã hội qua điện thoại nhằm lừa đảo, chiếm đoạt tài sản của người dân.

Theo đó, những ngày gần đây, đường dây nóng của Bảo hiểm xã hội (BHXH) VN đã nhận được thông tin phản ánh của một số người dân về việc họ nhận được các cuộc điện thoại của người lạ có các đầu số: 0555..., 8009... tự xưng là người của cơ quan BHXH.

Trong cuộc trao đổi qua điện thoại, các đối tượng này thông báo cho người dân việc họ đã đi khám chữa bệnh bằng thẻ bảo hiểm y tế (BHYT) nhưng chưa thanh toán tiền khám chữa bệnh hoặc thông báo người dân đã trục lợi tiền khám chữa bệnh từ quỹ BHYT.

Sau đó yêu cầu người dân cung cấp về nhân thân và nộp một khoản tiền (thông qua tài khoản) để thanh toán chi phí đã khám chữa bệnh BHYT hoặc hoàn trả tiền đã trục lợi từ quỹ BHYT.

Nếu không cơ quan BHXH sẽ báo công an vào cuộc điều tra, trừ tiền có trong tài khoản ngân hàng của người dân, cắt quyền sử dụng thẻ BHYT của người dân...

Trước vụ việc trên, đại diện BHXH Việt Nam cảnh báo: “Việc đối tượng tự xưng là người của cơ quan BHXH gọi điện cho người dân để thông báo các nội dung trên là lừa đảo”.

Cơ quan BHXH hiện không triển khai bất kỳ hình thức điện thoại trực tiếp nào cho người dân thông báo việc đã đi khám chữa bệnh bằng thẻ BHYT hoặc nói họ đã trục lợi tiền của quỹ BHYT như thông tin một số người dân phản ánh ở trên.

Được biết, Bảo hiểm xã hội Việt Nam đang tập hợp các số điện thoại tự nhận là người của cơ quan Bảo hiểm xã hội có hành vi lừa đảo nêu trên theo phản ánh của người dân để chuyển Bộ Công an và đề nghị Bộ Công an phối hợp vào cuộc điều tra, xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.

Thông qua sự việc, Bảo hiểm xã hội Việt Nam khuyến nghị: Người dân cần nâng cao cảnh giác khi nhận được các cuộc điện thoại lạ, tự xưng là người của cơ quan BHXH.

Đồng thời, người dân tuyệt đối không thực hiện bất cứ yêu cầu nào của các đối tượng, nhất là không chuyển tiền hoặc cung cấp thông tin cá nhân cho người lạ qua điện thoại.

 Báo ngay cho BHXH VN khi có dấu hiệu lừa đảo

Theo BHXH VN, trong trường hợp nhận được các cuộc gọi như trên, cần báo ngay cho cơ quan công an để xử lý, hoặc thông báo đến số đường dây nóng (hotline) của BHXH Việt Nam 1900.9068 để được tư vấn, hỗ trợ và giải đáp kịp thời.

Hoàng Mạnh

Theo Dân trí