Chồng bại liệt đòi rút ống thở để vợ sớm tìm được hạnh phúc mới và quyết định của vợ tạo nên kỳ tích

Không phải người phụ nữ nào ở trong hoàn cảnh của bà cũng đủ can đảm, đủ yêu thương để đưa ra lựa chọn như vậy...

Robin Cavendish gặp Diana Blacker lần đầu vào năm 1956. Cặp đôi nhanh chóng nảy sinh tình cảm và kết hôn 1 năm sau đó. Cả hai đều bước vào cuộc sống hôn nhân với tâm trạng háo hức, mong chờ, hy vọng xây dựng một gia đình êm ấm.

Nhưng đến năm 1958, ngay trước khi cậu con trai đầu lòng và cũng là duy nhất của cả hai ra đời, tai họa đã giáng xuống gia đình nhỏ của Robin và Diana. Robin ngã trong khi chơi tennis và tỉnh lại với một cánh tay đau nhức. Ông cảm nhận được rõ tay chân mình đang mất dần cảm giác. Sau khi được đưa đến một bệnh viện ở Nairobi, Robin được chẩn đoán mắc bệnh bại liệt và chỉ còn sống được 3 tháng.

Khi trở lại Anh, Robin lúc này đã liệt hoàn toàn từ cổ trở xuống. Sự sống của ông phụ thuộc hoàn toàn vào thiết bị hỗ trợ hô hấp bởi cơ thể đã mất khả năng tự thở. Từ một người đàn ông khỏe mạnh, ham hoạt động, thích phiêu lưu, Robin nằm liệt trên giường bệnh. 

Chồng bại liệt đòi rút ống thở để vợ sớm tìm được hạnh phúc mới và quyết định của vợ tạo nên kỳ tích

Robin và Diana Cavendish

Năm 1959, con trai của Robin và Diana ra đời nhưng điều đó không làm ông cảm thấy vui vẻ hơn khi thời gian sống chỉ còn tính bằng tháng. Tuyệt vọng vì bệnh tật, ông càng đau đớn khi nghĩ tới vợ con của mình, đặc biệt là vợ. Ông không muốn làm khổ vợ thêm, không muốn thành gánh nặng cản trở hạnh phúc của bà nên đề nghị vợ ngắt máy thở để "em có thể bắt đầu lại". Và Diana - người phụ nữ khi ấy còn son trẻ ở tuổi 25 - kiên quyết từ chối. Sự lựa chọn của bà là ở bên chồng, cùng ông chống chọi với căn bệnh hiểm ác.

Nhờ sự cương quyết, kiên trì của Diana, Robin dắt đầu muốn "đấu tranh" với Tử Thần. Tâm trạng ông tốt dần lên. Và khi sự sống kéo dài qua cột mốc 3 tháng do bác sĩ chẩn đoán, Robin bắt đầu nuôi lại hy vọng.

Diana khuyên Robin nên trở về nhà thay vì nằm viện, ông đồng ý bất chấp sự can ngăn từ y bác sĩ. Người vợ trẻ tin rằng căn bệnh bại liệt không có quyền cầm tù Robin chồng bà nên thu xếp đưa ông về nhà, dù điều đó đồng nghĩa với việc một tay Diana phải lo lắng, chăm sóc cho chồng.

Thời gian sau đó Diana dù vất vả thế nào cũng không phàn nàn. Đôi lúc, Robin hỏi bà rằng liệu có hối hận, muốn ra đi hay không nhưng thời gian đã chứng minh sự cương quyết của Diana. Sự tuyệt vọng trong Robin bị đẩy lùi nhờ vào tình yêu sâu đậm mà vợ dành cho ông.

Chồng bại liệt đòi rút ống thở để vợ sớm tìm được hạnh phúc mới và quyết định của vợ tạo nên kỳ tích

Robin và con trai

Một lần, nhìn con trai chơi đùa, Robin nảy ra ý tưởng chế ra một loại xe lăn gắn thiết bị trợ thở để bệnh nhân bại liệt có thể tự do di chuyển, thay thế những cỗ máy cồng kềnh. Năm 1962, ông tìm gặp Teddy Hall - một giáo sư kỹ thuật tại Đại học Oxford và được giáo sư hỗ trợ nhiệt tình. Robin sau đó tự thử nghiệm các sản phẩm mẫu do mình tạo ra. Đến khi hài lòng, ông kêu gọi đóng góp từ các nhà hảo tâm và chính phủ nhằm sản xuất đại trà những chiếc xe lăn đặc biệt này. Năm 1975, Robin được tặng vinh danh bởi nỗ lực không ngừng nghỉ dành cho người khuyết tật.

Ngoài thời gian sáng tác, lao động, Robin tận hưởng cuộc sống như bao người khác. Ông dành thời gian cho vợ và con trai. Trên chiếc xe lăn do chính mình sáng chế, Robin cùng Diana chia sẻ sở thích du lịch. Cặp vợ chồng thường đi từ Oxford đến London và có cả những chuyến thăm thú nước ngoài. Họ cũng thường xuyên mời bạn bè tới nhà chơi.

Thời gian trôi qua, Robin không còn oán trách cuộc sống đã an bài để ông mắc phải căn bệnh này nữa. Nhờ có Diana, ông được truyền cảm hứng sống, cảm hứng yêu và cống hiến sức mình vì người khác.

Năm 1994, ở tuổi 64, Robin quyết định ra đi bởi nhiều năm dùng ống thở đã khiến ông bị chảy máu nặng. Lần này, quyết định của Robin được Diana đồng ý. Bà và con trai Jonathan giúp ông tổ chức những buổi tiệc chia tay trước khi rời bỏ cuộc sống vĩnh viễn.

Chồng bại liệt đòi rút ống thở để vợ sớm tìm được hạnh phúc mới và quyết định của vợ tạo nên kỳ tích

Năm 2007, Jonathan Cavendish - con trai của Robin và Diana Cavendish đã sản xuất bộ phim mang tên Breathe kể lại hành trình phi thường của cả bố và mẹ mình.

Sau khi Robin ra đi, Diana ở vậy, nhất quyết không tái hôn. Năm 2007, Jonathan Cavendish sản xuất bộ phim mang tên Breathe kể lại hành trình phi thường của cả bố và mẹ mình.

Có thể nói, bại liệt mang đến bi kịch cho rất nhiều gia đình nhưng với Robin và Diana thì khác. Tình yêu Diana dành cho Robin thực sự đã làm nên điều kỳ diệu, khi kéo dài sự sống của người chồng bệnh tật từ 3 tháng thành 36 năm. Trong 36 năm đó, Robin còn làm được rất nhiều việc có ích, đạt được thật nhiều thành tựu. Robin mắc phải căn bệnh quái ác, nhưng cuộc sống đã bù đắp cho ông một người vợ tuyệt vời.

Bại liệt là căn bệnh do virus gây ra và lây truyền qua đường miệng, từ thức ăn hoặc nước bị ô nhiễm bởi phân. Rất nhiều người mắc bệnh nhưng không có triệu chứng hoặc chỉ có triệu chứng nhẹ. Chỉ đến khi nặng hơn, bệnh mới gây ra nhiều triệu chứng bao gồm sốt, mệt mỏi, buồn nôn, nhức đầu, đau cơ, co thắt và tê liệt. Khi tấn công các tế bào trong các dây thần kinh, căn bệnh làm tê liệt chân tay, hoặc thậm chí là các cơ ở cổ họng và ngực. Người bệnh thậm chí không thể thở được và các ca bại liệt nặng thường dẫn đến tử vong.

Theo Ttvn